Lý do bạn càng chửi rủa đồng đội càng thua nhiều hơn

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/05/2016 11:12 PM

"Thà rằng cho hắn thua cuộc, mình cũng nhận thua còn hơn là cố gắng tiếp vì một kẻ đang chửi rủa chê bai."

Trẻ trâu, hay theo những game thủ trẻ tuổi cũng như cư dân mạng Việt Nam hay sử dụng cụm từ đầy hài hước với phong cách nửa Hán nửa Việt: 'Sửu nhi' đã từ lâu là thứ khiến cho không ít những game thủ chúng ta cảm thấy đau đầu, bất kể việc họ ở team đối phương hay đang sát cánh cùng chúng ta trong những trận đấu căng thẳng trong thế giới ảo.

Bất kể những game thủ trẻ trâu như vậy làm gì trong game, từ phá game, lên đồ kiểu mới lạ sáng tạo, văng tục chửi bậy hay thậm chí là AFK không cho đồng đội chơi game, thì việc những game thủ như vậy hiện diện luôn là điều khiến không ít chúng ta phải đau đầu.

Bản thân chúng tôi đôi khi bước vào một phòng máy chơi game, dù rằng có những tựa game giới hạn độ tuổi, nhưng không vì thế mà cấm cản được những cậu bé đang học cấp 1, cấp 2 tham gia vào game với một tâm thế gần như "vô đối", khi họ luôn coi mình chơi giỏi nhất. Những cô bé cậu bé chưa biết rõ sự đời đôi khi tỏ ra rất "mạnh" trong thế giới ảo, nơi không ai biết mặt ai trừ phi đã quen sẵn ngoài đời thực.

Một cậu bé còn đang cắp sách tới trường chẳng cần quan tâm khi bật kênh chat văng tục hoặc mạt sát một người chơi cùng, đôi khi thậm chí có thể là một nam game thủ lão thành đã có gia đình, tìm đến game để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Và thế là, trong những phút cáu giận nhất thời, một số game thủ đã lên tiếng văng tục, chê bai đồng đội đánh dở, trong lúc tất cả cùng đang thua cuộc. Thế nhưng, bỏ qua những trường hợp như thế này, trong cộng đồng game thủ chúng ta thường có một thể loại game thủ hay được gọi là "toxic player". Dù cho đồng đội có chơi tròn vai đến đâu đi chăng nữa, thì họ vẫn lên tiếng chê bai đồng đội, không cần biết họ đã đóng góp những gì cho trận đấu. Có thể lý do là do đồng đội không giỏi bằng họ chăng? Nhưng dù lý do là gì đi chăng nữa, thì một kẻ thích chê bai sẽ không bao giờ có được thành công như những người biết khen ngợi, dẫn dắt đồng đội đâu. Khoa học cũng đã chứng minh điều này rồi.

Trong một cuộc điều tra mới nhất do đại học New South Wales và đại học Miami thuộc band Ohio thực hiện, một phát hiện mới cực kỳ thú vị đã được các nhà khoa học khám phá về mối quan hệ giữa những game thủ "vô dụng" và cách họ tương tác với những game thủ khác thông qua kênh chat trong game. Cụ thể hơn, những nhà nghiên cứu đã thực hiện cuộc thử nghiệm trên các game thủ tham gia những trận đấy Halo 3 multiplayer, chế độ Team Deathmatch.

Qua những trận đấu, họ đã tạo ra những "game thủ ảo" bằng cách tạo ra những đoạn ghi âm bằng giọng nam giới hoặc phụ nữ, và những "game thủ ảo" này được chia thành 3 dạng: Một "nhóm" hoàn toàn yên lặng trong quá trình chơi, không đưa ra bất kỳ lời khen ngợi hay nhận xét nào, nghĩa là họ chơi game hoàn toàn không có tương tác với đồng đội. Hai "nhóm" còn lại là những đoạn ghi âm bằng giọng nam hoặc nữ với những bình luận tích cực tới đồng đội như "Làm tốt lắm các bạn" hay "Làm gỏi họ thôi"...

Những game thủ nữ về cơ bản phải nhận nhiều những lời chê bai hay nhận xét tiêu cực hơn so với nam giới. Và điều đáng ngạc nhiên hơn là, những người chơi "vô dụng" trong game, nghĩa là không có mạng nào trong một trận đấu lại có khuynh hướng chê bai những nữ đồng đội của họ nhiều hơn.

Trong khi đó những game thủ nam giỏi hơn, tính trung bình, lại chỉ đưa ra 1 lời chê bai tới những game thủ nữ trong mỗi trận đấu mà thôi. Trong khi đó, những game thủ nam, hay đúng hơn là những "đoạn hội thoại" có giọng nam giới thì nhận được 2 lời nhận xét tiêu cực trong mỗi trận đấu, bất kể họ chơi giỏi hay dở.

Giải thích cho thực tế những kẻ chơi game dở tệ lại thích chửi rủa game thủ khác, các nhà khoa học cho rằng, "Những nhân vật nam giới hay chê bai kẻ khác rất dễ nhận lấy thất bại vì họ đang mải ganh đua với những đối thủ khác, trong đó có cả những đối thủ nữ. Họ sợ thất bại hơn là việc cố gắng nghĩ tới cách khiến mình giỏi hơn". Trong khi đó những game thủ nam có kinh nghiệm và kỹ năng lại "tích cực hơn trong việc đối mặt với những game thủ nữ, đôi khi họ còn là những người có khuynh hướng hỗ trợ tốt đồng đội và bạn bè nữa".

Chưa cần tới những phân tích khoa học. Chỉ cần nhìn vào một trận đấu, giả sử bạn đang bị chê bai dù đang cố gắng đi farm hoặc cắm mắt hỗ trợ đồng đội mà vẫn bị chê bai, chắc chắn sẽ nản hơn nhiều so với bình thường. Thậm chí sẽ có lúc, bạn muốn dẹp tất đi để phá game cho thoải mái, chờ tìm trận đấu mới cho khuất mắt kẻ đang lảm nhảm cực kỳ khó chịu kia. Thà rằng cho hắn thua cuộc, mình cũng nhận thua còn hơn là cố gắng tiếp.

Trong thế giới eSports chuyên nghiệp, cũng đã có không ít những game thủ theo kiểu toxic này, nói quá nhiều, gây khó chịu trong ngay chính tập thể team mình, tạo ra những trận đấu chuyên nghiệp không được như ý muốn. Điển hình là S1mple, hiện đang thi đấu cho Team Liquid CS:GO. Những game thủ này không bao giờ có được thành công trừ phi thay đổi cách họ đối thoại với đồng đội.