Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì?

Yasha  - Theo Helino | 19/12/2019 11:03 AM

"Wibu" là gì, nguồn gốc của nó là chi, biểu hiện của nó như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài dưới đây nhé.

Như các bạn đã thấy, "wibu" vốn là 1 trong những cách gọi phổ biến hàng đầu của giới trẻ Việt Nam hiện nay đối với 1 số nhóm người trong cộng đồng manga/anime. Vậy "wibu" là gì, nguồn gốc của nó là chi, biểu hiện của nó như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài dưới đây nhé.

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 1.

"Wibu" vốn có nguồn gốc từ "Weeaboo" - một từ lóng tiếng Anh được sử dụng để mô tả 1 người (và ban đầu được tạo ra để ám chỉ người gốc Á), người thích Nhật Bản và tất cả mọi thứ bằng tiếng Nhật hơn văn hóa bản địa của họ. Nó là thuật ngữ "tiến hóa" của "Wapanese", là thuật ngữ được sử dụng để công kích những người có xu hướng thiên vị hàng nhập khẩu, công nghệ và văn hóa Nhật Bản.

1. Lịch sử ra đời và sự phát triển

"Wapanese" được ra đời vào khoảng đầu thập niên 2000, và trường hợp thuật ngữ này được tìm kiếm trên Google sớm nhất là từ cơ sở dữ liệu Racial Slur (vốn là cơ sở dữ liệu ghi lại những từ khóa có dính đến sự phân biệt chủng tộc), ngày 30 tháng 6 năm 2002. Từ này được sử dụng để mô tả những người da trắng bị ám ảnh bởi văn hóa Nhật Bản, bao gồm anime/manga.

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 2.

Đến cuối năm 2003, việc sử dụng thuật ngữ này càng nhiều trên diễn đàn 4chan khiến sự tranh chấp quan điểm giữa những người yêu thích văn hóa Nhật và những người không - bắt đầu bùng nổ. Đỉnh điểm là vào năm 2005, những người điều hành 4chan đã quyết định thay luôn "Wapanese" thành "Weeaboo", vốn là 1 thuật ngữ hư cấu được giới thiệu bởi Nicholas Gurewitch trong bộ comic Perry Bible Fellowship của anh.

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 3.

Vốn ban đầu, "Weeaboo" chỉ đơn giản là 1 từ chỉ những hành động trừng phạt không đáng có, cho đến khi 4chan can thiệp.

Từ đó, Weeaboo đã được sử dụng khá nhiều trên toàn thế giới và khi du nhập vào Việt Nam, cách viết của từ này đã lái thành "Wibu" dựa theo cách đọc của từ gốc, nhằm ngắn gọn hơn và dễ viết hơn. Nói tóm lại, "Weeaboo" là từ ngữ của quốc tế, nhưng ở Việt Nam thì chúng ta sẽ dùng từ "Wibu" dù thực chất 2 từ vốn là 1. Không chỉ vậy, thuật ngữ này còn trở thành từ chỉ chung chứ không phải chỉ riêng người da trắng nữa.

2. Biểu hiện của 1 "Wibu"

Biểu hiện của Wibu vốn là 1 trong những đề tài gây tranh cãi sôi nổi nhất trong cộng đồng mạng. Cụ thể, ban đầu thì thế giới đưa ra 1 số quy ước biểu hiện như sau:

- Sử dụng quá nhiều từ Nhật thay thế tiếng Anh.

- Thiên vị sản phẩm nhập khẩu của Nhật Bản hơn là mặt hàng nội địa tương đương.

- Thường xuyên lang thang ở những lối đi quốc tế trong siêu thị.

- Tụ tập chen chúc ở quầy manga trong cửa hàng sách.

- Chỉ tìm kiếm dịch vụ Nhật, đồ Nhật, đối tác Nhật trên trang Craigslist.

- Hay đọc thuộc và ghi nhớ những ca khúc opening trong anime.

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 4.

Wibu nổi tiếng với những hành vi, thú vui vô cùng lập dị.

Tuy nhiên, những từ này đã đánh đồng quá nhiều và qua thời gian, ý nghĩa của chúng đã có nhiều sự thay đổi, trở thành 1 từ ám chỉ những người có niềm yêu thích quá đà với anime/manga, dẫn đến sự thay đổi tâm lý. Trang Urban Dictionary (2005 - 2015) đã liệt kê những đặc điểm của Wibu gồm:

- Ám ảnh với văn hóa Nhật tới mức cho rằng văn hóa Nhật thượng đẳng hơn những nền văn hóa khác (kể cả văn hóa của quê hương họ).

- Bị ám ảnh đến mức bất thường đối với anime/manga và những sản phẩm văn hóa đại chúng của Nhật khác.

- Chen những từ ngữ tiếng Nhật vào câu nói hàng ngày, dù họ không hề học tiếng Nhật và cũng dùng tiếng Nhật sai cách.

- Phần lớn hiểu biết của họ về Nhật Bản và ngôn ngữ Nhật Bản đều là dựa trên những sản phẩm văn hóa đại chúng (anime và manga).

3. Sự khác biệt đối với những định nghĩa khác

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 5.

 Do sự "gần giống nhau" về định nghĩa, rất nhiều người đã nhầm lẫn khái niệm và khiến cho thuật ngữ này bị lạm dụng bừa bãi ngày càng nhiều. Cụ thể, từ "Otaku" vốn là thuật ngữ miệt thị, ám chỉ những người (đặc biệt là người trưởng thành) có biểu hiện say mê anime/manga, hay game, những thứ 2D tới mức kì quái, còn "Hikikomori" là hiện tượng những người tự giam mình trong phòng, từ chối tiếp xúc xã hội trong thời gian dài, sống bừa bộn và tự thỏa mãn bằng 1 số thú vui lập dị nào đó.

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 6.

Một nam thanh niên sống theo phong cách Hikikomori.

Ở thời kỳ đầu, những otaku vốn bị người Nhật kỳ thị rất gay gắt. Do đó, họ thường phải ẩn mình (nhất là đối với dân văn phòng), cố gắng che giấu sở thích của mình và không bao giờ dám để lộ ra. Tuy nhiên, theo thời gian thì otaku đã không còn bị kỳ thị như hồi đầu và thậm chí, quan điểm tiêu cực của những người khác cũng dần theo chiều hướng tích cực hơn.

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 7.

Tokusatsu Gagaga, series truyền hình xoay quanh câu chuyện giấu mình trong môi trường làm việc văn phòng của 1 cô nàng otaku xinh xắn hâm mộ Super Sentai.

Do đó, ở thời điểm hiện tại thì wibu mới là kiểu người bị chỉ trích nhiều hơn otaku. Phạm vi sử dụng từ này cũng ngày càng bị thu hẹp lại, ám chỉ người có biểu hiện bất thường về tâm lý, khác với hâm mộ thông thường. 

Ví dụ, nếu bạn hay chèn tiếng Nhật vào câu nói của mình do bị ảnh hưởng trong quá trình học tiếng 1 cách nghiêm túc: bạn không phải là wibu. Nếu bạn chèn tiếng Nhật tùy ý trong khi bản thân không hề học tiếng (mà học qua xem anime), thậm chí chèn sai: bạn là wibu. Nếu bạn xem anime, đọc manga 1 cách bình thường: bạn không phải wibu, nhưng khi ám ảnh thì là có.

Biên niên sử Wibu: Lịch sử hình thành và sự phát triển của thuật ngữ này là gì? - Ảnh 8.

Do sự không phân biệt được giữa các khái niệm, từ wibu bị lạm dụng quá đà dẫn đến sự oan ức của cộng đồng hâm mộ anime/manga. Ngay cả việc để avatar anime trên mạng xã hội cũng có thể dẫn đến sự xúc phạm, công kích cá nhân 1 cách sai lầm. .

4. Tổng kết

Nhìn chung, wibu vốn là 1 định nghĩa tiêu cực và mang tính phân biệt, thậm chí còn gay gắt hơn nhiều so với otaku. Do đó, việc THỰC SỰ tự hào bản thân là wibu là 1 hành động... rất kỳ quặc, và bản thân chính người Nhật còn kỳ thị những người thuộc xu hướng sống này.