- Theo Helino | 18/12/2019 11:12 AM
Dựa trên vụ án bắt cóc, cưỡng hiếp và sát hại nữ sinh có thật từng gây chấn động cả nước Nhật Bản lẫn toàn thế giới, bộ manga 17-Sai khắc hoạ lại nỗi kinh hoàng, đau xót của cô nữ sinh xấu số dưới góc nhìn mới hơn - góc nhìn của một trong những hung thủ máu lạnh.
Câu chuyện bắt đầu với Hiroki, người vốn chỉ là một nam sinh bình thường, nhưng chỉ sau một lần được Miyamoto, tên cầm đầu băng du côn giải thoát khỏi sự bắt nạt; cậu đã đi theo chân hắn.
Miyamoto - Đại Ca một đám giang hồ
Ban đầu, Hiroki chỉ cảm thấy khoái trá khi mình có thể mượn danh nghĩa "đại ca Miyamoto"để làm mọi điều bản thân ưa thích, tuy nhiên càng về sau, cậu càng lấn sâu vào mặt tối của thế giới xã hội đen, và đỉnh điểm nhất là tham gia vào vụ bắt cóc một thiếu nữ 17 tuổi có tên là Sachiko.
Sachiko - lấy cảm hứng từ nhân vật có thật.
Trước khi đi vào nội dung bộ manga, hãy cùng nhắc lại một chút về sự kiện kinh hoàng đã xây dựng nên câu chuyện này: vụ án mạng Furata Junko xảy ra năm 1989. Nhắc đến cái tên ấy, người biết người không, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng bất cứ con người bình thường nào cũng kinh tởm khi biết về tội ác đã được gây ra.
Nhắc đến việc một nữ sinh 17 tuổi bị bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại, nhiều người đã chạnh lòng. Nhưng nói vậy là đã giảm nhẹ rất rất nhiều tình tiết thực sự của vụ án. Thực tế, trong 44 ngày bị giam cầm, cô gái xấu số đã bị xâm hại hơn 500 lần, gần 100 người biết về nơi cô gái ấy bị giam giữ, và họ ngoảnh mặt làm ngơ hoặc tham gia vào tội ác ghê tởm ấy.
Và, họ tra tấn Furata bằng những cách mà tôi thực sự đã thấy buồn nôn khi tìm hiểu về vụ việc, đến mức người viết không hiểu mình đang đọc hồ sơ vụ án hay đang chiêm ngưỡng những câu chuyện giả tưởng thối nát đến cùng cực. Bạn có thể tùy ý tìm hiểu thêm về vụ việc, nhưng thành thực không khuyến khích điều đó. Từ cái thực tại đen tối này, ta có được bộ manga 17-Sai. Có thể độ vô nhân tính đã được thuyên giảm, nhưng tính thực tế của nó vẫn đủ để giữ người đọc cuốn hút, hồi hộp và lo sợ xuyên suốt từng trang truyện.
Nếu phải chọn một thứ để khen ở bộ manga này, thứ đầu tiên được đưa ra sẽ là tính thực tế của nó. Cái thực tế của nó không thể hiện ở việc khắc hoạ rõ nét và chi tiết tất cả những gì Sachiko - nữ sinh 17 tuổi bị bắt cóc – đã phải trải qua.
Đúng, ta có nhìn thấy những hành vi đồi bại vô nhân tính của bè lũ thủ phạm đã làm, được thấy một vài lần tra tấn của bọn chúng, nhưng chỉ vậy thôi. Ta không được chứng kiến tất cả, mà chỉ nhìn thấy hậu quả để lại trên cơ thể và tinh thần của nạn nhân. Cô ngày càng tiều tụy, ốm yếu, đau xót, thất thần hơn sau mỗi chương truyện.
Có thể người đọc không biết tất cả những gì đã xảy ra với cô mỗi lần ống kính cốt truyện hướng sang địa điểm khác, và trí tưởng tượng của ta tự động điền vào đó. Biết được những thứ đã xảy ra với Furata, không gì có thể giúp người đọc phủ nhận khả năng một trong những điều đó đã, và sẽ xảy ra với Sachiko mỗi lần ánh mắt của mình rời xa cô ấy.
17-Sai không kể về hoàn cảnh của Sachiko, nó kể về vụ án bắt cóc Sachiko. Điều đó đồng nghĩa với việc bên cạnh góc nhìn của nạn nhân, ta được thấy suy nghĩ của thủ phạm và đồng phạm, thấy được cái vô vọng bất lực của gia đình người xấu số, thấy được phe cảnh sát thực hiện nhiệm vụ của mình. Và tất cả những yếu tố đó bám chắc vào một thứ bất biến: tính thực tế của bộ truyện.
Về phía thủ phạm, có thể ta không thể hiểu, không thể đồng cảm với góc nhìn và hành động của lũ vô lương tâm ấy, và duy nhất chỉ còn lại sự căm ghét tột cùng cho lũ cặn bã không đáng gọi là người kia.
Ai cũng có lúc sợ sệt, mắc những sai lầm không nhỏ để rồi không ngừng ăn năn, suy nghĩ, hối hận về nó. Nhưng không chỉ một lần, mà hết lần này đến lần khác cậu nhẫn tâm tước đi tia hi vọng của Sachiko lẫn Miki – người em gái tuyệt vọng tìm kiếm chị mình. Bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi, lo sợ, cậu tự tay gạt đi lối thoát cho người khác lẫn chặn đi con đường quay đầu của mình.
Miki - em sinh đôi của Sachiko
Nhìn những hành động, suy nghĩ của Hiroki, độc giả không tức giận, không căm phẫn mà chỉ biết buồn và thất vọng. Thất vọng về một con người vẫn còn nhân tính, còn lương tri mà không thể nghe theo tiếng nói từ con tim của mình, vẫn nhìn thấy con đường đúng đắn mà chân bước xuống lối mòn hạ lưu.
Về phía gia đình nạn nhân thì có lẽ ta dù đã trải qua vị thế của họ hay chưa cũng mường tượng được. Bất lực, vô vọng, dù nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát hay tự chạy đi tìm kiếm người con gái mất tích cũng không xong.
Không khí gia đình ảm đạm bao trùm suốt những ngày đen tối đợi chờ lấy một tin tốt mong manh. Người mẹ đa cảm yếu đuối chỉ biết ngóng đợi tin con, người cha trụ cột gia đình giữ lấy cái đầu lạnh và vẻ ngoài cứng rắn mà rơi nước mắt thầm trong tim, người em gái cố gắng hết mức trong cuộc tìm kiếm dường như không gặt hái nổi thành quả, tất cả đều vô cùng hiển nhiên rồi, mà sao vẫn đau lòng đến vậy ?
Cảnh sát thì không quá mặn mà với vụ việc mất tích này. Thật sự, thiếu gì những vụ bỏ nhà đi chơi của những cô cậu mới lớn mà nhị vị phụ huynh tá hoả lên đi thông báo là mất tích chứ. Lực lượng điều tra không phải vô tâm, nhưng họ cũng không phải rảnh rỗi cho những vụ mất tích tự giải quyết sau 2,3 ngày.
Nhưng, những nhân viên điều tra vẫn động lòng trước cái thành khẩn của gia đình nạn nhân, để nhớ rằng mình cũng là con người, là những người làm cha làm mẹ lo lắng cho con của mình. Dù suy cho cùng, họ không làm gì hơn được hoàn thành trách nhiệm mà họ phải làm, nhưng như việc bác sĩ chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu người của mình, những việc làm ấy đem lại ánh sáng hi vọng, giải thoát cho con người kẹt trong bóng tối vô vọng.
Dù nạn nhân được giải thoát và cứu sống, thì nó có thật sự là một cái kết hạnh phúc hay không. Kẻ thủ ác nói dối, giả bộ ăn năn để được khoản hồng rồi lại được thả ra xã hội.
Người con gái được cứu, nhưng cả gia đình lại bị mắc kẹt giữa vòng vây đồn đoán của bạn bè, truyền thông xã hội. Từ cái nhìn méo mó đang kinh tởm của Hiroki, ta cũng nhìn thấy sự thật thối nát, rằng nạn nhân có chết thì hung thủ mới bị trừng trị xứng đáng, và đời nào việc cô gái xấu số kia bị nghiền nát bởi sự nghiệt ngã của số phận lại có thể là cái kết viên mãn.
Hoặc ngược lại, khi nạn nhân vẫn chịu những chấn thương không biết bao giờ lành, tại sao những kẻ cặn bã kia cứ nhởn nhơ ngoài xã hội chỉ sau một hai năm cải tạo ? Và cuối cùng, cái tính thực tế của bộ truyện vẫn cứ ở đó, cứ tồn tại một cách chướng mắt như những cái kết bất công trong xã hội.
Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn pha trộn bao niềm cảm xúc khác nhau, nét vẽ lại chỉ ở mức trung bình. Nó không nâng tầm bộ manga lên, nhưng cũng không trở thành điểm trừ khiến người đọc phải ngào ngán. 17-Sai không phải tuyệt tác, nhưng nó đã thành công trong việc kể lại một câu chuyện chân thực đắng cay của một xã hội đen tối, vô nhân đạo hơn những gì ta hằng mường tượng.
Và cuối cùng, khi đọc xong, bao người có thể quên được tiếng hét bất lực đầy phẫn uất "Tại sao không một ai cứu lấy chị tôi ?" ấy ?