Mua theo nhóm đang là đề tài nóng trong giới làm thương mại điện tử từ đầu năm trở lại đây. Đột phá, dễ làm, siêu lợi nhuận,…là những gì dư luận nhìn nhận về mô hình này. Một số thông tin dưới đây hi vọng có thể mang đến góc nhìn rộng về thị trường mua theo nhóm tại Việt Nam cho độc giả.
Bài viết có sử dụng hình ảnh và thông tin từ slide trình chiếu của các tác giả Tài Trần (Phân tích tính bền vững của mô hình mua theo nhóm), Trương Tố Linh (Kinh nghiệm phát triển và kinh doanh mô hình mua theo nhóm), Tom Trần (Tầm nhìn mô hình Groupon) và Văn Đức Tài (Giới thiệu dealcuatui.com) tại hội thảo về chủ đề "Mô hình mua theo nhóm có bền vững?" vừa diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh.
Mua theo nhóm có ở Việt Nam từ khi nào?
Tháng 06/2010, website phagia.com chính thức xuất hiện, đánh dấu một cơn sóng ngầm cho thương mại điện tử Việt Nam. Liên tiếp càng tháng sau đó là sự xuất hiện của cungmua.com, muachung.vn, nhommua.com cùng nhiều website mua theo nhóm khác.
Có bao nhiêu trang mua theo nhóm?
Thống kê không đầy đủ cho thấy, 97 trang web cung cấp dịch vụ mua theo nhóm đã có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có 14 trang tổng hợp sản phẩm/dịch vụ từ các trang “bán giá sỉ” bên trên.
Theo đánh giá từ khách hàng, việc có quá nhiều trang mua theo nhóm khiến họ không thể nhớ được tất cả các trang đó (đồng nghĩa với không săn được hết các mặt hàng đang giảm giá). Các website này đang nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng thương hiệu. Muachung.vn và nhommua.com là 2 website được đánh giá tốt trong khâu này (mật độ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, “in” sâu vào tâm trí khách hàng, dễ nhớ,…).
Trang nào đang dẫn đầu?
Số liệu từ trang dealcuatui.com cho thấy, nhommua.com, hotdeal.vn, muachung.vn và cungmua.com là 4 trang web nắm tổng cộng 90% thị phần.
Top 10 trang doanh thu lớn nhất?
Người ta bán cái gì?
Đa phần các trang mua theo nhóm bán chủ yếu đồ ăn uống, dịch vụ làm đẹp, thẻ khóa học, vé xem phim, gói du lịch, ngoài ra còn có phòng khách sạn/phòng họp. Được biết, hơn 6300 gói giảm giá đã được bán từ trước tới nay, theo đó khoảng 4 triệu phiếu giảm giá đã tới tay khách hàng. Tuy nhiên không phải phiếu giảm giá nào cũng được mang đi đổi lấy hàng/dịch vụ, và nhà cung cấp sẽ hưởng lợi từ những phiếu “bị bỏ quên” đó.
Thanh toán thế nào?
Khách hàng có nhiều lựa chọn khi thanh toán trên các trang mua theo nhóm: thẻ tín dụng, tiền ảo (ví dụ: nganluong.vn), thu tiền tại nhà (sau khi giao phiếu), chuyển khoản qua ATM, đặc biệt trang 51deal có cách thu phí rất độc đáo: khách hàng nhắn tin SMS đến đầu số của website và nhận 1 mã số giảm giá tại nhà cung cấp.
Mua theo nhóm và rào cản tâm lí
Một bộ phận không nhỏ dư luận mang tâm lí “của rẻ là của ôi” và lo ngại chất lượng không đảm bảo nếu mang những phiếu giảm giá đi đổi sản phẩm/dịch vụ. Họ cho rằng các phiếu giảm giá “sốc” tới 50 – 60% chỉ đổi được hàng…loại 2, và “giảm giá vậy thì lợi nhuận ở đâu ra ?!”.
Bên cạnh tâm lí “hàng ngon bổ thì không rẻ”, khách hàng cầm phiếu giảm giá đi mua hàng/ăn uống còn sợ tình trạng “phân biệt đối xử” từ phía nhà cung cấp. Ngoài ra, vụ trang web kê “nhầm” giá sản phẩm như dealsoc vừa qua (phiếu 148.000VNĐ cho một túi giữ nhiệt 280.000VNĐ, tuy nhiên khách hàng tìm ra giá thực tại cửa hàng chỉ là 170.000VNĐ) cũng khiến khách hàng lo ngại về cung cách làm ăn của những website mua theo nhóm.
Xu hướng cho website mua theo nhóm
Một số website đã manh nha ý tưởnng tự tổ chức những chương trình mua theo nhóm cho riêng mình, ví dụ: nhanhnhanh.vn (bán máy tính bảng), dienmay.com...
Thâm nhập vào những chiếc smartphone với lợi thế đông đảo, dễ dàng chia sẻ deal với bạn bè và tự định vị người sử dụng cũng là xu hướng tiềm năng. Trong năm tới, app mua theo nhóm hứa hẹn sẽ đổ bộ lên những nền tảng di động phổ biến như iOS và Android.
Mạng xã hội cũng là mảng được rất nhiều trang mua nhóm nhắm đến. Hiện tại chưa có website nào trong lĩnh vực này xây dựng được cộng đồng khách hàng riêng, do vậy những mạng xã hội đông và vững chắc sẽ là điểm đến cho các website mua theo nhóm.
Theo MaskOnline