Thương mại điện tử Việt Nam: Trẻ, cạnh tranh và thành công hơn mong đợi

PV  | 08/01/2012 0:00 AM

Thương mại điện tử Việt Nam có nhiều điểm khác biệt rõ rệt so với các thị trường nước ngoài.

Vừa qua trang tin Techcocktail đã đăng tải bài viết về một số vấn đề cơ bản đối với thương mại điện tử tại Việt Nam. Bài viết đưa ra 3 nhận định tương đối chuẩn xác về thị trường này: mới nổi, cạnh tranh và đang thành công hơn dự đoán.


Theo Techcocktail, có khoảng 30 triệu người dân Việt Nam sử dụng Internet, tuy nhiên lãnh vực thương mại điện tử chưa khai thác được nhiều từ lượng người dùng này (TMĐT chỉ đóng góp khoảng 0,5% GDP hằng năm, so với 3,8% của Mĩ). Đại diện trang Tiki.vn và Nhommua.com đưa ra một số lí giải về điều này.


Theo ông Trần Sơn, CEO Tiki.vn, tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, thương mại điện tử chưa tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Ông David Trần, Giám đốc điều hành tại Nhommua.com, cho biết Việt Nam là nơi có tỉ lệ hack-spam và lừa đảo qua mạng đứng top thế giới. Do vậy, điều mà thương mại điện tử cần làm lúc này là xây dựng lòng tin nơi khách hàng.


Người Việt chưa có thói quen dùng thẻ tín dụng.

Một điểm đáng chú ý nữa tại Việt Nam là người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thẻ tín dụng khi thanh toán, do vậy hình thức thu tiền khi giao hàng (cash on delivery) rất phổ biến. Bên cạnh đó, thanh toán qua chuyển khoản ATM, tin nhắn SMS,…cũng hiện diện tuy không được ưa chuộng bằng cách giao tiền trực tiếp.


Khâu vận chuyển cũng có nhiều hình thức tùy chính sách của từng website. Đối với trường hợp của Tiki.vn, trang web này hợp tác với nhiều hãng chuyển phát nhanh tại nhiều địa phương để giao hàng, trong khi Nava.vn (thuộc website Nhaccuatui) hỗ trợ quảng cáo sản phẩm cho một số doanh nghiệp để đổi lấy dịch vụ chuyển phát. Nhommua lại có đội ngũ 100 nhân viên giao hàng bằng xe máy (khoảng 5,000 đơn hàng mỗi ngày).


Chính sách hoàn lại tiền cho khách hàng cũng rất linh hoạt bởi người Việt thích cảm nhận mặt hàng trực tiếp hơn là xem ảnh trên website, tình trạng gửi trả hàng vì không vừa ý là không hiếm. Trang web Hula còn có một đội ngũ hỗ trợ khách hàng chuyên tư vấn sản phẩm qua điện thoại bởi theo Hula: “Người Việt thích thích nghe thông tin về món hàng sắp mua từ một người cụ thể hơn là đọc và đọc trên website”.


Không chỉ người mua mà ngay cả các website cũng có nhu cầu “xem tận tay” sản phẩm. Nava.vn có một đội ngũ chuyên thẩm định chất lượng sản phậm trước khi nhập về kho. Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” rất phổ biến nên các nhà cung cấp cần lựa chọn kĩ càng các sản phẩm của mình để nâng cao độ tin cậy. Đối với Tiki.vn, mỗi cuốn sách thậm chí còn được bọc vỏ nhựa trước khi đóng gói.

Tham khảo: Techcocktail
Xem thêm:

internet