Khi tôi viết bài viết này, tôi đang thử nhớ lại tất cả những thiên tài “chém gió, phang bão” mà tôi đã từng gặp, hay là được biết qua, thử một lần đặt mình vào vị trí của họ để biết họ được gì, mất gì trên game. Tôi không viết bài để đả kích, lăng nhục bất cứ ai, mà chỉ muốn đề cập đến một tình trạng có rất nhiều trên game online, và nó không hề hay ho một chút nào.
Những “Hiệp sĩ bàn phím”
“Chém gió” là một từ đã rất thông dụng hiện nay, nhất là trên game online, và nó không còn mang nghĩa là bốc phét nữa, mà nghĩa rộng hơn nhiều. Thường thì “chém gió” mang một ý nghĩa vui vẻ, nhưng với một số game thủ, trình độ “chém gió” được xem như là khả năng “nổ to”. Người ta gọi đó là các “Keyboard Warrior”.
Một trong những “hiệp sĩ” như trên tôi từng biết trực tiếp qua game. Trong một dịp nào đó, cậu ta xin vào Guild, rồi trò chuyện vui vẻ cùng mọi người. Câu chuyện đưa đẩy, cậu ta và mọi người tranh cãi về rất nhiều thứ, từ trong game cho đến ngoài game. Bất cứ lĩnh vực nào, cậu cũng sẵn sàng tỏ rõ “sự hiểu biết” của mình, dẫu rằng tầm hiểu biết của cậu nông cạn lắm lắm, mà mọi người không chấp nên cười mỉm bỏ qua.
Nói lắm cũng có chuyện, trong một lần tranh luận, chính vì cái sự “nổ” của cậu quá to, lấn át mọi người, nên một vài thành viên vung lời chửi tục và chê bai rất thẳng thừng. Ngay lập tức, cậu cũng buông lời thóa mạ đối thủ. Lời qua tiếng lại, cậu buông một câu hỏi đầy thách thức với đối thủ: “Nhà mi ở đâu?”
Thật ra, cậu hỏi như thế vì nghĩ rằng mình làm căng vậy, nó sẽ ngán không dám cương nữa, kiểu hù chơi như người ta dọa chó vì biết là chó xích. Thế nhưng, đối thủ lại không hề thích “nói chơi” mà thích “làm thật”, ngay lập tức cho vanh vách địa chỉ, kèm theo câu mời “đến đi, sẽ tiếp đón chu đáo”. Làm sao cậu dám đến, bèn lấy lí do “nhà ở Hà Nội, không ở Sài Gòn làm sao đến”. Nào ngờ, đối thủ bảo cậu cho địa chỉ, sẽ bay ra “thăm hỏi”. Đường cùng, cậu đành lảng sang chuyện khác, với một câu tuyên bố xanh rờn: “Mà thôi, tao sắp đi du học rồi, không rảnh mà ngồi đây làm mấy trò vớ vẩn”.
Lại một “hiệp sĩ” khác, lại trổ tài “nổ” của mình để… tán gái. Tình cờ gặp được một cô gái chính hiệu trên game, “hiệp sĩ” tìm mọi cách để chiếm lấy tình cảm của cô nàng, để cô nàng chịu làm “bx” của anh ta. Dĩ nhiên đó sẽ chẳng phải là chuyện gì đáng lên án. Điều đáng nói là dù mới học đến lớp 11, anh chàng đã dám “nổ” là mình vừa lấy bằng thạc sĩ bên… Úc về, và muốn tìm về quê hương để bắt đầu sự nghiệp, dù là quê hương… hơi nghèo.
Chưa dừng lại ở đó, anh chàng còn làm luôn một tràng cực bi tráng về thân thế gia đình. Nào là em gái du học ở Anh, đang chuẩn bị cưới chồng. Bố mẹ đang quản lý một công ty xuyên quốc gia, không có thời gian quan tâm đến con mà lại không muốn con hư hỏng nên hướng cho con…chơi game online cho đỡ tệ nạn.
Và thế là sau một thời gian trổ tài chém gió, anh chàng cũng được làm “ox” của cô nàng kia ở… trên game. Thế nhưng đó là mốc cuối cùng, vì cho dù cô nàng có ngỏ ý bao nhiêu lần, “hiệp sĩ” cũng không đồng ý gặp mặt ngoài đời, với lí do… bận lo cho công ty riêng, dẫu cho mỗi ngày cô nàng đều thấy “hiệp sĩ” đều đặn 10 giờ online trên game.
Hiện tượng “Keyboard Warrior”
Internet đã phát triển rất rộng khắp ở nước ta suốt nhiều năm qua, và game online cũng thế. Việc phổ cập sâu rộng của mạng, cũng như sự tiện dụng của nó đã dẫn đến việc ra đời rất nhiều cá nhân mà trình độ “chém gió” cứ như thật, rất hùng hồn và oai phong, những “hiệp sĩ bàn phím” mà danh tính được vẽ nên bằng sự tưởng tượng và gần như đối lập với con người thật.
Internet – gameonline đã tạo nên một tấm mặt nạ lớn cho tất cả những người tham gia vào đó. Đứng đằng sau tấm mặt nạ, người ta có thể nói đủ mọi điều mà gần như, theo suy nghĩ chủ quan của họ, chỉ là những chuyện vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng gì đến bản thân.
"Chém gió" để vui vẻ, thư giãn thì chẳng sao cả.
Tuy nhiên, “chém gió” với mục đích thư giãn, vui vẻ với nhau là một chuyện, còn nói những điều dối trá cứ như thật lại đem đến những hệ quả khác. Ai cũng có thể nói thoải mái trên game online, ai cũng có thể trở thành một “hiệp sĩ” oai lẫm. Nhưng sẽ có bao nhiêu người dám bước ra khỏi chiếc mặt nạ đó và đối diện với sự thật?
Thế nên mới có chuyện một anh chàng khi quen bạn gái trên game thì bốc phét đủ thứ chuyện về công việc, cuộc sống của mình, để rồi khi cô gái phát hiện ra sự thật, cái anh chàng nhận được chỉ là sự coi thường, khinh khi. Sự thật đằng sau chiếc mặt nạ trần trụi và trơ tráo hơn nhiều so với cái vẻ ngoài được vẽ nên bằng những lời lẽ trên cuộc sống ảo.
Một mặt khác, khi “nổ” trên thế giới ảo, game thủ vô tình tạo nên một áp lực cho chính bản thân mình. Mỗi việc làm, mỗi hành động đều phải cố gắng sao cho không để mọi người phát hiện ra sự thật. Một khi con người thật không thể bộc lộ ra, chính họ đã tự lấy mất đi tự do của mình. Và trong nhiều trường hợp, vị “hiệp sĩ ảo” chính là hình ảnh mơ ước của chính chủ nhân, thế nên đằng sau lời tán dương của mọi người trên game, họ sẽ phải cay đắng đối diện với sự thực của chính bản thân mình.
Đừng cố vẽ vời cho bản thân những hình ảnh không có thật.
Cuộc sống thực hay ảo đều có giá trị của nó. Cho dù người ta cố che giấu bản thân, hay tạo ra những hình ảnh đẹp đẽ, nói ra những lời tuyên bố hùng hồn, cho dù người khác không phát hiện ra thì đằng sau tấm mặt nạ ảo, chính các “hiệp sĩ bàn phím” sẽ là những người bị chính những lời nói dối của mình làm đau bản thân.