Chuyện về "kẻ nói phét" của làng game Việt

PV  | 17/12/2011 0:00 AM

PR vẫn thường bị coi là bộ phận chuyên "nói phét" để quảng bá game của mình.

Họ là những người mang game đến với công chúng, đến với các game thủ. Họ âm thầm lặng lẽ làm thứ công việc mà chúng đem lại đôi lúc là cả một trào lưu, cuốn một cộng đồng game thủ kéo qua các game của họ. Họ mang những thông tin sớm nhất đến cho game thủ, thông qua các trang tin và báo game, họ phát đi các thông điệp của NPH game, đem đến những sự kiện in-game cũng như offline.
 
Họ là PR game, những người vẫn thường bị coi là bộ phận chuyên "nói phét" để quảng bá game của mình.
 
PR Game, họ là ai?
 
Nếu bạn chưa biết thì PR có nghĩa là Public Relations – Giao tiếp cộng đồng. Đó là một công việc mang ý nghĩa cải thiện cái nhìn của một người, một nhóm người theo hướng tích cực, phát thông tin tới truyền thông và thu hút sự chú ý của báo giới. Mục đích cuối cùng là việc tạo ra sự chú ý của cộng đồng cũng như thiện ý của họ với công ty.


Họ là một phần của bộ máy vận hành game.
 
Nhân viên PR của các công ty game cũng vậy, họ đóng vai trò mang thông tin mới, những mặt mạnh, những điểm hay của game giới thiệu đến game thủ, tạo cho game thủ cái nhìn tốt về game, với mục tiêu cuối cùng là lôi kéo được càng nhiều game thủ chơi càng tốt. Họ lên các plan quảng bá hình ảnh, tên tuổi của game, tạo sân chơi cho game thủ, tạo các event trên diễn đàn, fanpage.

Khi một game mới chuẩn bị ra mắt, trước đó chúng ta sẽ thấy vài dấu hiệu đáng chú ý, chẳng hạn như một bộ truyện được vẽ tay lấy chủ đề về game đó, một vài bài báo giật tít khá kêu, một teaser bí ẩn xuất hiện… Đứng đằng sau đó là bàn tay của các PR game. Và ngày cả khi game đang chạy, một vài động thái đánh bóng tên tuổi cũng xuất hiện.


Cửu Đại Sự Kiện từng được PR khá thành công.
 
Nếu bạn đã từng biết đến vụ việc um xùm về “Cửu Âm Chân Kinh VN”, mà thực chất là một trang teaser treo đầu dê bán thịt chó nhằm quảng bá cho “Cửu Đại Sự Kiện” của game Thần Long Huyết Kiếm, thì đó chính là một trong những chiêu PR rất thành công của NPH game.
 
PR Game – Nghề của đam mê

Đặc thù của công việc PR chính là phải luôn sáng tạo, nghĩ ra những chiêu mới lạ, và đây cũng chính là liều thuốc kích thích cho những ai đã dấn thân vào nghề. Nó mang lại niềm đam mê cho những người theo nghề. Tuy nhiên, với bản chất yêu cầu sự sáng tạo, nghề PR cũng khá kén chọn.


Điều hành các sự kiện game là một phần công việc của họ.
 
Để làm một PR Game online thì sáng tạo thôi chưa đủ, nó còn cần đến niềm đam mê giành cho game, và đây không phải là điều mà ai cũng có. Bản thân tôi đã có thời gian tiếp xúc với khá nhiều nhân viên PR của các công ty game, và thật sự trong số đó không phải ai cũng đam mê game. Một số làm là bởi số phận đẩy đưa, một số là cảm thấy hứng thú với công việc này, và số còn lại thực sự yêu thích game.
 
Game là thế giới của sự tưởng tượng, và làm PR cho game quả thật khá hứng thú, đó là tâm sự của khá nhiều PR. Họ thích thú khi nghĩ ra những chiêu bài để quảng bá game, tạo được một làn sóng thích thú, gây được sự chú ý lớn trong cộng đồng, đấy là một thành công.

Dĩ nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng. Để cho tất cả trôi chảy, không chỉ cần tới ý tưởng mà còn là sự kiên trì, hết lòng lúc thực hiện, như lời một PR: “Thích nhất là lúc họp bàn lên kế hoạch, tạo plan, nghĩ ra đủ cách quảng cáo. Nhưng khi chạy plan rồi phát sinh ra đủ thứ, nhiều lúc thấy đuối vô cùng. Lâu ngày, không thật sự hứng thú khi nghĩ ý tưởng nữa”.


Mời đại sứ cũng là một phần trong kế hoạch PR.
 
Đó có thể là một trong những trở ngại, nhất là nếu như các chiêu PR của họ không phát huy tác dụng. Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản được niềm đam mê của họ, nhất là khi hiện nay, các sinh viên say mê game đã ra trường và đang háo hức tìm việc làm, chắc chắn họ sẽ để mắt đến vị trí PR game đầu tiên.
 
Và lắm những chông gai
 
Không phải lúc nào tất cả mọi thứ cũng đúng như ý muốn của mình. Sau một thời gian làm việc, khá nhiều nhân viên PR game online đã không còn ham thích vị trí làm việc của mình nữa. Những thất bại mà họ nhận được là một phần khiến họ nản chí.

Bởi vì không phải ai cũng đam mê game, nên dĩ nhiên công việc không dễ mà trôi chảy. Thiếu kiến thức về game nên khả năng tạo ra những “chiêu bài” thu hút game thủ là không cao. Thêm vào đó là sự trải nghiệm không nhiều nên khả năng sáng tạo cũng có hạn. Đơn cử chính là việc hàng loạt các chiêu bài PR cứ được sử dụng lặp lại cho các game mà không có sự đổi mới, như việc thường xuyên sử dụng các teaser kiểu khoa trương.


NPH dễ "ăn gạch" từ game thủ vì các chiêu PR của mình.

Thêm vào đó, khi các chiêu PR bị game thủ bắt bài, thậm chí quay lại “ném đá” chính NPH, đó sẽ là một cú tát đau cho họ. Cái kiểu “trộm long tráo phụng”, “treo đầu dê bán thịt chó” bằng cách dựa hơi một sản phẩm nổi tiếng để đưa tin gây sốc nhằm gây chú ý thời gian qua cũng làm cho các game thủ cảm thấy bực tức vì bị lừa, và sau sự chú ý tức thời của cộng đồng, hiệu ứng dây chuyền theo sau là game bị la ó, tẩy chay.
 
Và bản thân các PR làm trong ngành game với nhau, rất nhiều lúc họ phải cạnh tranh, đấu đá cùng nhau trên các diễn đàn hay trang tin. Dùng nick clone để chê bai sản phẩm của đối thủ là việc làm rất hay xảy ra. Nó gây ra bất hòa giữa các nhân viên PR, và lắm lúc, họ xem nhau là “kẻ thù không đội trời chung”.


Đôi khi diễn đàn game là nơi để các PR cạnh tranh với nhau.
 
Bất cứ công việc nào cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nó sẽ mang lại niềm vui nếu như người ta biết phấn đấu, chăm chỉ, và đôi khi là cả may mắn. PR game cũng thế. Dẫu cho họ có tạo nên những trào lưu chơi game trong giới game thủ, hay trở thành tâm điểm của mũi dùi dư luận, họ vẫn là một phần của bộ máy vận hành game, từng ngày từng giờ mang game online đến với các game thủ. Đó chính là nguyên do để chúng ta nhớ đến họ.
Xem thêm:

game online