Chuyện về những đồng tiền ảo mà mồ hôi nước mắt là thật

Vĩnh Hậu  | 28/06/2011 0:00 AM

Là vật trung gian trao đổi hàng hóa cho người chơi,thế nhưng sức mạnh ẩn giấu của những đồng tiền ảo có thể phơi bày được rất nhiều thứ.

Game online, một cuộc sống ảo giống như một xã hội thu nhỏ mà trong đó tồn tại những điều không xa lạ gì với cuộc sống thực. Tiền trong game cũng là một thứ rất thực giữa những điều ảo diệu của game. Đồng tiền sinh ra trong game và cũng mất đi dễ dàng trong game.
 
Với ý nghĩa đơn giản là để giải quyết những giao dịch trong game, thế nhưng đi cùng nó, có những cuộc chiến chật vật, những tranh giành dẫm đạp nhau không khác gì cuộc sống thật.
 
Khi tiền ảo biến thành thật
 
Game online ở nước nhà chưa bao giờ được công nhận về giá trị thực tế của những đồ đạc, tiền bạc trong game. Chúng chỉ do các game thủ tự định giá với nhau. Tuy nhiên việc định giá của người chơi lại có vai trò quan trọng, và cũng chỉ cần có thế mà thôi.
 

Tiền ảo vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam.
 
Tiền game, khi game vừa ra đời một thời gian là thời điểm có giá trị nhất. Lúc đó chúng còn rất khan hiếm. Tiền có được từ làm nhiệm vụ, rớt ra từ quái vật chỉ đủ để mua máu, mana, học skill… Và nếu như có một món đồ xịn nào đó rớt ra thì cũng không nhiều người mua được vì nó quá giá trị.
 
Vì thế, có những cá nhân bỏ tiền thật ra để thu mua những đồng tiền trong game, bỏ tiền thật ra để được thành VIP trong game. Tiền game có giá trị như vậy, và càng ngày chúng càng được thừa nhận một chỗ đứng lớn trong cuộc đời của một game online.
 
Chính vì sự hiếm hoi của những đồng tiền ảo, vì ước muốn thâu tóm của một số người mà sự ảnh hưởng của tiền ảo đến game càng ngày càng lớn. Vượt qua khỏi khuôn khổ của những chặng đường bình thường, tiền bùng nổ và tạo nên những điều nửa vui nửa buồn. Vui với một vài người, có thể là nỗi buồn cho rất rất nhiều người chơi khác.
 

Ai bảo cày tiền game là nhàn hạ?
 
Những người nhanh nhạy với thời cuộc nhanh chóng đi đến con đường cày tiền. Nếu như một người chơi bình thường kiếm được một lượng tiền tạm đủ cho quá trình chơi của mình thì một người cày tiền có thể kiếm được gấp hàng trăm lần như thế. Những tiệm internet cũng không còn giành cho chơi game như vốn dĩ vậy nữa, mà nó được vài người thầu lại để cắm acc cày tiền.
 
Các đại gia bỏ tiền ra không tiếc, và những người cày tiền nhận được một nguồn lợi nhuận có khi còn hơn cả lương tháng của một viên chức tầm tầm. Máy tính trở thành cỗ máy đẻ tiền, và cũng là cỗ máy chơi game, kiêm giết chết game.
 
NSX và cuộc chiến chống lạm phát
 
Những cỗ máy cày tiền đẻ tiền liên tục, tuồn vào thị trường game. Tiền sinh ra, nhưng không hề mất đi. Vì vậy thị trường càng lúc càng bão hòa lượng tiền, và đến một lúc nào đó tiền quá dư thừa, gây nên tình trạng lạm phát.
 

Với nhiều MMO, cày tiền đã trở thành một "nghề kiếm sống".
 
Lạm phát khiến giá tiền nhanh chóng sụt giảm. Nếu như ngày đầu tiên, một số tiền mặt có thể mua được một lượng nhỏ tiền game, thì đến thời điểm lạm phát, cũng với chừng đó tiền mặt có thể mua được đến gấp nhiều lần. Giá của đồ đạc trong game cũng vì thế mà tăng vùn vụt.
 
Lạm phát khiến cho thị trường game biến động. Cày tiền không còn đem lại lợi nhuận nhiều nữa. Những game thủ chân chính nếu không bỏ tiền túi ra để sắm sửa sẽ chẳng thể làm được gì. Số tiền game họ kiếm được chẳng bao nhiêu, trong khi để mua một món đồ lại cần quá nhiều tiền. Game càng lúc càng trở nên khó kiểm soát, và người chơi chán nản.
 
Điều đang diễn ra với phần lớn game chính là không sớm thì muộn, thị trường game cũng sẽ lạm phát vì đặc thù liên tục sinh ra mà không mất đi của tiền game. Không NSX nào không biết điều này, nhưng họ cũng khó mà sửa được vòng xoay vốn luôn là thế.
 

Cashshop - Công cụ ngốn tiền ảo của NPH.
 
Những game như World Of Warcraft luôn tìm mọi cách để hạn chế việc cày tiền trong game, thậm chí là cấm tiệt. Họ đã làm mọi cách để chặn các tool có thể dung vào việc cày tiền. Hạn chế các nhiệm vụ, hoạt động game có thể đem đến cho người chơi lượng tiền quá lớn. Những điều đó giúp cho WOW trở thành một trong những game sống lâu nhất, thành công nhất và có thị trường vững nhất trên thế giới.
 
Còn nhiều game online khác, thường sau một khoảng thời gian nhất định, NSX thường cho ra các event để thu lại một lượng tiền game. Có thể đó là một vài items thú vị trong shop NPC mà người chơi phải dùng tiền game để mua, hoặc là một cuộc thi nào đó mà muốn tham gia người chơi phải đóng một lượng phí nhất định. Bằng cách này, số tiền trong game sẽ giảm xuống, giữ cho thị trường ổn định hơn.
 
Tiền ảo nhưng giá trị thật
 
Là vật trung gian trao đổi hàng hóa cho người chơi, đó là ý nghĩa ban đầu của tiền. Cũng như những món items game, tiền cũng chỉ là một đoạn mã, sẽ giảm dần giá trị theo thời gian và mất đi khi game đóng cửa. Thế nhưng sức mạnh ẩn giấu của những đồng tiền ảo có thể phơi bày được rất nhiều thứ.
 

Tiền ảo nhiều khi vẫn giúp người ta nhận ra những giá trị thực.
 
Một người bạn của tôi, sau khi bị hack lấy sạch đồ và tiền, chỉ vì tin tưởng bạn bè. Mà lúc đó tôi nghĩ rằng những thứ ấy cũng có gì phải giữ gìn lắm. Anh cho bạn trong game mượn tài khoản chơi, và người bạn ấy sau khi vào thấy trong account có nhiều tiền, đã lẳng lặng lấy sạch và sau đó còn đổ thừa là do ai đó hack. Nhưng đổ thừa cũng chỉ là cái cớ để lấp liếm cho lòng tham.
 
Công sức tích cóp cả năm, anh bạn tôi đã đau đớn chửi rủa suốt một thời gian dài. Lúc đó tôi chưa hiểu, tại sao một người lại phải mất công trộm, còn một người lại phải đau đớn vì những món đồ không có thật như thế. Còn người bạn của tôi thì vẫn hì hục làm lại từ đầu. Anh tạo tài khoản mới, rồi mượn tiền của những người bạn khi trước. Nhưng người thì bảo hết tiền, người thì bảo: “Cho ông mượn rồi ông lấy gì trả lại?
 
Anh buột miệng nói: “Nhờ bị hack mất tiền ảo mà mình biết được bộ mặt của vài đứa bạn thật”.