- Theo Trí Thức Trẻ | 03/05/2021 05:49 PM
Bất chấp phong trào tẩy chay từ netizen, vào dịp nghỉ lễ vừa qua, bộ phim "Trạng Tí" đã chính thức công chiếu tại các rạp. Ngay lập tức phim lại làm dấy lên nhiều tranh cãi xoay quanh nội dung. Bên cạnh những lời khen ngợi có cánh từ không ít người nổi tiếng, Trạng Tí cũng nhận về khá nhiều gạch đá chê bai từ netizen vì tình tiết ngây ngô, khó hiểu.
1. Thay đổi hoàn toàn hình tượng nhân vật chính
Đối với các fan lâu năm của bộ truyện Thần đồng đất Việt, hình tượng cậu bé Lê Tí thông minh, láu lỉnh và luôn yêu đời đã trở thành dấu ấn không thể xóa nhòa mỗi khi nhắc đến tác phẩm. Tuy nhiên, khi lên phim, hình tượng đầy tích cực của Tí đã bị thay đổi hoàn toàn. Người xem không còn nhận ra cậu bé yêu đời trong truyện nữa, thay vào đó là một Tí đầy tâm sự, buồn bã, nặng tâm lý và lúc nào cũng canh cánh về cha mình.
Nhiều khán giả nhận xét họ không quen với hình tượng này và hình tượng này cũng không thích hợp với một bộ phim lấy cảm hứng từ Thần đồng đất Việt. Bởi nguyên tác vốn đã thể hiện quan điểm rất nhân văn đối với mẹ Tí – một bà mẹ đơn thân.
2. Sau "sáng kiến" phá giếng làng để gọi bưởi, lại đến kỳ án trộm gà…
Phân cảnh gọi bưởi trên miệng giếng vẫn được giữ nguyên, nhưng may mắn là lần này khán giả không còn phản ứng qua gay gắt với logic của nó nữa. Lý do là bởi họ còn quá bối rối với diễn biến của kỳ án trộm gà.
Nhân vật bà Tám Tiền bị trộm gà, thế nên bà ta chửi rủa làng xóm và quan huyện buộc phải ra mặt xử án với sự cố vấn của Tí. Ông ta dựng lên mưu kế cho dân làng tát bà Tám để phạt tội chửi người. Tất nhiên, mưu kế này quá xưa rồi, trên lý thuyết người ta chỉ cần bắt kẻ nào đánh bà Tám mạnh tay nhất mà thôi. Nhưng không rõ vì sao, dù nghi phạm chỉ xoay quanh có 3 nhân vật là bá hộ Mão, thầy đồ Kiết và một nhân vật quần chúng, Tí vẫn không thể tìm được thủ phạm mà phải để Dần béo chịu tội oan.
Sự lỏng lẻo trong mạch phim khiến nhiều khán giả đùa rằng, nếu ví Tí với Sherlock Holmes và quan huyện với thanh tra Lestrade thì "Sherlock Holmes" này vẫn chưa đủ khả năng làm thám tử.
3. Dân làng Phan Thị đột nhiên xấu tính
Trong truyện, việc Tí không có cha được dân làng Phan Thị đón nhận theo cách khá tích cực. Họ bàn tán khi Tí mới ra đời, nhưng sau đó cũng chấp nhận mẹ con Tí và không đả động gì thêm. Lũ trẻ trong làng cũng tin "Tí là con thần tiên" nên không dè bỉu cậu bé. Thế nhưng khi lên phim, việc Tí không có cha bỗng nhiên bị đem ra trêu chọc, nhạo báng đến mức cậu bé sống chết đòi lên chùa Phật Quang để hỏi bằng được vị sư thầy có học vấn uyên bác xem cha mình là ai.
Khán giả cho rằng chi tiết này quá tiêu cực, không phù hợp với trẻ nhỏ. Ngoài ra, vấn đề giọng nói của dân làng cũng khiến người xem hoang mang. Bối cảnh làng Phan Thị vốn thuộc đồng bằng Bắc bộ, nhưng dân làng lại có phương ngữ khá đa dạng khi đủ cả giọng Nam lẫn giọng Bắc - một chi tiết không thật sự hợp lý.
4. Đọc thần chú để lấy kho báu: Nếu không thông minh thì trẻ con sẽ phải tan biến
Đây lại là một chi tiết quá tiêu cực đối với thiếu nhi – đối tượng khán giả chính mà phim hướng đến. Cụ thể, trên đường đến chùa, Tí và đám bạn bị bọn cướp bắt rồi ép phải vào hang thần để lấy kho báu. Cái hang này yêu cầu một đứa trẻ dũng cảm và tài giỏi trả lời câu hỏi, nếu trả lời sai thì đứa trẻ đó sẽ hóa tro bụi. Không ít phụ huynh phải lắc đầu vì chi tiết này chẳng khác nào nói với trẻ em rằng "nếu không phải là một đứa thông minh thì bạn sẽ bị bay màu".
5. Đá vô cực xuất hiện
Ngay từ teaser, nhiều khán giả đã dự đoán sẽ có những viên đá vô cực xuất hiện trong phim. Quả thực, dự đoán này đã được xác nhận trong phim, khi khán giả thấy có đến 3 viên đá màu sắc: viên màu xanh xuất hiện khi Tí chào đời, viên màu vàng trong tay chú tiểu Tị và viên màu đỏ trong tay hai vị thần thiện-ác. Những khán giả hâm mộ MCU đặt ra câu hỏi liệu có phải đây là tình tiết học hỏi từ Infinity War và Endgame hay không?