Nghề 'chơi game hái ra tiền': Không chỉ màu hồng, thực tế có hàng loạt người bị 'hủy hoại cuộc sống' vì thi đấu đỉnh cao

Tâm Sự Game Thủ  - Theo Helino | 02/12/2019 03:45 PM

Nghề nào cũng thế: Phải đam mê và đầu tư sáng tạo thì mới thành công... Để kiếm được số tiền lên tới hàng tỷ, các game thủ hay streamer đã phải đánh đổi rất nhiều.

Trong làng eSports thế giới, cụ thể ở bộ môn Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2... không ít tuyển thủ đạt mức lương vài triệu USD/năm. Chưa kể các giải thưởng lớn nhỏ, vô địch thế giới... cũng góp thêm vào thu nhập của họ hàng tỷ đồng.

Nhìn vào đó, đa phần sẽ cảm thấy ngưỡng mộ bởi vừa chơi game lại có thu nhập siêu to khổng lồ. Song bức tranh về chơi game hái ra tiền có phải toàn màu hồng hay không? Một nghiên cứu tại trường đại học Chichester (Vương quốc Anh) đã cho thấy ngoài việc phải luyện tập với cường độ cao thì một game thủ chuyên nghiệp phải chịu đựng vô vàn những vấn đề tâm lý.

Nghề chơi game hái ra tiền: Không chỉ màu hồng, thực tế có hàng loạt người bị hủy hoại cuộc sống vì thi đấu đỉnh cao - Ảnh 1.

Đội tuyển CS:GO Fnatic tại giải vô địch ESL. Ảnh: ESL Pro.

Các vận động viên ở môi trường thi đấu đỉnh cao thường xuyên phải đương đầu không chỉ với những cuộc cạnh tranh khốc liệt mà còn chịu áp lực tâm lý luôn đè nặng.

Họ bị áp lực khổng lồ khi thi đấu trước rất nhiều khán giả, sợ thua cũng như không thể giao tiếp nhuần nhuyễn được với đồng đội như trong đấu tập. Đó là thực trạng chung của các vận động viên thể thao. 

Dù các game thủ chuyên nghiệp đã tôi rèn trong môi trường eSports lâu năm cũng không phải ngoại lệ. Khi chơi tại các giải đấu lớn, họ cũng phải đối mặt với những điều tương tự.

Game thủ chuyên nghiệp và áp lực vô hình

Khi chiến thắng, một đội game chuyên nghiệp có thể mang về hàng trăm nghìn, thậm chí vài triệu USD. Những hợp đồng quảng cáo từ nhãn hàng, lương bổng tăng... cùng vô vàn quyền lợi.

Nhưng khi thất bại, họ sẽ chẳng có gì. Thậm chí nhiều người đã phải giải nghệ, bỏ lại sau lưng ánh hào quang vì không chịu nổi áp lực. Tuổi đời game thủ rất ngắn, nếu không chơi game có lẽ họ cũng chẳng biết phải làm gì.

Mới đây, trường hợp của một tuyển thủ SP huyền thoại - cựu SKT Wolf giải nghệ vì vấn đề tâm lý như một hồi chuông cảnh tỉnh. Môi trường chuyên nghiệp đè nặng game thủ theo một cách khó lòng tưởng tượng nổi.

"Nếu như phải giải nghệ vì hết thời, có lẽ em còn cảm thấy ổn hơn rất nhiều, nhưng thực tế là bây giờ em cần ưu tiên cho sức khỏe của mình hơn là việc thi đấu.

Khi phát hiện rằng triệu chứng bệnh lý của mình trở nặng là do luyện tập, em gần như chết lặng", trải lòng của Wolf về quyết định khó khăn nhất đời game thủ.

Nghề chơi game hái ra tiền: Không chỉ màu hồng, thực tế có hàng loạt người bị hủy hoại cuộc sống vì thi đấu đỉnh cao - Ảnh 2.

Khi không chơi game, Wolf cảm thấy cuộc sống khá hơn

Hay tuyển thủ Uzi trong LMHT, anh này bị chấn thương nghiêm trọng ở cổ tay đến nỗi không thể phục hồi do quá trình luyện tập vô cùng căng thẳng.

Tại sao các đội eSports cần sự trợ giúp của các nhà tâm lý học?

Vào năm 2016, đội tuyển CS:GO rất nổi tiếng lúc đó là Astralis đã thuê riêng một nhà tâm lý học nhằm hỗ trợ các thành viên trong team giảm bớt áp lực khi phải thi đấu trong môi trường căng thẳng.

Astralis sau đó đã có thành tích ấn tượng khi vô địch giải ELEAGUE vào tháng 1/2017. Họ đã gửi lời cảm ơn tới nhà tâm lý học vì giúp đỡ cả đội vượt qua những áp lực tinh thần trong suốt mùa giải để có được Astralis ngày hôm nay.

Nghề chơi game hái ra tiền: Không chỉ màu hồng, thực tế có hàng loạt người bị hủy hoại cuộc sống vì thi đấu đỉnh cao - Ảnh 3.

Sao Đỏ" là đội tuyển vô cùng mạnh mẽ tại đấu trường CS:GO chuyên nghiệp. Ảnh: FACEIT.

"Chúng tôi nghĩ việc nghiên cứu là một cơ hội tốt để có thể thấy được những tuyển thủ eSport đương đầu với dư luận thế nào cũng như tinh thần đoàn kết của họ đến đâu. Nhiều đội tuyển chuyên nghiệp giống như gia đình, họ thường xuyên ở chung phòng với nhau và thi đấu CS: GO cùng nhau. Đôi khi các gia đình rất hoà thuận với nhau, nhưng có lúc lại không", chuyên gia tâm lý Birch nhận định. Sự căng thẳng giữa các thành viên có thể là nguyên nhân khiến cho màn trình diễn của cả đội không được như mong muốn.

Ông Birch chỉ ra những tuyển thủ eSports thường phải đối mặt với 51 nhân tố gây stress khác nhau, nhưng đa số là do vấn đề giao tiếp giữa các thành viên, lo lắng về việc thi đấu trước khán giả và hội chứng sợ đứng trên sân khấu. Đó là những yếu tố chung mà bất kỳ vận động viên thể thao chuyên nghiệp nào thi đấu ở môi trường đỉnh cao cũng phải trải qua.

Việc tin tưởng và chiêu mộ những nhà tâm lý học cho đội tuyển eSport đang dần trở nên phổ biến. Điều đó chứng tỏ những nghiên cứu tâm lý trong bộ môn thể thao mới này là hoàn toàn cần thiết.

Một vấn đề muôn thủa trong thể thao điện tử: Toxic

Nghề chơi game hái ra tiền: Không chỉ màu hồng, thực tế có hàng loạt người bị hủy hoại cuộc sống vì thi đấu đỉnh cao - Ảnh 4.

Chơi game cực khó nếu đồng đội luôn Toxic, chỉ trích bạn (Tyler1 nổi tiếng vì toxic trong LMHT)

Vấn đề giao tiếp trong thi đấu bao gồm các thành viên không nghe được nhau, không làm theo chiến thuật hoặc phải chịu những lời lẽ tiêu cực (đa phần là xúc phạm) từ người đội trưởng khi thi đấu.

Những nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt vấn đề của các tuyển thủ như rối loạn tâm lý, dễ nổi cáu, quá đề cao cái tôi của bản thân, hướng ngoại… Mặt khác, các game thủ phải gặp vô vàn những vấn đề ảnh hưởng tới tâm lý bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan. 

Những vấn đề chủ quan như thiếu tự tin, khó kiềm chế cảm xúc, tâm lý an toàn quá mức cần thiết, sợ khiến cho cả đội phải thất vọng, lo lắng và sợ sai khi phải ra quyết định rất nhanh trong trận đấu... Chưa kể có những người chỉ muốn cải thiện thành tích cá nhân nhiều hơn là cống hiến cho tập thể.

Còn nguyên nhân khách quan cũng đến từ chính những người đồng đội của họ. Căng thẳng dần leo thang khi thành viên trong team không tập luyện một cách nghiêm túc, sức ép từ  truyền thông, áp lực lớn trước đám đông khán giả... Vậy nên, những tuyển thủ này có xu hướng sẽ từ chối việc phỏng vấn và tránh xa mạng xã hội.

"Nó giống như là, bạn không hề biết rằng camera có hướng về mình hay không. Nhưng trong tâm trí thì bạn luôn nghĩ mình đang bị theo dõi bởi rất nhiều người. Điều đó khiến cho bạn càng cảm thấy tồi tệ hơn", một tuyển thủ tham gia khảo sát bày tỏ.

Nghề chơi game hái ra tiền: Không chỉ màu hồng, thực tế có hàng loạt người bị hủy hoại cuộc sống vì thi đấu đỉnh cao - Ảnh 5.

Sợ phỏng vấn là một trong những vấn đề thường thấy. Ảnh: Intel Extreme Master 2019.

"Chúng tôi đã nhận ra từ lâu rằng áp lực lên những game thủ chuyên nghiệp có thể ảnh hưởng xấu tới việc thi đấu của các tuyển thủ", Rob Black, giám đốc vận hành của ESL nói.

"Nhóm nghiên cứu có thể đưa ra những dự đoán về tính cách của tuyển thủ bằng việc quan sát họ phản ứng như thế nào trước các tình huống nhất định. Chúng tôi cũng rất muốn giúp các vận động viên eSport thực hiện một số bài tập để cải thiện màn trình diễn của họ qua việc hít thở và nghỉ ngơi đúng cách", ông Birch nói.

Thể Thao Điện Tử ngày càng phát triển đồng nghĩa với những vấn đề phát sinh. Việc nghiên cứu tâm lý để có các giải pháp cân bằng cho tuyển thủ là điều cần thiết, nếu muốn phát triển eSports một cách lâu dài và bền vững.