- Theo Trí Thức Trẻ | 27/06/2020 01:25 PM
TFTactics là một ứng dụng do Overwolf phát triển với mục đích là "nhắc bài" cho game thủ khi chơi Đấu Trường Chân Lý. Ứng dụng này sẽ đưa ra tất cả thông tin mà bạn cần, từ đội hình đề xuất, cách lên trang bị hay thậm chí là thông số chi tiết của từng trang bị và tỉ lệ xuất hiện của tướng theo cấp bậc.
Sự phổ cập rộng rãi của TFTactics là con dao 2 lưỡi?
Ban đầu, ứng dụng này tỏ ra rất hiệu quả trong việc giúp game thủ ghi nhớ các Tộc/Hệ, cách ghép đồ cũng như cách kết hợp đội hình vốn được cho là quá nhiều và rắc rối. Tuy nhiên từ giữa mùa 2, sự "phổ cập diện rộng" của TFTactics và tính năng phân hạng của nó khiến hầu hết game thủ đều trở nên phụ thuộc và "spam" một loại đội hình từ trận này sang trận khác.
Từ mùa 2, hầu như bất cứ game thủ nào cũng đã cài TFTactics
Giả sử như ở mùa 1 - khi TFTactics chưa được ra đời, Đấu Trường Chân Lý là một trò chơi giải trí đúng nghĩa và game thủ đóng vai trò quyết định trong việc nhặt đồ, ghép đồ tùy theo tình huống. Shyvana Huyết Kiếm, Graves Giải Giới kèm Rìu Đại Mãng Xà, Katarina Ác Quỷ hay Volibear cầm 2 Đại Bác Liên Thanh "bốc" cả thế giới là những sáng tạo tuyệt vời ở thời điểm đó.
Đấu Trường Chân Lý mùa 1 có những cách ghép trang bị rất điên rồ
Thế nhưng hiện tại, khi người người nhà nhà đều đã cài TFTactics thì Đấu Trường Chân Lý trở thành bài toán ai nhặt được đồ giống với Sách Giáo Khoa hơn mà thôi. Kịch bản sẽ là bật TFTactics lên xem đội hình nào đang ở top, vào game cố gắng lấy đồ giống y hệt và "cố thủ" đến cuối trận. Chuyện cả bản đồ spam một loại đội hình đã xảy ra với bộ Pháo Thủ, Nổi Loạn hay Hộ Vệ khi chúng được TFTactics xếp hạng S.
TFTactics được game thủ Việt gọi vui là Sách Giáo Khoa
Lối lên đồ mất dần đi chất "sáng tạo điên rồ" vốn có?
Việc quá phụ thuộc vào TFTactics khiến nhiều game thủ thua thông về top 8 khi mọi chuyện không đi theo đúng như Sách Giáo Khoa chỉ dạy, trong khi đó khả năng xoay chuyển đội hình hầu như là không có. "Nhặt đồ không chuẩn như TFTactics nên thua" là suy nghĩ của không ít người chơi, và đó là lý do vì sao mà chỉ mới ra mắt một thời gian ngắn nhưng Đấu Trường Chân Lý mùa 3 đã phải trải qua rất nhiều đợt thay máu, thay cả tướng.
Nhiều LOL streamer đã chứng minh rằng thoát ra khỏi TFTactics vẫn còn rất nhiều cách kết hợp đội hình cực kỳ hiệu quả. Không quan tâm đến đội hình nào đang đạt hạng S trên bảng tổng kết của TFTactics, tùy cơ ứng biến, dựa vào sức mạnh của mỗi tướng và kết hợp với những Tộc/Hệ mới để phát huy nó chính là chìa khóa của chiến thắng. Rõ ràng là game thủ Việt đã làm rất tốt việc sáng tạo đội hình và cách lên trang bị như thế trong quá khứ, nhưng là khi chưa có ứng dụng quá đỗi tiện lợi này.
Hệ lụy của nó là rất nhiều vị tướng mạnh nhưng vì không xuất hiện trong TFTactics nên cũng đành bị vứt xó, chỉ là quân thế thân để chờ các chess khác mà thôi. Ví dụ như Kassadin đầu mùa 3 - một vị tướng có khả năng khống chế diện rộng, lượng sát thương lớn và khắc chế thẳng các đội hình đánh tay mạnh nhất hiện tại nhưng "bởi vì TFTactics không dạy thế" nên vị Lữ Khách Hư Không này vẫn chỉ "mấp mé" ở rìa meta mà thôi và sau đó là bị... xóa bỏ luôn.
"Tướng 3 tiền, chưa kịp hot thì đã bị xóa sổ"
Một lý do khác cũng quan trọng không kém chính là bài toán cân bằng mà Riot đang giải quá tệ. Tự tin" có hơn 200 năm cân bằng tướng" nhưng từ mùa 2 cho đến nay, liên tục là những đội hình imba quá mức, những vị tướng sát thương lỗi quá mức, kết quả là Riot phải nerf hết lần này đến lần khác, chỉnh sửa hết trang bị này đến trang bị khác mà vẫn chưa đâu vào đâu. Còn nhớ, phải đến khi Thìa Vàng không còn xuất hiện ở vòng đi chợ nữa thì đế chế Kiếm Khách mùa 2 mới thực sự chấm dứt, nói cách khác Riot cân bằng một loại đội hình bằng cách… xóa luôn đội hình đó ra khỏi meta.
Và con bài Urgot "ung thư" thì đã được xác nhận sẽ lên thớt tại bản 12.14 vì quá bá - điều mà đáng lẽ Riot đã phải sớm nhận ra ngay từ khi thiết kế khả năng "giết bất chấp" cho vị tướng này.
Sau rất nhiều lần nerf không thành công, đế chế 6 Kiếm Khách mùa 2 chỉ chấm dứt khi không còn Thìa Vàng ở vòng đi chợ nữa
Mục đích tạo ra TFTactics là đúng, nhưng nó làm quá tốt việc "nhắc bài" đến mức game thủ Việt không muốn tự nghĩ đội hình mới, hướng đi mới nữa, hoặc giả như là họ cảm thấy mình không thể nào hơn "sách" được.
Vẫn biết sẽ còn rất lâu nữa Đấu Trường Chân Lý mùa 3 mới kết thúc nhưng câu hỏi đặt ra là liệu trong suốt thời gian còn lại ấy, bộ môn cờ nhân phẩm này có kịp khiến game thủ cảm thấy háo hức và thú vị trở lại hay không.