- Theo Trí Thức Trẻ | 05/01/2017 04:50 PM
Giờ đây, phim ăn theo game, hay những tác phẩm ngược lại, những tựa game ăn theo phim bom tấn đã chẳng còn là điều gì quá xa lạ đối với những game thủ chúng ta nữa. Sở dĩ nói những tác phẩm như vậy nổi tiếng trong cộng đồng đơn giản vì đôi lúc chúng trở thành bom xịt một cách thê thảm. Bản thân như ông Kirk Kjeldsen – giáo sư tại cục điện ảnh của đại học Virginia Commonwealth ở Richmon, Vancouver đã cố gắng giải thích vì sao các bộ phim phỏng theo cốt truyện của các trò chơi điện tử hầu như luôn luôn thất bại một cách... khủng khiếp. “Game và phim là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau”.
Vậy bộ phim ăn theo game đầu tiên là gì? Bất ngờ thay, một bộ phim phát hành năm 1993, lấy tên Super Mario Bros chính là bộ phim đầu tiên được lịch sử ghi nhận là bộ phim điện ảnh đầu tiên lấy chủ đề, nhân vật cũng như bối cảnh ăn theo game. Thế nhưng điều bất ngờ hơn, bộ phim ăn theo đầu tiên này cũng là một bom xịt theo đúng nghĩa đen, với doanh thu ê chề và những lời chê bai thậm tệ của giới chuyên môn. Bản thân những người đạo diễn bộ phim này cũng thừa nhận đây là thất bại thảm hại nhất trong sự nghiệp của họ.
Roger Ebert, nhà phê bình phim ảnh nổi tiếng đã coi Super Mario Bros là bộ phim tệ nhất năm 1993. Nó tốn 48 triệu USD để sản xuất, nhưng chỉ thu về vỏn vẹn chưa đầy 21 triệu USD. Cốt truyện dở tệ, quá xa rời bối cảnh game, cùng với đó là những lần chỉnh sửa kịch bản nhiều đến mức diễn viên mỗi ngày đến trường quay lại học lại lời thoại mới toanh, có thể khẳng định một điều rằng, câu chuyện phía sau bộ phim Super Mario Bros mới thực sự "drama" và thậm chí còn hấp dẫn hơn nhiều nội dung của bộ phim này nữa!
Và đây là câu chuyện của "phim ăn theo" đầu tiên trong lịch sử làng game.
Ước mơ màn bạc của Nintendo
Không cần bàn cãi nhiều. Super Mario Bros, ra mắt năm 1985 trên NES là một thành công rực rỡ cả về mặt tài chính lẫn phê bình. Ai cũng biết đến Mario, ngay cả những đứa trẻ sinh năm 2000 giờ đây khi nhìn thấy hình ảnh anh chàng thợ sửa ống nước với bộ quần áo yếm đỏ chót, họ sẽ nhận ra ngay và reo lên: "Mario!" Sau ba phiên bản cực kỳ thành công trên NES và một bản sắp ra mắt rất được cộng đồng game thủ đón nhận và ngóng chờ trên SNES, Mario đã trở thành nhân vật dễ nhận ra nhất trong suốt lịch sử làng game.
Thành công rực rỡ như vậy ở những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX khiến cho Nintendo vô cùng hy vọng vào việc Mario sẽ có được ma lực thu hút khán giả đến phòng vé. Trước đó, những game thủ 8x nước ngoài có cả... hộp đồ ăn trưa có hình Mario, chăn Mario, bật TV là có hoạt hình Mario, đến cả hộp ngũ cốc ăn sáng cũng có hình anh thợ sửa ống nước. Mario đã len lỏi vào từng ngõ ngách của nền văn hóa hiện đại.
Trước đó tại Nhật Bản cũng có một feature film vào năm 1986, lấy bối cảnh Mario đi cứu cô công chúa Peach, nhưng đó là phim hoạt hình và không được phát hành ngoài thị trường Nhật. Vì thế, việc tạo ra một bộ phim Hollywood là điều dễ hiểu để tiếp tục khai thác cái tên vốn đã quá thành công này. Những nhà sản xuất phim lớn tại Mỹ cũng ngửi thấy miếng mồi ngon. Họ sẵn sàng trả Nintendo từ 5 đến 10 triệu USD để lấy lại bản quyền làm phim với sự hiện diện của Mario. Thế nhưng Nintendo thì không cần tiền.
Năm 1989, Nintendo tạo ra một bộ phim nhưng không thành công. Nó có tên The Wizard. Bộ phim do Universal Pictures sản xuất và bị giới phê bình nhận xét là... "một đoạn quảng cáo của Nintendo, dài 96 phút đồng hồ". Đến lần này, Nintendo thực sự không muốn lặp lại sai lầm trong quá khứ, và cần một đội ngũ làm phim thực sự hiểu ý họ.
Đến mùa thu năm 1990, Nintendo tạo ra một cú shock cho cả Hollywood khi bán quyền làm phim về Mario với giá... 2 triệu USD! Hãng được chuyển bản quyền? Thậm chí đó còn là một cái tên bất ngờ hơn nữa: Light Motive, một studio phim xa lạ với cả thị trường phim ảnh nước Mỹ. Hai nhà sản xuất Jake Eberts và Roland Joffe chịu trách nhiệm với bộ phim Super Mario Bros. Điều bất ngờ hơn cả là, Jake cùng Roland không có mấy kinh nghiệm làm những bộ phim gia đình vui nhộn dễ thưởng thức. Tác phẩm nổi tiếng nhất của họ chính là The Killing Fields, giành ba giải Oscar năm 1985.
Bộ đôi nhà sản xuất phim này không coi Mario là cơ hội thử thách khả năng sáng tạo của bản thân cũng như cách mà họ đưa thế giới tươi đẹp vui nhộn của Mario ra ngoài đời thực. Mà thay vào đó, họ chỉ quan tâm đến một thứ duy nhất: Tiền!
Khi đến gặp cố chủ tịch Nintendo Hiroshi Yamauchi, Joffe tưởng tượng ra một câu chuyện trước những gì phiên bản game đầu tiên ra mắt, với những khía cạnh hợp với khán giả lớn tuổi lẫn những đứa trẻ vốn rất yêu game. Thậm chí Joffe còn cho Nintendo một thứ mà chẳng studio lớn nào làm được: Quản lý sáng tạo và toàn bộ bản quyền bán đồ vật ăn theo phim và game. Nintendo coi đây chẳng khác gì một thử nghiệm lớn, và tin tưởng rằng, Mario quá ấn tượng để có thể thất bại.
Chọn diễn viên
Đến đây, phần tìm ra diễn viên thủ vai Mario và Luigi cũng là cả một kỳ công của hãng phim. Đầu tiên, Dustin Hoffman, tài tử vốn đã quá nổi tiếng lên tiếng chia sẻ rằng ông quan tâm tới vai diễn Mario. Hoffman vừa giành giải Oscar thứ hai với vai diễn Raymond Babbitt trong bộ phim Rain Man. Joffe gần như sướng phát điên khi nhận được tin từ Hoffman. Thế nhưng, chủ tịch Nintendo Mỹ, Minoru Arakawa lại cho rằng Dustin Hoffman không hợp với một bộ phim nặng tính giải trí như thế này, và họ từ chối lời đề nghị của tài tử nổi tiếng.
Tiếp đến là Danny DeVito, người đang có được thành công sau những vai diễn trong Twins và War of the Roses. Bản thân ngoại hình của DeVito cũng tương đối giống với anh chàng Mario. Thế nhưng ngay sau khi đọc kịch bản, DeVito từ chối vai diễn.
Ngay sau đó, một huyền thoại khác đưuọc Light Motive tìm đến trong nỗ lực của hãng. Đó là Tom Hanks. Giờ đây ai cũng coi Tom Hanks là một huyền thoại. Nhưng thời kỳ đó hầu hết mọi người chỉ nghĩ tới hình ảnh một anh chàng diễn viên trẻ với những vai diễn vui nhộn trong các bộ phim hài. Thậm chí Bonfire of the Vanities năm 1990 còn bị Weekly Entertainment đánh giá là "một trong những phim tệ đến mức thê thảm nhất từ trước tới nay". Nintendo thực sự không nghĩ anh chàng này đáng giá 5 triệu USD như anh đã đòi hỏi.
Và thế là trong năm Super Mario Bros ra mắt, Ton Hanks bắt đầu làm việc với dự án Philadelphia, đóng vai một luật sư đồng tính bị HIV, khởi kiện công ty cũ vì đã đuổi việc anh một cách vô lý. Nhờ việc bị Nintendo từ chối trả 5 triệu USD vào vai Mario, diễn viên đại tài này nhận được một giải Oscar hạng mục diễn viên nam chính xuất sắc nhất năm 1994.
Nam diễn viên người Anh, Bob Hoskins được Light Motive tìm đến. Trước đó ông đã có kinh nghiệm với những vai diễn trong Mona Lisa hay Who Framed Roger Rabbit, một trong những bộ phim nửa thật nửa ảo cực kỳ ấn tượng. Hoskins nhận vai diễn, giống như Light Motive, cũng vì tiền. Điều ông không biết là, ông đang đóng một bộ phim ăn theo game, cho đến khi con trai ông tiết lộ!
Trong khi đó, John Leguizamo thậm chí còn từ chối một show truyền hình để thủ vai Luigi, đơn giản vì anh quá tự tin rằng bộ phim chắc chắn sẽ thành công rực rỡ, giống y như game vậy...
Không thể kiểm soát
Đến lúc này, công việc chọn diễn viên đã xong. Thế nhưng dự án phim trở nên bung bét khi biên kịch và đạo diễn không có tiếng nói chung. Một bên, các nhà biên kịch muốn tạo ra một bộ phim khai thác cuộc chiến giữa Mario và trùm rùa King Koopa, nhưng vẫn phải mô tả được tình cảm giữa hai anh em ruột thịt. Vợ chồng đạo diễn Rocky Morton và Annabel Jankel lại nghĩ khác. Họ muốn câu chuyện phải tăm tối hơn hẳn và có sự khác biệt so với game để khiến khán giả vừa không bị nhàm chán, lại vừa lôi kéo được khán giả mới chưa biết chút gì về Mario.
Thế là chúng ta có một bộ phim thảm họa. Vợ chồng đạo diễn vốn chỉ biết làm phim hoạt hình và MV ca nhạc, giờ đây cảm thấy hụt hơi trước một dự án quá lớn. Sau khi thiên thạch rơi xuống trái đất vài triệu năm về trước, nó không khiến khủng long tuyệt chủng mà thay vào đó tạo ra hai thế giới song song. Khủng long trong thế giới song song của phim vẫn sống và tiến hóa thành những sinh vật nửa người nửa bò sát, còn King Koopa thì muốn cai trị cả hai thế giới bằng mảnh thiên thạch có khả năng mở cổng kết nối giữa hai thế giới. Mario và Luigi vừa phải chặn đứng âm mưu của Koopa, vừa phải giúp đỡ công chúa Daisy.
Thậm chí cả hai đạo diễn bị ghét tới mức họ bị đoàn làm phim nói xấu công khai, không được can thiệp vào kịch bản và đến khi quay xong mang phim thô vào dựng hậu kỳ cũng không có mặt họ nữa. Sau này, cặp vợ chồng cho biết, bộ phim biến họ thành những "tên hủi của Hollywood. Ai cũng né tránh chúng tôi, chẳng còn công việc nào cho chúng tôi làm nữa".
Và như vậy là, một dự án tưởng chừng đầy những hy vọng lại trở thành một thảm họa, và không chỉ có vậy, nó tạo ra một cái "dớp" cho mọi bộ phim ăn theo game, chẳng có tác phẩm nào thực sự thành công cả. Đó chính là câu chuyện của Super Mario Bros, bộ phim ra mắt hơn 13 năm về trước, mở đầu cho trào lưu phim ảnh ăn theo những tựa game bom tấn.