Đánh giá chi tiết GTX 1080 Ti - Vô đối thế này thì còn sợ game nặng nào nữa?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/03/2017 04:28 PM

Về cơ bản, Nvidia GTX 1080 Ti là một chiếc Titan XP "đội lốt", nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều lần khi gánh tốt game ở độ phân giải 4K

Trong quá khứ, chúng ta đã từng điểm danh những chiếc card đồ họa cực kỳ ấn tượng với p/p tuyệt vời, hiệu năng so với số tiền bỏ ra vô cùng hoàn hảo, cạnh tranh rất tốt trên thị trường như GTX 970 chẳng hạn. Và trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục đến với một siêu phẩm khác cũng sở hữu p/p toàn diện, đó chính là GTX 1080 Ti.

Về mặt thông số, bo mạch phiên bản Reference của GTX 1080 Ti sẽ sở hữu 12 tỷ bóng bán dẫn, 3.584 nhân CUDA, 11GB VRAM GDDR5x, cao hơn nhiều so với GTX 1080. Thậm chí trong khi trình diễn, card đồ họa chạy ở 2.000 MHz, nghĩa là cao hơn khoảng 25% so với xung nhịp gốc 1.583 MHz, ấy vậy mà tản nhiệt stock lại giúp chiếc card đồ họa sở hữu nhiệt độ load có 66 độ C mà thôi.

Thông thường, những đời card đồ họa có hậu tố "Ti" của dòng GeForce GTX đều chỉ mạnh hơn phiên bản gốc khoảng 15 đến 25%, thế nhưng với GTX 1080 Ti, siêu phẩm này mạnh hơn GTX 1080 những 35%. Con số này được dựa trên kết quả thử nghiệm với nhiều game đỉnh ở độ phân giải 1440p và 4K: Battlefield 1, Crysis 3, Rise of the Tomb Raider, Deus Ex: Mankind Divided, Doom và The Witcher 3.

Thậm chí Nvidia còn quảng cáo sản phẩm mới của họ sẽ yên tĩnh hơn so với GTX 1080, con số vào khoảng 2,5 decibel ở cùng nhiệt độ hoạt động. Dĩ nhiên nhiệt độ càng cao thì card sẽ càng ồn vì phải chạy quạt tản nhiệt, nhưng đó là con số cực kỳ hứa hẹn.

Cơ bản, nếu bạn đang chơi game ở độ phân giải 1080p, thì đừng nghĩ đến chuyện mua GTX 1080 Ti làm gì cho phí tiền trừ phi bạn thực sự muốn mua hàng khủng về để khoe khoang với bạn bè. Bản thân GTX 1080 hay thậm chí là GTX 1070 đã là một chiếc card đồ họa có hiệu năng cực kỳ khủng khiếp nếu chơi game ở độ phân giải 1080p hay thậm chí là 2K, còn 1080 Ti thì sao? Nó là một con quái vật đúng nghĩa đen, được sinh ra để phục vụ đối tượng high end với nhu cầu chơi game độ phân giải 4K, thứ mà ngay cả GTX 1080 ở thời điểm hiện tại vẫn đang trầy trật không thể nào đáp ứng được thiết lập đồ họa ultra ở mọi tựa game.

Bản thân GTX 1070 hay 1080 giờ đây cũng đã có mức giá giảm rõ rệt kể từ khi GTX 1080 Ti chính thức ra mắt, vì thế cũng có thể khẳng định rằng, sự ra mắt của GTX 1080 Ti là tin mừng đối với mọi fan của Đoàn quân xanh khi họ có thể bỏ tiền mua những sản phẩm ra mắt vào năm ngoái với mức giá dễ chịu hơn nhiều. Tuy nhiên khi nói đến GTX 1080 Ti, chúng ta chỉ có thể nói đến một cuộc chơi duy nhất: 4K!

Phiên bản Founder's Edition, hay còn thường được gọi với cái tên reference được mang dáng vẻ không khác biệt nhiều so với những chiếc card đồ họa GTX 1070 hay 1080 ra mắt vào giữa năm ngoái. Vẫn là hệ thống khe tản nhiệt đẹp mắt và quạt tản nhiệt lồng sóc. Ban đầu thiết kế này khiến không ít game thủ lo ngại vì nhiệt độ trong GPU sẽ cao như hồi GTX 1080 ra mắt. Thế nhưng đáng mừng thay, chỉ sử dụng một tản nhiệt lồng sóc nhưng GTX 1080 Ti vẫn chỉ dừng ở mức 80 độ C là cao nhất.

Dĩ nhiên những phiên bản custom sẽ có clock cao hơn, tản nhiệt mạnh và hiệu quả hơn nên đây dường như không phải nỗi lo cho những người đang có nhu cầu sở hữu một chiếc GTX 1080 Ti ở thời điểm hiện tại.

Đập hộp

Vẫn là dáng vẻ quen thuộc thời GTX 1080. Vẫn là logo Geforce GTX mà bạn có thể điều chỉnh chế độ đèn LED thông qua ứng dụng GeForce Experience. Vẫn là tản nhiệt lồng sóc và thiết kế hầm hố sẵn có của những chiếc card đồ họa nền tảng Pascal. Thế nhưng khác biệt lớn nhất của phiên bản reference này là việc cổng kết nối DVI đã bị loại bỏ mà thay vào đó chỉ còn ba cổng Display Port và một cổng HDMI.

Nhìn có vẻ quen thuộc nhưng thật ra hệ thống tản nhiệt của GTX 1080 Ti đã được nâng cấp mạnh về mặt hiệu năng. Các kỹ sư tại Nvidia đã tạo ra một sản phẩm để luồng không khí tản nhiệt chạy qua các khu vực tạo ra nhiều nhiệt năng nhất trên bề mặt PCB của chiếc card đồ họa hiệu quả gấp đôi so với GTX 1080. Về mặt kết nối, cổng Display Port không chỉ đạt chuẩn 1.2 mà còn sẵn sàng xuất hình ảnh chuẩn DP 1.3/1.4, nghĩa là độ phân giải 4K 120Hz chứ không phải 60Hz như hiện nay.

Là một phiên bản cao cấp hơn cả GTX 1080, TDP, nghĩa là điện năng yêu cầu của GTX 1080 Ti thậm chí còn cao hơn, khi bạn sẽ phải dùng hai chân nguồn phụ, một 6 pin một 8 pin để cấp đủ nguồn cho thiết bị này. Điều này nghĩa là bạn cũng cần sở hữu một bộ nguồn có công suất thực từ 650W trở lên để đủ sức gánh được yêu cầu của con quái vật này. Mặc dù vậy, nền tảng Pascal vẫn được đánh giá là tiêu tốn ít điện năng hơn hẳn các nền tảng trước đây như Maxwell với GTX 980 Ti.

Nhìn vào bức hình này, các bạn có thể thấy một slot RAM GDDR5X đã bị lược bỏ. Rõ ràng đáng lẽ ra chúng ta đã có thể sở hữu một chiếc card đồ họa với 12GB RAM xử lý giống như GTX Titan XP, nhưng để chơi game thì bản thân 11GB RAM không hề thiếu một chút nào. Vả lại nếu làm GTX 1080 Ti mạnh gần ngang ngửa Titan XP thì làm gì còn ai dám mua chiếc card đồ họa cao cấp nhất dành cho game thủ của Nvidia nữa?

Điện năng sử dụng và nhiệt độ tải

Nhìn vào biểu đồ dưới đây, nếu so sánh với GTX 1080, thì 1080 Ti đòi hỏi một bộ nguồn khỏe hơn rất nhiều khi ngốn tới gần 280 W điện. Trong khi đó GTX 1080 vốn là một sản phẩm rất mạnh mà chỉ đòi hỏi có 184 W TDP mà thôi. Thậm chí 1080 Ti còn vượt mặt cả Titan X phiên bản Pascal nữa:

Khi không tải, nhiệt độ card đồ họa rơi vào khoảng 33 độ C, tương đối bình thường. Tuy nhiên giống như mọi phiên bản reference khác của Nvidia, card đồ họa vẫn rất nóng:

Hiệu năng chơi game

Đầu tiên hãy cùng xét đến cấu hình để chiến game với GTX 1080 Ti:

Mainboard MSI X99A GODLIKE Gaming

CPU Intel Core i7 5960X 8 cores, 4.3 GHz

10GB 2133 MHz DDR4 RAM

Nguồn AX1200i Corsair Platinum Certified

Màn hình Dell 3007 WFP 2560 x 1440 pixel

Màn hình Asus PQ321 4K native 3840 x 2160 pixel

Sniper Elite 4

Rise of the Tomb Raider

Battlefield 1

Gears of War 4

Deus Ex Mankind Divided

Doom

Ghost Recon Wildlands

Resident Evil 7

GTA V

The Witcher III

Tổng kết

Về cơ bản, Nvidia GTX 1080 Ti là một chiếc Titan XP "đội lốt", nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều lần. Nó gánh được hầu hết mọi game đỉnh hiện tại ở độ phân giải 4K và thiết lập đồ họa ultra với tốc độ khung hình 60 FPS ổn định. Dĩ nhiên vẫn có một số ngoại lệ khi nó hoạt động tốt hoặc tệ hơn so với mong đợi, thế nhưng dù gì đi chăng nữa, Nvidia lại một lần nữa tung ra một chiếc card đồ họa siêu cấp vô địch, ít nhất là cho tới khi Vega 10 và 11 của AMD chính thức ra mắt.