- Theo Trí Thức Trẻ | 17/12/2020 10:59 AM
Gia Cát Lượng thường được xem là kỳ phùng địch thủ của Tư Mã Ý. Thế nhưng, Ngọa Long lại không phải là người duy nhất khiến Trọng Đạt "khiếp vía", thậm chí trong danh sách những nhân vật đủ sức đe dọa Tư Mã Ý, Ngọa Long chỉ xếp ở vị trí thứ 3. Vậy ai là người mà Tư Mã Ý "khiếp sợ" nhất?
Trương Cáp (167 – 231) tự là Tuấn nghệ, là tướng lĩnh nhà Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Tuy Trương Cáp bắt đầu con đường công danh của mình khá sớm, nhưng giai đoạn đầu chưa tìm được minh chủ nên không mấy nổi trội so với các nhân vật cùng thời.
Trương Cáp chỉ thực sự phát huy được tài năng của mình khi về phò tá dưới trướng Tào Tháo. Ông là người trí dũng song toàn, hơn nữa còn tận trung với Tào Ngụy. Vì thế, Tư Mã Ý luôn phải kiêng dè Trương Cáp. Thậm chí là tìm cách tiêu diệt trong chiến dịch Bắc phạt lần thứ tư của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý mượn cớ Tương Cáp không tuân lệnh thượng cấp và mượn tay Thục Hán diệt trừ ông.
Tào Chân, tự Tử Đan. Ông là tướng quân của Tào Ngụy, phụng vụ dưới trướng của Tào Tháo. Tử Đan cũng là cha của Tào Sảng – đại thần dưới thời Ngụy Phế Đế Tào Phương.
Tào Chân có xuất phát điểm là người trong gia tộc Tào thị, có tài năng xuất chúng nên trở trảnh chỉ huy của "Hổ Báo kỵ" – một đội quân tinh nhuệ với sức chiến đấu mạnh nhất nhì trong Tam Quốc. Tào Chân làm tới chức Đại tư mã, có quyền lực cùng sức ảnh hưởng rất lớn trong triều. Khác với hình tượng có phần bị hạ thấp trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Tào Chân trong lịch sử có tài đánh trận, từng nhiều lần đánh lui Gia Cát Lượng và áp chế Tư Mã Ý.
Khổng Minh là kỳ phùng địch thủ của Tư Mã Ý. Sau khi Lưu Bị qua đời, Khổng Minh trở thành thừa tướng nắm quyền lực "dưới một người, trên vạn người" của Thục Hán.
Trong các chiến dịch Bắc phạt của mình, Khổng Minh nhiều lần đối đầu với Tư Mã Ý. Tuy nhiên, Tư Mã Ý lại thường chọn sách lược cố thủ, từ chối giao tranh trực tiếp. Điều này không phải vì Tư Mã Ý sợ hãi đối thủ mà phần nhiều bắt nguồn từ tính thận trọng, đánh giá cao tài năng của Khổng Minh nên không dám mạo hiểm của Ý.
Điều đáng tiếc nhất ở cặp đối thủ này có lẽ là Khổng Minh qua đời đột ngột trước Tư Mã Ý.
Tào Phi, tự Tử Hoàn, là hoàng đế đầu tiên của nhà Ngụy. Tuy Tào Phi rất cất nhắc, trọng dùng Tư Mã Ý, nhưng mặt khác vẫn luôn áp chế gia tộc Tư Mã trong lòng bàn tay. Vì thế trong 6 năm tại vị của Tào Phi, Tư Mã Ý không dám để lộ nửa điểm tham vọng, chỉ kiên trì ẩn nhẫn, an phận.
Nhiều người tiếc nuối cho rằng nếu Tào Phi sống lâu hơn thì có lẽ cha con Tư Mã Ý sẽ không thể đạt được đỉnh cao quyền lực một cách dễ dàng.
Tào Tháo, tự là Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán. Ông là người đặt cơ sở lập lên triều Ngụy. Dù Tào Tháo thường bị xem là "gian hùng", nhưng không ai có thể phủ nhận được tài năng của ông.
Khi Tào Tháo nghe danh Tư Mã Trọng Đạt nên cố ý mời vào triều làm quan, Tư Mã Ý vì lo sợ trước quyền lực lẫn tính đa nghi của Tào Tháo bèn cáo bệnh tự chối. Ngay cả sau này, khi đã làm mưu sĩ dưới trướng họ Tào, Tư Mã Ý cũng một mực ẩn nhẫn, không thể hiện bản thân quá nhiều. Tuy nhiên, Ý vẫn không qua mặt được Tào Tháo lẫn Tào Phi.
Từ đó có thể thấy rằng Tào Tháo là người khiến Tư Mã Ý nể sợ nhất, đến mức ông ta thà từ chối làm quan còn hơn đến phụng sự cho vị quyền thần này.