- Theo Trí Thức Trẻ | 26/10/2020 11:28 AM
Nếu theo dõi Tây Du Ký bản truyền hình, các khán giả sẽ dễ dàng nhận ra rất nhiều các loại yêu quái thần thông quảng đại, sức mạnh phi thường đều chỉ là hàng... thú cưỡi của các nhân vật "máu mặt" trong hai phái Phật và Đạo. Ấy thế mà không ít trong số chúng đã từng suýt lấy được cái mạng của Tôn Ngộ Không, đến mức Tề Thiên Đại Thánh phải cầu cứu đến cả thiên binh vạn mã, mời cả chủ nhân của chúng đến mới có thể thu phục.
Chỉ một ví dụ đơn giản như vậy thôi cũng đủ nhận ra rằng trong Tam Giới, sức mạnh củ Tôn Ngộ Không thời điểm phò tá Đường Tăng có thứ hạng rất thấp, nhờ "aura nhân vật chính" cùng sứ mệnh thiêng liêng nên mới giữ được mạng. Để Ngộ Không được tỏa sáng và không... chết, rất nhiều nhân vật "sừng sỏ"đã bị Ngô Thừa Ân "kìm hãm sức mạnh" trong Tây Du Ký.
Na Tra
Na Tra nổi danh từ thời kỳ Phong Thần đại chiến, thời gian tu hành hay kinh nghiệm thực chiến cũng đều vượt xa Tôn Ngộ Không. Thậm chí Pháp Bảo trong tay Tam thái tử cũng nhiều hơn Tề thiên Đại Thánh, căn cơ sứ mệnh mang theo cũng không thuộc dạng vừa, xuất thân vốn là pháp bảo Linh Châu của Thái Ất Chân Nhân, được Nguyên Thủy Thiên Tôn sắp xếp xuống trần gian giúp Khương Tử Nha định bảng Phong Thần. Kẻ nắm thiên mệnh như vậy ắt phải sở hữu pháp lực vô cùng to lớn, so sánh với Tôn Ngộ Không về mọi mặt thì không thể nào dùng chữ "kém" được.
Ấy thế nhưng sức mạnh "thu phục chín mươi sáu động yêu quái" lại được mô tả "thất bại thảm hại" dưới tay của Tôn Ngộ Không - khi ấy mới chỉ là 1 con Hầu Tử tác oai tác quái, chưa ngộ chân đạo, tu luyện chóng vánh. Nhiều người cho rằng Ngô Thừa Ân đã "dìm" Na Tra không hề nhẹ khi không cho phép Na Tra thể hiện hết bản lĩnh của 1 vị thần tối thượng.
Một cách dễ hiểu hơn là dùng Ngưu Ma Vương làm cầu nối. Có lẽ ai cũng biết Ngưu Ma Vương "sure kèo" mạnh hơn Tôn Ngộ Không, thậm chí cả Bát Giới hợp sức vào đánh vẫn đuối, ấy thế mà Na Tra chỉ cần show vài đường cơ bản đã "hái nhẹ" tới 9 cái đầu của Ngưu Ma Vương khiến hắn phải van lạy. "Na Tra biến thành ba đầu sáu tay, phi thân đuổi theo, phóng hỏa luân và sử dụng chân hỏa thiêu đốt, khiến cho Ngưu Vương lắc đầu quẫy đuôi giãy giụa khổ sở". Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Na Tra cũng từng có một thời đại náo tứ hải, không có đối thủ, tương tự như Nhị Lang Thần. Sau này Na Tra được kế nhiệm thiên giới.
Thái Thượng Lão Quân
Nhớ lại năm ấy Thiên Cung đại náo, Thái Thượng Lão Quân đã dùng Kim Cang Trác bắt Tề Thiên Đại Thánh về chịu tội - về cơ bản là đã hơn cơ Tôn Ngộ Không. Ấy thế nhưng dưới con mắt của Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân là một "ông già lẩm cẩm", sau này năm lần bảy lượt bó tay trước con khỉ đá Tôn Ngộ Không một cách khá... lãng xẹt. Tuy nhiên tất cả đều có huyền cơ, chẳng để Tôn Ngộ Không thoát thì làm sao "kích hoạt" được những phẩm chất sau này của hắn?
Thái Thượng Lão Quân là một nhân vật có địa vị tối cao, tướng người cao to đầy đặn, thần thái của một vị tiên phong đạo cốt, mọi sự đều nắm trong lòng bàn tay cũng như dự tính như thần. Xét về pháp lực cũng không hề thua kém Như Lai Phật Tổ. Bằng chính sự bất cẩn một cách "có sắp đặt" của mình, ngài đã gián tiếp ban cho Tôn Ngộ Không tiên đan, tôi luyện cho hắn một thân thể kim cương cùng cặp mắt bất bại.
"Chân nhân bất lộ tướng, Thái Thượng Lão Quân đức cao vọng trọng, có mắt nhìn người, pháp lực song hành với trí lực, rất khó để phạm những lỗi lầm như vậy khi đối đầu với Tôn Ngộ Không - lúc ấy vẫn chỉ là một chú ngựa non háu đá. Nói cách khác, nếu quả thực Thiên Đình muốn bắt, Ngộ Không năm đó đã không thể giữ nổi mạng.
Trư Bát Giới
xem đi xem lại Tây Du Ký bao nhiêu năm nay, chúng ta vẫn thường nghĩ về Trư Bát Giới là một kẻ không những vô dụng mà còn rất biết cách ăn hại, thậm chí đôi lần còn có những pha "bóp" đồng đội không thể nào thốn hơn. Điểm đặc trưng của Trư Bát Giới chính là mỗi khi sư phụ bị yêu quái bắt cóc, thay vì nghĩ cách thì hắn luôn nói duy nhất một câu: "Chúng ta chia hành lý thôi!".
Tuy nhiên, khách quan mà nói, Bát Giới chính là "thiên tài ẩn dật" nhưng vì… lười nên không phô bày hết nội công của mình. So về phép, Trư Bát Giới còn phải khiến Tôn Ngộ Không kiêng nể vài phần vì mức độ nguy hiểm. Thậm chí nếu nhớ lại một chút thì tại Cao Gia Trang, khi Trư Bát Giới bắt buộc sử dụng 36 phép thần thông để tự vệ, hắn đã khiến Tôn Ngộ Không lao tâm khổ tứ, xây xẩm mặt mày mới có thể thu phục.
Ngộ Không cũng đã phải đau đầu tính kế mới có thể hàng phục được Trư Bát Giới
Nếu ví Tôn Ngộ Không như một đấu sĩ damage vật lý, mình mẩy cứng cáp, sát thương kinh thiên động địa thì Trư Bát Giới, lại giống như một pháp sư giỏi về trí lực, gây lũng đoạn tinh thần người đối diện, tự hoại từ bên trong, ấy chính là 36 phép Thiên Cang của Đạo Giáo. Số lượng ít hơn, nhưng nếu so riêng với 72 phép Địa Sát của Tôn Ngộ Không thì quả vẫn chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, thậm chí một số phép thuật "bá đạo" còn làm điên đảo trời đất, cải tử hoàn sinh. Nhiều người nhận định, 72 phép Địa Sát của Ngộ Không kiểu như là một thủ thuật bình thường mà thôi, còn 36 phép Thiên Cang của lão Trư ảnh hưởng tới cả trời đất, ngũ hành, tiên - yêu - ma đều không thoát được.
Mỗi nhân vật trong Tây Su Ký đều mang một ý nghĩa hình tượng riêng, Trư Bát Giới cũng vậy
Trư Bát Giới thần thông quảng đại như vậy mà suốt 81 kiếp nạn, Ngô Thừa Ân đã xây dựng hắn như 1 nhân vật kém thông minh, luôn thích ăn chơi hưởng thụ, ít khi nghiêm túc chiến đấu hết sức. Mặt khác, đặc tính Trư Bát Giới xưa nay ỷ lại vào đại sư huynh, hơi một tý là lại: "Sư huynh ơi", bản thân lúc nào cũng tự ti, sợ hãi nên ít khi tự mình dùng phép. Dù có "dìm" hơi quá tay nhưng đó là điều bắt buộc bởi đó chính là sứ mệnh cũng như giá trị đặc trưng của nhân vật này trong Tây Du Ký.