Tri Thức Trẻ | 13/02/2021 11:04 AM
Nghi thức lễ hội truyền thống và các hoạt động phong tục phổ biến như sắm Tết, quét nhà, dán câu đối, ăn tối đêm Giao thừa, lì xì, chúc Tết, múa lân, thờ tổ tiên, du xuân, đua thuyền, đi chùa, rước đèn lồng và rất nhiều nghi lễ đặc sắc khác đã góp phần tạo nên 1 mùa Tết Nguyên đán phong phú và đa sắc màu của Trung Quốc.
Tết Nguyên đán là một sự kiện văn hóa lớn ở Trung Quốc
Tết âm lịch, người Trung Quốc gọi là Xuân tiết, còn Nguyên đán để chỉ Tết dương lịch, là ngày lễ Tết truyền thống lớn nhất trong năm của người Trung Quốc.
Tương truyền việc ăn Tết đầu năm ra đời khoảng 4.000 năm trước vào thời vua Thuấn (1 vị vua huyền thoại thời cổ đại, và được coi là 1 trong những vị Quân vương kiểu mẫu trong văn hóa Trung Hoa). Ngày vua Thuấn lên ngôi, ông dẫn theo mọi người cùng cúng tế trời đất, sau này dân gian lấy ngày ấy làm ngày đầu tiên của năm, cũng là ngày mồng 1 tháng Giêng bây giờ. Tháng có ngày đầu tiên của năm gọi là Nguyên nguyệt, ngày đầu của tháng ấy gọi là Nguyên đán.
Đến năm 1913, chính phủ Bắc Kinh trình lên Viên Thế Khải (cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc) một bản dự thảo các ngày lễ truyền thống, trong đó coi Nguyên đán là Xuân tiết, Đoan Ngọ là Hạ tiết, Trung Thu là Thu tiết và Đông Chí là Đông tiết. Tuy nhiên, Viên Thế Khải chỉ phê chuẩn Xuân tiết là ngày nghỉ, và từ đó người dân Trung Quốc gọi Tết âm lịch là Xuân tiết.
Màu đỏ mang lại may mắn cho gia chủ và xua đuổi tà ma
Dân gian truyền miệng rằng ngày xưa xuất hiện 1 con quái vật gọi là Niên. Quái vật này có sừng và sống quanh năm dưới đáy biển sâu, nó chỉ mò lên bờ đúng vào đêm Giao thừa để quấy phá dân lành, sáng sớm lại lẩn vào rừng. Dân làng cứ đến đúng ngày đó là không ai dám ngủ, cả nhà phải quây quần lại bên nhau đề phòng quái vật nên mới có tục thức đêm lúc Giao thừa. Sau này, người ta phát hiện ra Niên rất sợ màu đỏ và tiếng động lớn, nên cứ tới ngày nó trồi lên là dân làng lại mặc quần áo đỏ, treo lồng đèn đỏ, dán câu đối đỏ và đốt pháo. Từ đó Niên không dám quấy phá dân làng nữa. Phong tục đó vẫn được người Trung Quốc duy trì đến ngày nay và được gọi là Quá niên (nghĩa thuần Việt là ăn Tết).
Màu đỏ và vàng là 2 màu sắc mang ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa Trung Quốc. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và tràn đầy năng lượng, màu vàng liên quan đến sự giàu sang và hạnh phúc
Những hoạt động chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán được nhân dân Trung Quốc đúc kết trong nhiều bài ca dao, trong đó xuất hiện phổ biến ở hầu khắp các vùng miền trong cả nước với nội dung: "Ngày 23 tiễn ông Táo, ngày 24 dọn cửa dọn nhà, ngày 25 thì làm đậu phụ, ngày 26 giết mổ lợn dê, ngày 27 thịt mấy con gà, ngày 28 dán đôi câu đối, ngày 29 mua rượu về nhà, ngày 30 phải làm vằn thắn, tối 30 không ai được ngủ, sáng mồng một tiếng pháo vang nhà".
"Tiểu Niên"
Trong Tiểu Niên, hay còn gọi là "ngày bận rộn", có 2 nghi lễ chính: Tiễn ông Táo về trời và quét dọn, lau chùi nhà cửa. Hàng năm vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp, người dân thực hiện lễ tiễn Táo về trời báo cáo mọi chuyện trong năm của gia chủ tới Ngọc Hoàng. Sau đó, các thành viên gia đình gồm già trẻ lớn bé đều tất bật dọn dẹp chuẩn bị cho ngày Tết. Công việc này không đơn thuần chỉ là quét dọn mà nó còn bao hàm ngụ ý xua tan bụi bặm và những điều xấu trong năm cũ. Những người thực hiện công việc này đều hy vọng rũ bỏ điều xấu, cũng như gặp nhiều may mắn trong năm tới.
Tục ăn váng đậu phụ độc đáo tại Trung Quốc
Làm đậu phụ
Dân gian Trung Quốc có câu: "Ngày 25/12 âm lịch thì xay đậu phụ". Ở một số nơi có tục ăn váng đậu phụ trước đêm Giao thừa. Có truyền thuyết kể rằng: Sau khi ông Táo chầu trời, Ngọc Hoàng sẽ xuống hạ giới để kiểm tra các hộ xem có giống như trong sớ bẩm báo hay không. Việc ăn váng đậu phụ giúp người dân chứng tỏ cuộc sống của mình còn khốn khó, mong Ngọc Hoàng chiếu cố cho năm tới nhiều tài phúc hơn.
Mổ thịt lợn
Trung Quốc có tập tục vào ngày 26/12 âm lịch sẽ mổ thịt lợn. Trước đây, người dân có cuộc sống tương đối nghèo khó, nhà lại đông người nên ăn không đủ no, khi điều kiện khá hơn 1 chút cũng chỉ được ăn bánh ngô. Bởi vậy, sau này mới có tập tục "giết lợn, xẻ thịt đêm Giao thừa" với mong muốn 1 năm luôn có thịt để ăn.
Tục dán chữ "phúc" lộn ngược để "phúc tràn vào nhà"
Tục "dán giấy đỏ"
Tục "dán giấy đỏ", trong đó phổ biến nhất là tục dán câu đối Tết xuất hiện từ thời Hậu Thục (934-965 sau CN). Ban đầu, người dân dùng gỗ đào khắc hình Môn Thần (thần giữ cửa) treo ngoài cửa để trừ tà đuổi quỷ, gọi là Đào phù. Đến đời Tống, Đào phù được thay bằng câu đối Tết.
Ngoài ra, còn có 1 số biến thể từ tục dán giấy đỏ để trang trí nhà cửa như: dán giấy lên ô cửa sổ (các loại giấy được dán thường là những bức tranh miêu tả về cuộc sống nông thôn hay thần thoại Trung Quốc); treo chữ "phúc" lộn ngược (ngụ ý "phúc tràn vào nhà"); bày tranh và tác phẩm nghệ thuật về năm mới (các tác phẩm này đều có hình ảnh thể hiện sự an khang thịnh vượng, bao gồm động vật và hoa quả); treo đèn lồng giấy kèm quả pháo nhỏ (đèn lồng treo cao có nghĩa giống như mặt trăng trên bầu trời, dây pháo được làm từ giấy đỏ, khi đốt sáng sẽ phát tiếng nổ xua đuổi tà ma).
Thờ cúng tổ tiên
Ngày 29, 30 Tết, các gia đình sẽ bày ban thờ cúng tế trời đất tổ tiên và cùng quây quần bên nhau để ăn bữa cơm Tất niên (bữa cơm cuối cùng của năm). Đêm 30 gọi là Trừ Tịch, ngày này mọi người sẽ thức để đón năm mới, gọi là Thủ Tuế. Người Trung Quốc quan niệm sau ngày 23 tháng Chạp, các Thần đều quay về thiên giới báo cáo với Ngọc Hoàng, đến lúc Giao thừa (tức Trừ Tịch) mới lại quay trở lại nhân gian, nên có tục "tiếp Thần", tức là bày hương án ra sân để cúng tế và hóa vàng đón các Thần quay trở lại.
Bữa ăn có nhiều món và mỗi món đều mang ý nghĩa riêng
Ăn tối đêm Giao thừa
Một bữa ăn sum vầy cùng gia đình là cách chào đón năm mới phổ biến nhất của người Trung Quốc. Tại các vùng miền khác nhau cũng có các món ăn đặc trưng không giống nhau trong bữa cỗ đêm Giao thừa. Trong bữa cơm đoàn viên thường có mười mấy món nhưng không thể thiếu đậu phụ và cá (trong chữ Hán từ này đồng âm với từ "phú quý, dư giả"). Ngày mùng 1 Tết cũng được coi là ngày quan trọng đầu năm để mời thánh thần và tổ tiên về ăn Tết.
Các phong tục khác
Sáng mùng 1 Tết, người Trung Quốc cổ có tục "khai môn pháo trượng", nghĩa là mở cửa và đốt pháo chào đón năm mới (do ngày nay đã cấm pháo nên tập tục được bãi bỏ).
Mùng 2 Tết người phụ nữ sẽ dẫn gia đình về thăm nhà ngoại. Và phong tục mừng tuổi cho trẻ em - gọi là áp tuế - là việc không thể thiếu. Ngày này con rể đến thăm và mừng tuổi cho bố mẹ vợ với ý nghĩa chúc bề trên khỏe mạnh, sống lâu. Câu nói phổ biến nhất mà mọi người trong gia đình chúc Tết nhau và chúc khách đến chơi trong dịp Tết Nguyên đán là "Cung hỷ phát tài" và chủ nhà thường đãi khách bằng tiệc trà.
Đến ngày mùng 5 Tết, các gia đình ở miền Bắc thường ăn bánh bao vào buổi sáng để lấy may. Bánh bao phát âm gần giống từ no đầy, với mong muốn năm mới đầy ắp, no đủ. Đây cũng là ngày sinh nhật của Thần Tài nên nhiều cửa hiệu ở Trung Quốc sẽ mở hàng năm mới trong ngày này.
Nguồn: Baidu