- Theo Trí Thức Trẻ | 07/04/2020 01:43 PM
Ngày 6/3/2020, sau đúng 23 ngày cả nước không xác định thêm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của giai đoạn 1 với 16 ca nhiễm, thì một ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại Hà Nội, là nữ bệnh nhân thứ 17, 26 tuổi, có địa chỉ tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình.
Từ sau ca nhiễm này, tình hình dịch bệnh trong nước đã diễn biến phức tạp hơn với hàng loạt trường hợp dương tính mới, công tác phòng chống dịch cũng chính thức bước sang giai đoạn 3 căng thẳng và quyết liệt hơn.
Ngày 6/4, đúng 1 tháng kể từ ngày công bố ca nhiễm thứ 17, hãy cùng điểm lại các dấu mốc nổi bật về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong 1 tháng vừa qua:
Tối 6/3, UBND thành phố Hà Nội thông báo về ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại thành phố và là ca nhiễm thứ 17 trên cả nước. Đó là nữ bệnh nhân có tên N.H.N, 26 tuổi, địa chỉ tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ngày 15/2, bệnh nhân xuất cảnh ở Sân bay Nội Bài đi thăm người nhà sống tại thành phố London (Anh).
Từ ngày 16/2 đến 29/2, bệnh nhân đã đi du lịch và tham gia các sự kiện thời trang tại nhiều thành phố có tình hình dịch bệnh phức tạp ở châu Âu như London (Anh), Milan (Ý), Paris (Pháp). Đặc biệt, bệnh nhân có tiếp xúc gần với chị gái - người sau đó đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 1/3, bệnh nhân lên chuyến bay VN0054 của Hãng hàng không Vietnam Airlines về nước, đáp xuống Sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng 2/3.
Ngày 5/3, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc (Ba Đình, Hà Nội), sau đó được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã dương tính với SARS-CoV-2.
Đến ngày 30/3 vừa qua, bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, rời bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Hình ảnh bệnh nhân thứ 17 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Đáng chú ý, trước khi được đưa vào bệnh viện điều trị, bệnh nhân thứ 17 đã tiếp xúc với nhiều người trong nhà. Một số người từng tiếp xúc với nữ bệnh nhân sau đó cũng đã nhiễm bệnh Covid-19, bao gồm:
- Bệnh nhân số 19 (tài xế), đã xuất viện ngày 2/4 sau gần một tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
- Bệnh nhân số 20 (bác gái), thời gian đầu trở nặng, phải can thiệp ECMO. Tuy nhiên, đến nay, người phụ nữ 64 tuổi đã có nhiều diễn tiến tích cực, âm tính 3 lần liên tiếp.
- Bệnh nhân số 47 (giúp việc), đã khỏi bệnh ngày 30/3, sau hơn 2 tuần điều trị.
Bệnh nhân thứ 17 trở về Việt Nam trên chuyến bay số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines, hạ cánh tại Sân bay Nội Bài ngày 2/3. Đây là chuyến bay đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm Covid-19, trong đó có 15 ca điều trị tại Việt Nam, bao gồm:
- Bệnh nhân thứ 17
- Bệnh nhân thứ 21: Nam, 61 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Bệnh nhân thứ 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 33, 49: Người nước ngoài.
- Bệnh nhân thứ 59: Nữ, 30 tuổi, Hà Nội, là tiếp viên hàng không của chuyến bay.
Khử trùng toàn bộ chuyến bay VN0054.
Ca nhiễm Covid-19 thứ 32 tại Việt Nam là Tiên Nguyễn (24 tuổi), con gái của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn.
Cô sống lại London (Anh). Tối 27/2, bệnh nhân có gặp mặt, cùng dự tiệc và đi chơi với bệnh nhân thứ 17.
Ngày 2/3, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng ho khan, không sốt, đi khám tại bệnh viện ở London và được cho điều trị ngoại trú.
Ngày 9/3, bệnh nhân về đến Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyên cơ riêng được gia đình thuê để di chuyển từ Anh về Việt Nam. Bệnh nhân ngay sau đó nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Đến ngày 31/3 vừa qua, cô đã được công bố khỏi bệnh, xuất viện về nhà theo dõi sức khoẻ thêm 14 ngày.
Tiên Nguyễn.
Đáng chú ý, gia đình của bệnh nhân thứ 32 đã có nhiều đóng góp đáng kể cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong nước, một số hoạt động được báo chí nhắc đến:
- Ủng hộ 25 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.
- Ủng hộ 6,2 tỷ đồng hỗ trợ cho TP. HCM 9 máy áp lực âm đóng góp vào việc điều trị cho người mắc Covid-19.
- Miễn phí mặt bằng Siêu thị miễn thuế Mộc Bài hơn 5000m2 làm khu cách ly tránh dịch Covid-19.
Tiên Nguyễn (giữa) cùng bố (ông Johnathan Hạnh Nguyễn) và mẹ (bà Thuỷ Tiên).
Bệnh nhân thứ 34 tên D.T.L.T (51 tuổi, ngụ tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Bệnh nhân có lộ trình di chuyển phức tạp, khai báo dịch tễ thiếu trung thực gây khó khăn cho công tác rà soát và khống chế dịch bệnh. Dưới đây là lịch trình di chuyển từ nước ngoài về Việt Nam của bệnh nhân:
Ngày 22/2, bệnh nhân từ Sân bay Tân Sơn Nhất quá cảnh ở Sân bay Incheon (Hàn Quốc), sau đó bay sang New York (Mỹ).
Ngày 29/2, bệnh nhân từ Washington (Mỹ) quá cảnh sang Qatar trên chuyến bay QR708 của Hãng hàng không Qatar Airways. Cùng ngày, bệnh nhân về đến Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QR974 của Qatar Airways.
Ngày 2/3, bệnh nhân được xe riêng chở từ TP.HCM về nhà tại TP Phan Thiết.
Ngày 9/3, bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Bình Thuận và được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Bệnh nhân sau đó được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thứ 34 được điều trị tại Bình Thuận.
Bệnh nhân thứ 34 được cho là trường hợp "siêu lây nhiễm" bởi đến hiện tại, đã ghi nhận đến 8 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 có liên quan đến bệnh nhân này.
Quán bar Buddha có địa chỉ số 7, đường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Đây được xem là ổ dịch lớn thứ 2 trên cả nước (sau Bệnh viện Bạch Mai) bởi hiện tại đã phát hiện đến 18 trường hợp nhiễm Covid-19 liên quan.
Quán bar Buddha.
Ngày 14/3, bữa tiệc Pattrick's day được tổ chức tại quán bar Buddha, có hàng trăm người tham gia buổi tiệc này.
Ngày 20/3, ca bệnh đầu tiên liên quan đến ổ dịch Buddha được công bố. Đó là bệnh nhân 91, một phi công quốc tịch Anh, sinh sống tại quận 2, TP.HCM. Nam bệnh nhân đã tham dự bữa tiệc Pattrick's day tại bar Buddha ngày 14/3.
Sau đó, các ca bệnh Covid-19 từng đến quán bar Buddha vào đúng ngày 14/3 hoặc có liên quan bao gồm:
- Bệnh nhân (BN) 97, 98 (công bố ngày 22/3).
- BN120 (công bố ngày 23/3).
- BN124, 125, 126, 127 (công bố ngày 24/3).
- BN151 (công bố ngày 26/3): Đồng nghiệp BN124.
- BN152 (công bố ngày 26/3): Chị gái BN127.
- BN157, 158, 159 (công bố ngày 27/3).
- BN206, 207 (công bố ngày 31/3): Tiếp xúc gần BN124.
- BN224 (công bố ngày 2/4): Sống cùng phòng BN158.
- BN235, 236 (công bố ngày 4/4).
Hiện chưa có ca bệnh nào liên quan đến ổ dịch quán bar Buddha được điều trị khỏi bệnh.
Ngày 20/3, ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai là bệnh nhân thứ 86 và 87 - điều dưỡng tại bệnh viện. Sau đó không lâu, con gái của BN86 cũng được xác định nhiễm Covid-19.
Tại Khoa Thần Kinh - BV Bạch Mai: BN133, BN161 (cùng phòng), BN162 (con dâu 161), BN163 (cháu gái 161), BN172 (con dâu 133), BN185 và 219 (chăm sóc người bệnh).
Ngoài ra, BN209 (tiếp xúc gần BN163) và BN227 là con của BN209.
Tại Khoa cấp cứu: BN170 (chăm sóc người bệnh).
Tại Khoa Phục hồi Chức năng: BN223 (chăm sóc người bệnh).
Tại Khoa Tiêu hóa: BN239.
Tại Khoa Miễn dịch dị ứng: BN243 (đưa vợ đi khám).
Khám Ngoại trú: 2 vợ chồng BN197 và 213.
27 nhân viên của công ty Trường Sinh, chuyên cung cấp dịch vụ cho BV Bạch Mai. Cụ thể, BN168, 169, 174, 175, 176, 177, 178, 184, 188 (tiếp xúc gần 169), 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 198, 199, 200, 201, 202, 205, 208, 214, 215, 231 đều tiếp xúc với nhiều người.
Như vậy, đến tối ngày hôm nay 6/4, đã ghi nhận 45 ca bệnh Covid-19 liên quan Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm điều dưỡng, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh cung cấp dịch vụ tại bệnh viện.
Với số ca nhiễm tăng mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang được đánh giá là "ổ dịch" lớn nhất và phức tạp nhất cả nước.
Để xác định nguồn lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai, ban đầu, các chuyên gia tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế nhưng sau khi xét nghiệm, tất cả nhân viên y tế đều âm tính cho thấy rất rõ sự lây nhiễm giữa bệnh nhân với bệnh nhân trong không gian phòng bệnh điều trị.
Hướng thứ hai là dấu hiệu lây nhiễm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, điều tra dịch tễ tiếp theo cho thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần trong BV. Đến nay, công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ tại BV Bạch Mai đã có 27 người nhiễm.
Ngoài ra, các chuyên gia dịch tễ đang tiếp tục điều tra nguồn lây bệnh từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) cho rằng nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ trong BV, đội ngũ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp là rất nguy hiểm vì những người này di chuyển qua nhiều BV.
Để kiểm soát và chống lây lan dịch bệnh, từ ngày 28/3, đã phong toả toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai.
Đến 16h ngày 5/4 có 3.237 người đang trong bệnh viện, trong đó có 2.196 nhân viên, 775 bệnh nhân, 266 người nhà bệnh nhân. Đã thực hiện 8.683 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố chủ yếu từ Công ty Trường Sinh.
Đến 18h ngày 5/4, đã rà soát 52.239 người bao gồm: 2.272 cán bộ y tế của bệnh viện, 4.309 bệnh nhân nội trú, 1.937 bệnh nhân ngoại trú, 23.193 bệnh nhân khám ngoại trú, 12.775 người thân/người chăm sóc, 747 nhân viên phục vụ và 7.006 người khác liên quan.
Trong số này đã tiến hành cách ly 26.579 người, lấy mẫu xét nghiệm 14.656 người, 5.820 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát hết người đến Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai cách ly tại 3 địa điểm với tổng số 425 người, trong đó tại Trung tâm khám bệnh ban ngày (50 người), Trung tâm Phục hồi Chức năng (61 người) và Khoa Thần kinh (314 người).
Tổ chức cho 117 nhân viên y tế nghỉ tại Khách sạn Mường Thanh (Xa La, Hà Đông, Hà Nội).
Ngày 5/4, bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) tiến hành phun khử khuẩn trong khuôn viên bệnh viện.
Tính đến hết ngày 6/4, theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 245 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó:
- Ca dương tính mới nhất (số 245) được công bố tối 6/4 là nữ bệnh nhân trở về từ Tây Ban Nha về Việt Nam.
- Cả nước hiện có tổng cộng 95 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi bao gồm:
16 người mắc Covid-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 ) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
79 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 6/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2): BN17, 18, 20, 22, 23, 24, 27, 29, 32, 33, 34, 35, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 45, 46, 47, 48, 49, 51, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 62, 63, 64 , 65, 66, 67, 68, 69, 70, 71, 73, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 85, 88, 89, 90, 93, 99, 100, 107, 110, 112, 113, 117, 118, 121, 122, 129, 130, 131, 132, 138, 140, 154, 179, 187, 198.
- Số ca bệnh có kết quả âm tính lần 1: 34 người, chiếm 14%.
- Số ca bệnh có kết quả âm tính lần 2: 24 người, chiếm 10%.
- Chưa có trường hợp tử vong.Thủ tướng chính phủ ban hành chỉ thị về cách ly toàn xã hội
Ngày 31/3, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội. 4/12 nội dung đáng chú ý:
- Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.
- Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.
- Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
- Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.
Do đó, từ nay đến 15/4, cả hệ thống phải bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm Covid-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của 2 ổ dịch ở TPHCM và Hà Nội.
"Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân dân", Thủ tướng nói, nếu làm tốt cách ly trong xã hội sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.