Phong Vũ bị cuốn vào "vòng xoáy drama", sự cư xử trẻ con hay có tính toán kĩ lưỡng từ trước?

Santa  - Theo Helino | 03/10/2019 10:35 AM

Dường như lo lắng vì hiệu quả truyền thông giảm sau một mùa hè vắng mặt tại VCS, Phong Vũ cuối cùng đã chính thức trở theo một cách không thể ồn ào hơn: tài trợ cho nhà vô địch VCS, cả về thành tích lẫn mức độ thị phi: GAM. Và để cho sự kiện nóng càng thêm nóng, hôm qua, fanpage chính thức của Phong Vũ lên "kể khổ" về việc hợp tác với PVB.

Phong Vũ bị cuốn vào vòng xoáy drama, sự cư xử trẻ con hay có tính toán kĩ lưỡng từ trước? - Ảnh 1.

Post kể tội PVB trên fanpage chính thức Phong Vũ.

Viết dài dòng, nhiều cảm xúc với một vài lỗi trình bày sơ đẳng, đại ý thì nội dụng Phong Vũ muốn truyền tải như sau:

- PVB đổi chủ sau kỳ VCS mùa xuân, thông tin này đã được biết đến từ trước từ BTC VCS. Việc này không thông qua nhà tài trợ Phong Vũ.

- Chủ quản mới của đội là bên chủ động hủy hợp đồng (có thời hạn đến 9/2019 - tức là sau khi kết thúc VCS hè 2019).

- Phong Vũ tài trợ cho PVB là để "giúp đỡ" đội tuyển. PVB chỉ là lựa chọn thứ 3, sau GAM và EVOS ờ thời điểm 2018.

Mục tiêu thật sự của hành động này này gì?

Trực quan nhất, đây có thể hiểu đây là một dạng post thanh minh cho ý kiến cho rằng PV "đá" PVB để chạy theo GAM. Rõ ràng, nếu nội dung của post này đúng, một điều gần như chắc chắn, Phong Vũ là bên cư xử có tình có nghĩa trong khi PVB mới là bên 'ăn cháo đá bát'.

Tuy nhiên, nếu xét theo tính thời điểm và mục tiêu của các bên tham gia, mục tiêu của hành động này không đơn giản như vậy. Team truyền thông của Phong Vũ thừa thông minh để biết được hành động của mình có thể gây ra một drama nho nhỏ cho cộng đồng và kéo thêm fan về cho họ cũng như GAM (đội tuyển họ tài trợ). Việc này được kỳ vọng sẽ cộng hưởng với thông tin PV chính thức tài trợ cho GAM để tạo sóng trên MXH. Chiến thuật này tuy còn mới mẻ với eSport nhưng quá căn bản với showbiz: trước khi tung ra sản phẩm, các nghệ sĩ thường tìm cách tạo ra cách scandal nhỏ để thu hút sự chú ý của xã hội để sản phẩm có được sự chú ý nhiều hơn.

Một điểm nữa căn cứ theo những thông tin Phong Vũ đưa ra, đây cũng là thời điểm họ phải tính toán các hiệu quả của hoạt động tài trợ eSports. Thường thì chỉ tiêu của các hoạt động này là mức độ nhận diện trên mạng xã hội (social awareness), vì vậy, việc họ cố chạy chỉ tiêu là điều hiển nhiên.

Chơi lửa cẩn thận bỏng tay

Mục tiêu rõ ràng nhưng cách Phong Vũ chọn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nó khá giống chiến thuật truyền thông mà GAM áp dụng suốt kỳ VCS vừa rồi để đảm bảo họ luôn là đội tuyển được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông.

Nhưng vị trí của Phong Vũ và GAM là hoàn toàn khác nhau. GAM đơn thuần là một tổ chức eSports, việc của họ chỉ là đảm bảo độ phủ hình ảnh của mình (bằng cả thành tích thi đấu lẫn truyền thông), qua đó thu hút và đảm bảo hiệu quả cho các nhà tài trợ.

Phong Vũ bị cuốn vào vòng xoáy drama, sự cư xử trẻ con hay có tính toán kĩ lưỡng từ trước? - Ảnh 2.

GAM là đội vô địch cả về thành tích lẫn drama.

Còn với Phong Vũ, họ là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Với Phong Vũ, đặc biệt team truyền thông, họ không chỉ cần đảm bảo mức độ xuất hiện mà còn phải đảm bảo chất lượng và hình ảnh cho thương hiệu trong những lần xuất hiện, những vấn đề như việc tài trợ này và những tranh cãi không cần thiết chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu của họ.

Nói một cách công bằng, việc một nhãn hàng tài trợ cho các đội tuyển có thành tích thi đấu tốt là điều tất nhiên, không cần giải thích, không cần biện minh. Việc họ đưa ra thông báo chính thức (bằng cách thông báo trên fanpage) tự đưa họ vào một "cuộc chiến" không cần thiết và đầy rủi ro với PVB như vậy. Nó khiến cho hình ảnh của Phong Vũ không còn là một doanh nghiệp nghiêm túc, đẳng cấp đang tài trợ cho eSports.

Đó là còn chưa kể đến các rủi ro nếu PVB phản kèo, chưa cần biết đúng sai, nội việc thương hiệu Phong Vũ bị lôi vào những cuộc khẩu chiến như vậy đã là có hại cho thương hiệu của họ rồi.

Nhìn rộng ra, trên thế giới, không một nhà tài trợ thể thao nào làm vậy dù những vụ lật kèo diễn ra rất nhiều. Kể cả trong những vụ "trắng trợn" nhất, thì thông báo từ các hãng cũng chỉ chung là kiểu "không còn hợp tác bởi định hướng khác nhau" hoặc là những lời cảm ơn cho quá trình hợp tác vừa qua. Kể cả khi hai bên phải kéo nhau ra tòa thì những thông tin chi tiết kiểu này ít khi được tiết lộ với truyền thông hoặc nếu có, tiết lộ một cách ẩn ý và khéo léo chứ không phải dạng thông cáo chính thống như thế này.

Nếu đây là một hành động tính toán của PV, chắc chắn họ cần chuẩn bị sẵn phương án cho các hành động tiếp theo. Nếu không? Có lẽ họ cần chấm dứt ngay nhưng hành động như thế này.

Vậy đáng lẽ Phong Vũ phải làm gì?

Một lựa chọn tốt hơn là Phong Vũ sử dụng một tài khoản cá nhân liên quan đưa ra câu chuyện này, chắc chắn hiệu quả truyền thông cũng sẽ tương đương việc họ sử dụng fanpage chính thống như vậy và sẽ phần nào đó tránh các rủi ro không cần thiết.

Một lựa chọn khác là một lời cảm ơn dành cho PVB. Rõ ràng, hiệu quả truyền thông mà họ mang lại cho Phong Vũ là rất tốt với giai đoạn thành công tột bậc của mình. Việc này sẽ đảm bảo hình ảnh của Phong Vũ.

Phong Vũ bị cuốn vào vòng xoáy drama, sự cư xử trẻ con hay có tính toán kĩ lưỡng từ trước? - Ảnh 3.

PVB là một thành công ngoài mong đợi của Phong Vũ, vậy một lời cảm ơn đâu phải quá đáng?

Tất nhiên, sự việc xuất phát từ sự hành xử vô cùng nghiệp dư từ phía DBL, tuy nhiên, đây sẽ là chủ đề trong bài viết kỳ sau.