Bí mật từ xưa đến nay luôn là một phần tất yếu gần như trong bất kì tựa game nào. Chúng khiến cho người chơi liên tục đặt ra những câu hỏi mà để trả lời, họ không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục tiến lên phía trước. Điều này đặc biệt đúng khi áp dụng với nhân vật game, dù là chính hay phụ, tốt hay xấu.
Chính vì sự xuất hiện ngày càng nhiều của kiểu nhân vật này, cộng đồng người chơi đã bắt đầu trở nên "cảnh giác" và để ý tới các tìm kiếm manh mối trước khi nhà phát triển lật bài. Kể từ đó mọi thứ bắt đầu trở nên rối tung, khi những bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa 2 nhân vật X và Y càng lúc càng trở nên rõ như ban ngày.
Sau đây là một số những giả thuyết được các game thủ đưa ra cho rằng nhân vật này thực ra là nhân vật khác, dựa trên những đầu mối cụ thể có trong game. Những giả thiết như vậy thực sự làm cho các nhân vật trở nên thú vị hơn trước rất nhiều.
Gordon Freeman là G-Man
Không, không phải vì tên của họ cùng bắt đầu bằng “G” và kết thúc với “man” mà còn có một số bằng chứng khác nữa. Trong cả Half Life 1 và 2, G-Man luôn bám đuôi sau Gordon, xuất hiện sau những cánh cửa bị khóa và trên nóc các tòa nhà cao tầng. Theo như ta thấy, hắn cũng chưa bao giờ tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài Gordon, và cũng không có ai khác chú ý hay nhận ra hắn. Điều này khiến ta phải đặt ra một câu hỏi: Gordon có gì đặc biệt mà G-Man lại phải trông chừng kĩ càng như vậy? Nghi vấn này dẫn đến giả thiết: G-Man luôn xuất hiện bên cạnh Gordon, vì hắn chính là Gordon.
Có vài người cho rằng G-Man chính là Gordon trong tương lai, quay về quá khứ để đảm bảo sự tồn tại của bản thân hoặc sửa chữa sai lầm nào đó. Còn có người lại đoán G-Man là một nhân cách thứ 2 của Gordon, thực hiện những thứ điên rồ mà thực ra lại chính do Gordon làm. Giả thuyết này có vẻ bị hụt hơi khi ở Half Life 2: Episode 2, G-Man bắt đầu có sự tương tác với những nhân vật khác.
Dark Link là Hero’s Shade
Trong Legend of Zelda: Ocarina of Time, Link bước vào một vùng không gian trắng xóa vô tận và chiến đấu với phiên bản đen tối của chính bản thân mình. Trong Legend of Zelda: Twilight Princess, Link cũng xuất hiện trong một vùng không gian trắng xóa và chiến đấu với một bộ xương kì lạ. Trùng hợp đến mức đáng ngờ phải không?
Bên cạnh đó, còn có một số điểm tương đồng khác giữa Dark Link và Hero’s Shade. Cả 2 đều có một mối liên hệ với phần xấu xa trong Link, và anh phải chiến đấu chống lại chúng để tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn. Hero’s Shade tượng trưng cho sự tiếc nuối của Link khi không được nhắc đến như một vị anh hùng, và còn ai sẽ bất mãn hơn khi phải sống núp dưới cái bóng của Link hơn là chính cái bóng đó? Cuốn Hyrule Historia đã gián tiếp phủ nhận giả thiết này, nhưng dù sao, đây cũng là một ý tưởng không tồi chút nào.
Jubileus và Sheba là 2 nửa khác nhau của một chủ thể
Với những ai chưa từng chơi Bayonetta thì trước tiên cần phải làm rõ một điều thế này: game không phải chỉ nói về một cô nàng xinh đẹp với đầy súng ống và không mặc quần áo, mà còn có cả phép thuật nữa. Nói đúng hơn, phép thuật trong game nằm trong tay của các Lumen Sages và Umbra Witches, sống ở 2 thế giới ánh sáng và bóng tối. Các thế giới này được cai trị lần lượt bởi nữ thần ánh sáng Jubileus và nữ hoàng ác ma Sheba, và các fan hâm mộ cho rằng 2 nữ thần này thực ra là 2 nửa khác nhau của thực thể duy nhất.
Ý tưởng này cũng rất phù hợp với thần thoại của game vốn cho rằng 3 thế giới trong game trước đây vốn chỉ là một nhưng sau đó đã bị chia cắt. Jubileus và Sheba cai trị 2 thế giới trong đó, sở hữu những sức mạnh giống nhau cùng vẻ ngoài cũng tương đồng ngoại trừ màu sắc khiến nhiều fan cho rằng khi thế giới bị chia cắt, vị thần cai trị thế giới đó cũng bị phân tách theo. Với tinh thần “ánh sáng và bóng tối là một” của game, giả thuyết này có tính thuyết phục rất cao.
Các khối hộp Companion từng là con người
Đa số người chơi có lẽ sẽ đều mỉm cười khi nghe câu thoại châm biếm của GLaDOS trong Portal về khối hộp Companion Cube “chúng sẽ không bao giờ dọa đâm bạn, và thực tế chúng còn không thể nói” - nhưng không mấy để tâm vì cho rằng nó chỉ đơn giản là câu nói đùa. Cho đến khi những chiếc hộp này bắt đầu thực sự có thể nói trong Portal: Lab Rat, nhiều người vẫn cho rằng đó chỉ là do chứng tâm thần phân liệt của Ratmann.
Nhưng như vậy chưa đủ để khiến những nhà "game giả" tài ba cảm thấy thuyết phục, và họ có một giả thuyết hoàn toàn khác: những khối hộp Companion chính là những gì còn sót lại của các nhà khoa học và đối tượng thử nghiệm từng có mặt ở phòng thí nghiệm Aperture. Thoạt nghe có vẻ lố bịch, nhưng nó lại tỏ ra hợp lý với những gì xảy ra trong game. Đầu tiên, những chiếc hộp Companion của Ratmann thường đưa ra những lời khuyên rất hợp lý khiến chúng khó có thể chỉ là sản phẩm tưởng tượng.
Tiếp đến, phòng thí nghiệm Aperture còn được biết đến với nhiều thí nghiệm cố gắng đưa ý thức con người vào các vật thể vô tri vô giác. Chưa hết, bạn còn có thể nhận ra Ratmann đã dán đè những tấm ảnh chụp Companion Cube lên hình của các nhân viên Aperture, một vài tấm còn kèm theo dòng chữ RIP. Đến đây, hãy nghĩ lại về câu nói của GLaDOS “Ở đây có cả một nhà kho đầy những chiếc hộp Companion, thứ hoàn toàn vô dụng” cùng đoạn mở đầu Portal 2 - Bạn đã cảm thấy dòng chữ WTF xuất hiện chưa?
Gengar là cái bóng của Clefable
Với một dòng game có tới gần 700 loại sinh vật khác nhau như Pokemon, nhiều khả năng một số sẽ bị trùng lặp, như sự giống nhau giữa Pikachu và Dedenne. Có người cho rằng, sự giống nhau giữa Clefabe và Gengar hoàn toàn chỉ là trùng hợp, nhưng có thực sự chỉ đơn giản như vậy không?
Đúng là vẻ ngoài của Clefable và Gengar rất giống nhau: đôi tai nhọn, có gai ở phía sau, hình dáng cơ thể. Về tính cách, chúng đối lập với nhau hoàn toàn: Clefable là một Pokemon vui vẻ, hay mắc cỡ, tránh xa các đám đông hết mức có thể, còn tên Gengar nham hiểm lại chuyên tìm con người để tra tấn họ. Cả 2 đều có mối liên hệ đặc biệt với mặt trăng – Clefable dùng Moon Stone để tiến hóa, và được cho rằng sẽ ra khỏi chỗ ẩn nấp vào những đêm trăng, còn Gengar thì lại phá phách mạnh nhất vào những đêm trăng tròn. Thậm chí, giả thuyết này còn được củng cố hơn khi Gengar được biết đến là một "Shadow Pokemon".