Game và lịch sử “quay cóp”

PV  | 27/03/2012 10:00 AM

Chúng ta vốn đã không còn lạ gì với những thuật ngữ như "đạo nhạc", "đạo văn", nhưng còn "đạo game" thì sao? Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem thủ thuật photocopy đã xuất hiện từ bao giờ trong ngành công nghiệp game.

Chúng ta đã được chứng kiến sự phát triển với một tốc độ chóng mặt của ngành công nghiệp game và có thể nói rằng mỗi trò chơi là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, là sự kết tinh trí óc và sự tưởng tượng không giới hạn của loài người. Và một khi có một tác phẩm nghệ thuật gây được sự chú ý của xã hội thì sẽ có những phiên bản ăn theo từ việc giống nhau như hai giọt nước cho tới việc thay đổi một số cấu tạo dựa trên khung xương có sẵn.

Có nhiều phiên bản ăn theo đã chịu khó tìm tòi, sáng tạo ra những nét mới mà phiên bản gốc không có, biến nó trở thành đặc trưng của mình và giúp cho người chơi có thêm nhiều lựa chọn hơn khi tham gia thế giới game. Nhưng cũng không ít những màn “quay cóp” đã tạo nên làn sóng “thảm họa” giống như nhóm nhạc HKT đã từng làm với nền âm nhạc Việt Nam…
 
 
Và hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem thủ thuật “photocopy” đã xuất hiện từ bao giờ trong ngành công nghiệp game.

Quay trở lại thời kì sơ khai của game vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, lúc này, hãng Magnavox Odyssey đã bắt đầu đặt nền móng cho cả một ngành công nghiệp với trò chơi Bóng Bàn trên hệ máy console. Tuy nhiên, do gần như là người đi tiên phong trong lĩnh vực này nên trò chơi của hãng còn khá sơ sài và chưa thật sự ấn tượng.
 
 
3 năm sau, Pong của Atari ra đời với cách chơi khá giống với Bóng Bàn của Magnavox Odyssey những đã có một chút thay đổi. 2 “cục gạch” ban đầu đã được thay bằng 2 thanh dài dễ dàng hơn cho việc đỡ bóng. Thêm vào đó hệ thống tính điểm cũng đã xuất hiện thay cho việc ngồi đỡ bóng một cách vô nghĩa. Ngay lập tức, Pong trở thành một cơn sốt vào thời bấy giờ và chính thức mở ra thời kì phát triển cho ngành công nghiệp game.

Tuy nhiên Magnavox Odyssey đã để ý đến sự thành công ngoài mong đợi của Pong và muốn kiện Atari vì đã ăn cắp bản quyền trò chơi của mình. Atari cho rằng mình có thể thắng trong vụ kiện nhưng chi phí sẽ lên tới 1.5 triệu USD. Sau đó, Magnavox Odyssey đã đưa ra cho Atari một đề nghị về việc bán bản quyền trò chơi với mức giá 700,000 USD và Atari đã chấp nhận. Kết thúc màn “quay cóp” đầu tiên trong lịch sử.

Vụ việc trên thực sử chẳng nhằm nhò gì so với vụ tranh cãi dưới đây. Cái tên The Great Giana Sisters có làm bạn liên tưởng đến cái tên nào không? Nếu để ý một chút thì bạn sẽ nhận ra cái tên này lấy cảm hứng từ Super Mario Bros. Đến cả cái tên mà họ còn nhái gần như nguyên vẹn thì bạn có hiểu được phần nào về mức độ nhái trong đồ họa và gameplay.
 
 
Cũng đập gạch, cũng nhảy lên đầu quái vật để tiêu diệt chúng, cũng có những ô bí mật để ăn thuốc tăng lực. Có khác chăng chỉ là vì trí sắp xếp của nhưng ô gạch và một chút thay đổi trong phong cảnh của trò chơi. Ngay lập tức, bộ phận pháp lý của Nintendo đã khiến cho The Great Giana Sisters phải ngừng sản xuất và buôn bán. Một cái giá quá đắt cho việc dám giỡn mặt với Nintendo…

Đến với những năm 90, kỉ nguyên vàng của những màn đạo game, chúng ta sẽ cùng xem qua vụ việc của một trong những tựa game đối kháng nổi tiếng nhất mọi thời đại: Street Fighter.
 
Fighter’s History là một bản nhái kém chất lượng của Street Fighter với số lượng nhân vật ít ỏi, đòn đánh đặc biệt duy nhất được copy từ những chiêu thức cuối cùng trong chuỗi combo của các nhân vật trong Street Fighter 2.
 
 
Capcom ngay lập tức phản ứng với sự hiện diện của trò chơi bằng việc kiện Data East đã ăn cắp hình mẫu các nhân vật của mình. Bào chữa cho mình, Data East khẳng định rằng hình mẫu nhân vật của hai trò chơi đều có chung nguồn gốc là nền văn hóa Nhật Bản do đó việc các nhân vật trong game có giống nhau cũng là điều dễ hiểu. Với lí lẽ quá chắc chắn như vậy, Capcom đành ngậm ngùi chịu thua trong vụ kiện.

Chúng ta vừa cùng điểm lại những vụ “đụng hàng” tiêu biểu trong thời kì sơ khai của ngành công nghiệp game. Game không chỉ là một loại hàng hóa mà đó còn là một loại hình nghệ thuật, là sự kết tinh trí óc của bao nhiêu con người trong đó. Việc tiếp thu thành quả của những người đi trước và sáng tạo là một điều đáng trân trọng nhưng phải được sự đồng ý của người sở hữu. Còn việc đạo game, ăn cắp trắng trợn công sức lao động của người khác dưới bất kì hình thức nào hay mục đích nào đều không thể chấp nhận được.
 
Theo: IGN