Game thủ Việt và nạn "treo đầu dê bán thịt chó"

Maestro  | 03/03/2011 02:00 PM

Trong việc này, người có lỗi là các game thủ "cả tin" và quá mơ mộng.

“Treo đầu dê bán thịt chó” là vấn nạn không chỉ tồn tại trong riêng ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, hai thái cực của nhà phát hành và người tiêu dùng thì mỗi bên đều có có cái lí của riêng mình. Nhà phát hành muốn “khoe khéo” để che đi khuyết tật trong sản phẩm của mình và cố gắng “nói dối” thật ít để “dụ” game thủ mua càng nhiều game càng tốt. 


Khi “ván đã đóng thuyền” thì dù ức chế đến mấy bạn cũng chẳng thể đem trả đĩa game. Những game thủ nước ngoài, mua đĩa game chính hãng với giá lên tới vài chục USD chỉ còn biết “tẩu tán” đĩa game tại các đại lý bán lẻ, thu mua game cũ như GameStop. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì phần đông game thủ có tâm lý khác và cũng có những cách hành xử riêng.

Nhiều người mê game cố gắng tìm mua đĩa game ngay khi nguồn đĩa lậu đến tay các cửa hàng bán lẻ, một số người còn theo dõi sát sao để download bản game bị leak từ trên mạng trước ngày phát hành đến cả một tuần. Tuy nhiên, đôi khi thì sự háo hức của các game thủ này chỉ kéo dài trong khoảng thời gian chờ đợi bởi chất lượng thực của trò chơi kia lại không được như ý.


Một số trường hợp đặc biệt, bạn mua về một tựa game rất hay nhưng bản thân lại không thấy “hợp gu” thì đành phải chịu vì dù sao chính game thủ là người đưa ra quyết định sai trong việc chi tiền của mình. Còn lại, nỗi thất vọng của game thủ trước những game được quảng cáo “rất kinh” nhưng chất lượng thấp thì lại được quyết định bởi những yếu tố khác.

Game dở được marketing hay là chuyện thường tình. Không nhiều người có thể tìm ra bằng chứng về việc quảng cáo sản phẩm với nội dung sai lệch của nhà sản xuất để kiện lại. Tuy nhiên, đã từng càng háo hức mong chờ thì khi thất vọng sẽ càng hụt hẫng. Đây là tâm lý chung của game thủ Việt Nam cũng như bạn bè năm châu. Mặc dù vậy, game thủ Việt không phải quan tâm quá nhiều tới ví tiền của mình khi đầu tư cho game.


Một game được bán với giá vài chục nghìn cho đến khoảng 100 nghìn VNĐ (nhiều đĩa) dù sao vẫn là mức giá quá rẻ so với giá gốc lên tới 60 USD của đĩa xịn. Thế nên, nếu có trót mua phải trò chơi không ưng ý thì nhiều người cũng chỉ ném nó vào một góc hoặc cho bạn bè mượn rồi không thèm nhớ lại nữa. Một số người chơi khác thậm chí còn chẳng cần mua đĩa vẫn có thể chơi game.

Với dung lượng khoảng gần 10 GB của game ngày nay thì việc ra ngoài hàng net cắm máy download khoảng vài tiếng là đã xong. Nhiều game thủ thích cầm ổ cứng ra ngoài và tranh thủ làm vài hiệp DotA trong khi chờ đợi trò chơi mình mong chờ được tuồn xuống từ internet. Đây là biện pháp kinh tế hơn hẳn bởi tổng chi phí có thể chưa tới 10 nghìn VNĐ.


Xét cho cùng, game thủ Việt mang một cái nhìn hời hợt hơn về game so với những game thủ ở nước ngoài một phần lớn là vì họ chẳng phải bỏ nhiều tiền để mua game. Một số ít game thủ Việt bỏ tiền túi để mua đĩa game xịn hoặc mua qua Steam thì đều là những người đã có thu nhập và muốn được tận hưởng như chi tiết như phần chơi mạng hoặc sự hỗ trợ từ nhà phát hành.

Những game thủ này cũng có kiến thức, kinh nghiệm và đầu tư kha khá thời gian cho việc theo dõi thông tin game. Họ nhận biết được thế nào là một game hay, một game dở và không bị mê hoặc bởi những lời lẽ marketing của nhà sản xuất. Trước khi game ra mắt họ sẽ bỏ thời gian chơi thử demo trước khi có quyết định mua game hay không bởi dù sao 60 USD cũng là một khoản tiền cần được cân nhắc trước khi đầu tư.


Bộ phận người chơi chấp nhận bỏ nhiều tiền ra để mua game chính hãng được trải nghiệm thứ tinh túy trong các game ngày nay - phần chơi mạng. Game thủ sử dụng đĩa lậu để chơi game trái phép thì lại mới chỉ chạm được vào “cái vỏ” của mỗi trò chơi điện tử. Cốt truyện hay đồ họa cũng chưa phải là giá trị cốt lõi của một tựa game, thứ cần nói đến phải là gameplay và giá trị lâu dài.

Không nhiều trò chơi có được “vế sau” của nhận định trên. Tuy nhiên, những trò chơi dám quảng bá bằng chính gameplay của mình và tích cực giải thích cho game thủ hiểu họ đã đầu tư thế nào cho gameplay của sản phẩm mình đang phát triển thì lại rất dễ nhận diện. Diablo III, các series game đình đám của Nintendo như Zelda, Donkey Kong... đều chẳng cần marketing nhiều mà vẫn có doanh số cao ngất ngưởng.


Để chốt lại, trong câu chuyện thất vọng vì nạn “treo đầu dê bán thịt chó”, lỗi không nằm ở đơn vị marketing vì xét cho cùng họ cũng chẳng phạm pháp. Người có lỗi và người chịu thiệt phải là các game thủ cả tin. Một người nên tự biết trang bị cho bản thân một lượng kiến thức nhất định để tự thẩm định game theo sở thích của mình. Nếu không có thời gian thì bạn có thể nghe theo lời của những đơn vị có uy tín.

Đừng giống như những “con cừu non” răm rắp nghe theo những lời đường mật của các đoạn phim quảng cáo rồi lại quên mất những “mảng tối” đằng sau mỗi sản phẩm. Nếu bạn giỏi tưởng tượng hay mơ mộng thì nên đọc tiểu thuyết fantasy và đừng chơi game nữa bởi loại hình kia mới là thứ đem lại nhiều cảm giác bay bổng nhất. Game là sản phẩm của một ngành công nghiệp thực tế và thực dụng hơn thế nhiều.