A Virus Named Tom
Nhà phát triển: Misfits Attic
Ngày phát hành: 01/08/2012
Thể loại: Puzzle
Ưu: Sự kết hợp tuyệt vời giữa các thể loại quen thuộc với nhau. Có tính thử thách cao. Chế độ coop hấp dẫn
Nhược: Versus mode còn hơi nhàm chán. Khó kiếm người chơi online. |
Với 1 cái tựa như "A Virus Named Tom", bạn có thể sẽ phân vân không biết liệu có nên cài game vào chiếc PC thân yêu của bạn không. Đừng lo, ngoài việc hoàn toàn không nguy hiểm, A Virus Named Tom còn mang đến cho bạn những giây phút thư giãn rất sảng khoái và thú vị. Hơn nữa, sự triển khai khéo léo dựa trên gameplay puzzle biến game trở thành một cái gì đó mà bạn chưa từng được trải nghiệm: một sự kết hợp khá kì lạ, nhưng cũng không kém phần thử thách giữa Pac-Man và những game lắp ông nước để kết nối các điểm với nhau khá quen thuộc.
Khó hiểu quá phải không? Được rồi, đây là nội dung chi tiết của game: Bạn đóng vai một chú virus nhỏ, xâm nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của một tập đoàn lớn và cố gắng phá hoại, gây hỏng hóc hệ thống đó. Bạn làm vậy không phải vì bạn là kẻ xấu, mà bởi vì người tạo ra bạn, một nhà khoa học điên, muốn trả thù công ty vì đã sa thải hắn.
Mục tiêu của bạn là xoay những đường ống cố định để kết nối các hub với nhau, tạo thành một chuỗi liên hoàn. Lúc đầu, việc này cực kì dễ dàng, và bạn chỉ phải làm sao càng nhanh càng tốt để đạt được điểm cao hơn hay để không bị hết thời gian. Nhưng về sau, mọi thứ càng lúc càng trở nên khó khăn khi tập đoàn đã khám phá ra sự hiện diện của bạn và tìm mọi cách để ngăn chặn bạn.
Họ tung những đoạn chương trình con vào hệ thống (nhìn giống như những con nhện tí hon), đi tuần loanh quanh và sẽ giết bạn nếu chạm vào bạn. Càng chơi, những chương trình này càng trở nên khó hơn, nhanh hơn và thông minh hơn. Ngoài ra, bạn còn phải đối đầu với những sự phòng thủ khác: mã hóa, ví dụ như, làm cho bạn không thể nhìn thấy được hình dạng của một chi tiết cho tới khi bạn kết nối nó đến một hub, hay những con virus cạnh tranh khác mà bạn phải dùng bom hẹn giờ để tiêu diệt.
Độ khó trong A Virus Named Tom tăng lên rất nhanh, và các level cuối có thể sẽ khiến cho những người chơi thông thường vò đầu bứt tai trong tuyệt vọng. Tuy vậy, bạn có thể hoàn thành những level bằng nhiều cách khác nhau. Với điều này, game có giá trị chơi lại khá lớn và ít gây nhàm chán.
Nếu bạn cảm thấy việc hoàn thành những level trong game quá khó khăn, A Virus Named Tom cho phép bạn chơi coop cùng tối đa 3 người bạn để hoàn thành nhiệm vụ. Và đây cũng là một mảng rất đáng chơi của game. Bạn có thể chia việc ra: 1 người đánh lạc hướng/ tiêu diệt lũ chương trình con trong khi những người khác lo việc kết nối các hub. Hay bạn cũng có thể chia bản đồ ra nhiều phần và mỗi người lo một khu vực – dù sao thì, game cũng thường xuyên buộc bạn phải làm điều này bằng các lá chắn từ trường.
Dù theo kiểu nào, thì việc phối hợp ăn ý, timing chuẩn xác, và quan trọng nhất, một kế hoạch hợp lý sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu. Một điều khá đáng thất vọng là bạn khó có thể tìm được người chơi online, thế nhưng dù sao thì, với một game đòi hỏi sự phối hợp ăn ý và phức tạp thế này, chơi local với bạn bè vẫn là lựa chọn tốt nhất.
Mảng coop trong A Virus Named Tom thật sự rất hấp dẫn và thú vị, nhưng nếu bạn mệt mỏi với việc hợp tác, bạn có thể cùng bạn bè tham gia vào một trận versus. Nhìn chung, mode này của game là sự kết hợp giữa Bomberman và cờ vây của Trung Quốc, với mục tiêu là cố gắng bao vây một vùng diện tích, lock nó lại, và sử dụng những “glitch bombs” để làm nổ tung địch thủ của bạn. Cách duy nhất để unlock vùng lãnh thổ là tấn công lại địch thủ bằng những quả glitch bomb, vì vậy, mode này chủ yếu đòi hỏi người chơi đưa địch thủ rơi vào những cạm bẫy hiển nhiên và đòi hỏi rất ít chiến thuật, mánh lới. Điều này làm versus mode của game trở nên hơi “thiếu muối”, và không thể so sánh được với mảng co-op hay singleplayer.
A Virus Named Tom là một ví dụ rất tích cực của một game được tạo ra bằng cách kết hợp những gameplay quen thuộc với nhau. Nếu xét một cách riêng rẽ, không có phần nào của game là thật sự mới mẻ cả, nhưng khi được đặt chung với nhau đã tạo nên một tựa game puzzle rất thành công, đòi hỏi ở người chơi cả phản xạ và đầu óc suy luận.
Theo IGN.com