- Theo Helino | 16/12/2019 11:59 PM
Trước sự thành công không được như mong đợi của Oculus Go, một phiên bản kính thực tế ảo không dây, không cần máy tính hỗ trợ, và được đóng gói như một combo android phone + vr box rất nhạt nhòa, chẳng có nhiều ứng dụng thú vị thì Oculus trong năm nay lại cực kì xuất sắc với Oculus Quest bên cạnh phiên bản có dây Oculus Rift S.
Sự phát triển thầm lặng của loại hình giải trí thực tế ảo là không thể phủ nhận. Bằng chứng rõ ràng cho thấy là việc facebook/oculus hay htc vive và hàng loạt các nhà phát triển kính thực tế ảo khác vẫn liên tục nghiên cứu và cho ra đời những phiên bản kính thực tế ảo không chỉ mạnh mẽ mà còn ngày một tiện lợi hơn, vượt qua nhiều giới hạn đã cản trở sự phát triển của loại hình này trong nhiều năm. Và trong tương lai không xa, có lẽ chúng ta sẽ không hoàn toàn có thể hòa mình trong thế giới ảo một cách tự do và làm chủ được không gian ảo đó.
Quay trở lại thiết bị VR xuất sắc nhất năm 2019, Oculus Quest, ít nhất thì Facebook/Oculus đã đưa thực tế ảo đi xa hơn rất nhiều với việc loại bỏ dây và máy tính để hỗ trợ xử lý. Ban đầu, chúng tôi vẫn còn nghi ngờ về tính thực tế của Oculus Quest cho đến khi được trên tay. Mọi lo lắng về vấn đề trải nghiệm đều tan biến.
Xét về thiết kế, Oculus Quest trông có vẻ nhỏ gọn hơn Oculus Rift S, một phiên bản có dây xuất hiện cách đây cũng không lâu lắm. Chiếc Quest có ngoại hình với mặt ngoài bo tròn thân thiện hơn, phần khung được giữ nguyên để khóa tầm nhìn của người dùng lại phía trong không gian của thấu kính và màn hình. Các dây đai vẫn vậy, chắc chắn và có độ hoàn thiện cao để khi đeo lên đầu, sự mềm mịn sẽ xua tan đi những khó chịu bên trong không gian chật hẹp của kính.
Oculus Quest sở hữu màn hình có độ phân giải 1440 x 1600, tức là mật độ pixel cao hơn FHD một chút xíu, tần số quét 72Hz và được hỗ trợ để bao quát tầm nhìn của người sử dụng thông qua 2 thấu kính.
Trên thực tế, khả năng xử lý của Oculus Quest vẫn chỉ là hiệu năng của một thiết bị di động với con chip Qualcom Snapdragon 835 đã từng xuất hiện trên nhiều mẫu điện thoại cao cấp cách đây chừng…2 năm. Và hệ điều hành được Oculus Quest sử dụng vẫn chạy trên nền mã nguồn Android. Tuy nhiên các bạn đừng lo vì nó đã được tối ưu hóa với mục đích sử dụng duy nhất là dành cho VR chứ không phải một chiếc điện thoại di động nên nó sẽ rất nhẹ nhàng và dành nhiều sức mạnh để tập trung xử lý ứng dụng VR hơn.
Điểm hay ho nhất của Oculus Quest để biến mình trở thành một chiếc kính VR mạnh mẽ đó chính là hệ thống cảm biến đặt ngay trên kính cũng giống như trên Oculus Rift S. Điều này cho phép Oculus Quest có được hệ thống cử động như trên Rift S. Và tay cầm của Rift S và Quest cũng hoàn toàn có thể tráo đổi cho nhau. Điều này đồng nghĩa với việc Quest chẳng khác gì phiên bản nhỏ gọn hơn của Rift S đã thế lại còn không dây nữa!
Chưa hết, Facebook/Oculus còn có một tính năng vô cùng quan trọng mang tên Oculus Link giúp kết nối Quest với máy tính thông qua cổng USB type C trên chiếc kính và chơi được các game VR trên nền Windows một cách hoàn hảo như một chiếc Rift S
Khoan đã! Nếu Quest mạnh mẽ như vậy thì đây sẽ là dấu chấm hết cho Rift S?
Ở thời điểm hiện tại thì câu trả lời là không. Oculus Rift S vẫn là một phiên bản cung cấp trải nghiệm VR hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Màn hình của Rift S có độ phân giải và độ mịn cao hơn. Và tất cả là nhờ 1 thứ mà Quest không có, đó là sợi dây cáp tín hiệu. Trong khi Oculus Rift S cần đến 2 kết nối đều có tốc độ cao là USB 3.0 và Display Port thì Oculus Quest chỉ cung cấp có 1 kết nối USB Type C duy nhất. Xét về mọi mặt, kết nối trên Oculus Quest đều không thì bì kịp Oculus Rift S về mặt băng thông và do đó chất lượng hình ảnh nhìn chung sẽ không thể bằng. Đấy là chưa tính đến việc các sợi cáp tín hiệu USB 3.0 Type C xịn xò nhất hiện nay trên thị trường vẫn chưa thể đáp ứng được khả năng truyền dẫn tín hiệu để chiếc Oculus Quest này có thể hoạt động hết khả năng mà nó có thể làm được. Chúng ta vẫn sẽ phải chờ một thời gian ngắn nữa cho đến khi Oculus chính thức mở bán sợi cáp dài 5m bằng sợi quang để giúp Oculus Link hoạt động chuẩn nhất.
Một trong những điểm yếu nhỏ của Oculus Quest là khả năng phát triển ứng dụng. Sở hữu nền tảng di động với một hệ điều hành riêng không phải là điều dễ dàng khi phát triển ứng dụng trên Oculus Quest. Trong khi với nền tảng đã rất quen thuộc là Windows, bạn đã có thể vọc vạch rất nhiều thứ trên những ứng dụng Oculus Rift và Rift S. Còn với Oculus Quest, điều đó không phải là không thể nhưng sẽ kém linh hoạt hơn và thực sự thiếu thốn.
Vậy thì Oculus Quest có đáng mua? Câu trả lời vẫn là có nếu bạn muốn xem kính thực tế ảo như một phương tiện giải trí và thể thao thực sự chứ không quá đặt nặng vấn đề chất lượng thì Oculus Quest hoàn toàn có thể trở thành thiết bị dành cho bạn. Đặc biệt là khi sợi cáp tín hiệu dành cho tính năng Oculus Link được bán ra thì chiếc Quest thực sự là một thiết bị VR toàn diện.
Bên cạnh hệ thống thư viện dành riêng cho Oculus Quest một số ứng dụng được các nhà phát triển độc lập phát hành miễn phí cho Quest trên trang https://sidequestvr.com/ giúp những người đang sở hữu có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.
Đối với những người đang sở hữu Rift như tôi, việc nâng cấp lên Rift S để tối ưu trải nghiệm hay trở nên tiện lợi hơn với Quest quả thực là rất đau đầu. Đặc biệt là khi thư viện trò chơi của Rift và Rift S là không hề dành cho Quest mà bạn phải mua ứng dụng riêng nên hãy coi đó như một trong những điểm cần cân nhắc.
Để tham khảo thêm các loại kính VR được nhắc đến trong bài, game thủ có thể truy cập link ở đây.