Trong lĩnh vực hệ điều hành cho máy tính, Windows và Microsoft dường như chưa có đối thủ xứng tầm. Hầu hết các hãng sản xuất PC, laptop lớn trên thế giới (trừ Apple) đều coi Windows là hệ điều hành mặc định cho sản phẩm của mình. Cho dù thị phần đã giảm bởi sự cạnh tranh gay gắt nhưng Windows của Microsoft hiện vẫn đang là số một trong thị trường hệ điều hành.
Không ai bàn cãi về sự "thống trị" của Windows trên thị trường hệ đình hành dành cho PC. Nhưng tại sao, "người khổng lồ" của giới công nghệ không tận dụng điều này để sản xuất máy tính?
Microsoft nói không với thị trường sản xuất PC
Có khá nhiều nguyên nhân khiến cho người ta đặt ra câu hỏi tại sao trong suốt vài thập kỷ qua, Microsoft chưa bao giờ đặt chân vào thị trường sản xuất máy tính - lĩnh vực dường như rất hợp với hãng. Nhiều người cho rằng hiện nay thị trường PC không còn quá màu mỡ nhưng thời điểm trước năm 2005 khi thị trường máy tính cá nhân thực sự là một "mỏ vàng" khổng lồ với nhu cầu tăng nhanh theo từng năm.
Đương nhiên, những yếu tố như vốn, công nghệ, con người dường như không phải là vấn đề với Microsoft dù thực sự Microsoft là một tập đoàn chuyên sản xuất phần mềm. Với tiềm lực tài chính của mình, Microsoft thừa sức mua lại một công ty sản xuất máy tính lớn. Hãy nhớ, Microsoft hiện là tập đoàn công nghệ lớn thứ hai trên thế giới với giá trị thị trường khoảng hơn 200 tỷ USD.
Với việc nắm "linh hồn" của các sản phẩm máy tính, Microsoft chắc chắn sẽ có lợi thế lớn khi sản xuất các thiết bị này. Vậy câu hỏi một lần nữa lại được đặt ra: Tại sao họ vẫn nói không với PC?
Lợi nhuận quá lớn từ việc bán phần mềm cho các hãng thứ 3
Vì sao Microsoft Windows và một số sản phẩm khác của hãng đang trở thành "chuẩn" của thế giới? Đương nhiên, một phần là do chất lượng tuyệt vời của chúng nhưng lý do quan trọng hơn là các hãng phần cứng, phần mềm đang gián tiếp "quy định" Windows là HĐH "chuẩn" thông qua việc sản xuất thiết bị. Thật vậy, hầu hết các PC và thiết bị hiện nay đều được sản xuất để tối ưu hóa với Windows (tất nhiên, trừ Apple). Thêm vào đó, các hãng phần mềm lớn trên thế giới cũng đều cố gắng thiết kế sản phẩm của mình có thể hoạt động với HĐH này.
Nguyên nhân nào khiến cho các hãng "trung thành" với Windows đến vậy? Vì Windows tốt ư? Không hẳn. Lý do chính nằm ở lượng người dùng khổng lồ của Windows. Quan hệ phức tạp của Microsoft và giới sản xuất phần cứng xuất phát từ đây và đó cũng chính là nguyên nhân lớn nhất khiến cho Microsoft không bao giờ "mon men" đến gần thị trường PC.
Ai cũng biết doanh thu chủ yếu của Microsoft đến từ việc bán bản quyền phần mềm và cụ thể hơn, là bán hệ điều hành cho các hãng sản xuất máy tính. Để giữ vững doanh thu và sự phát triển, Microsoft buộc phải giữ vững vị thế số một trên thị trường HĐH của mình.
Điều này sẽ khiến cho các hãng phần mềm, phần cứng tiếp tục coi Windows là "chuẩn" và làm cho sản phẩm của họ hoạt động tốt với HĐH này. Người dùng tiếp tục lựa chọn Windows và do đó, họ sẽ mua các thiết bị phần cứng trang bị hệ điều hành của Microsoft và các phần mềm tương thích với nó. Cuối cùng, cái vòng luẩn quẩn mà Microsoft đang là người có lợi nhất này vẫn cứ tiếp tục và đương nhiên, có "điên" họ mới chấm dứt điều này.
Mấu chốt của vấn đề của Microsoft là phải giữ quan hệ tốt và buộc các hãng sản xuất máy tính lớn tiếp tục coi Windows là HĐH của mình. Vậy làm thế naoào để thực hiện được điều này và chiếm được sự tin tưởng của các đối tác? Đó là Microsoft không tự sản xuất máy tính cá nhân. Microsoft sẽ không cạnh tranh với chính đối tác của mình và qua đó, tạo cảm giác "an toàn" để các hãng sản xuất máy tính tiếp tục gắn bó với Windows.
Vậy sẽ ra sao nếu Microsoft lấn sang thị trường sản xuất PC, laptop?
Quá nguy hiểm! Bước chân vào thị trường sản xuất máy tính cá nhân, chưa chắc Microsoft đã làm tốt hơn các hãng hiện tại. Để thâm nhập thị trường, chiếm được sự tin tưởng của người dùng trước những cái tên quá nổi tiến như HP, Dell... là không đơn giản. Microsoft có thể sản xuất được những sản phẩm rẻ, tốt như các hãng hiện tại đang làm hay không? Hoặc hãng có thể sáng tạo được một thứ vượt trội như cách Apple tạo ra Mac hay không? Câu trả lời có lẽ là không.
Nhưng nếu sản xuất máy tính, chắc chắn Microsoft sẽ mất đi sự "trung thành" tuyệt đối của các đối tác lớn như Dell, HP. Đơn giản, họ lo ngại nguy cơ một ngày sẽ bị Microsoft "hất cẳng" bằng sự "độc quyền" HĐH của mình. Với sự phổ biến hiện tại của Windows, không ai dám "đá" nó ngay lập tức nhưng các hãng sẽ dần dần tìm các biện pháp thay thế nếu Microsoft vừa bán hệ điều hành, vừa sản xuất máy vi tính. Và vì thế, sự độc tôn của Microsoft sẽ không còn.
Không chỉ vậy, sức sản xuất của Microsoft cũng chỉ có hạn và không thể nào bằng được tổng số của phần còn lại. Giả dụ, Microsoft sản xuất được 1 chiếc PC trong khi con số tương ứng từ các hãng khác là 10. Do đó, lợi nhuận tính trên đầu mỗi sản phẩm máy tính của hãng (nếu có) chưa chắc đã bằng lợi nhuận thu được từ việc bán bản quyền hệ điều hành cho 10 chiếc máy tính còn lại.
Đương nhiên, Microsoft không dại gì mà tham gia một thị trường mới với nhiều nguy hiểm như vậy để thu về một khoản lợi nhuận không quá lớn. Bắt tay vào thị trường sản xuất PC, đồng nghĩa họ "tuyên chiến" với các đối tác thân thiết.
Do đó, Microsoft đã chọn giải pháp nói không với việc sản xuất PC và hãng tập trung toàn bộ nguồn lực của mình vào việc phát triển phần mềm - lĩnh vực kinh doanh mang lại giá trị cốt lõi cho Microsoft.