Không thể hiểu được ý đồ của
AMD khi cho tung ra card đồ họa hai nhân
HD 6990 mạnh nhất của họ vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (để cạnh tranh sự quan tâm với chị em chăng?). Chắc chắn đó là một giả thiết khập khiễng, bởi đương nhiên không gì có thể chiến thắng sức hấp dẫn của phái đẹp, đặc biệt trong ngày “Quốc tế làm nũng” này. Tuy nhiên đối với một bộ phận mày râu, chân lý đó chưa chắc đã đúng hoàn toàn. Trong lúc các độc giả của GenK chia sẻ hạnh phúc cùng nửa kia (dự bị), người viết cũng đang tận hưởng “thời gian chất lượng” bên tình yêu của riêng mình: “người đẹp” Radeon HD 6990.
Giới thiệu
Hẳn AMD đã gặp trục trặc đâu đó với dàn siêu mẫu chân dài của mình. Theo lịch trình ban đầu, tất cả các sản phẩm sẽ lần lượt ra trận, lấy thời gian cuối năm 2010 làm điểm kết thúc để đánh chiếm toàn bộ các phân khúc từ tầm thấp đến cao trước khi Nvidia kịp trở tay, đồng thời sử dụng truyền thống hiệu năng/giá thành tốt để chiếm lợi thế dư luận khi đối thủ xuất hiện. Tuy nhiên, sau thời điểm ra mắt của các card đồ họa trung cấp chip Bart (tháng 9) tận 3 tháng, HD 6950 và HD 6970 (Cayman) mới lục tục xuất quân, chậm hơn đối thủ trực tiếp GTX 570 vài ngày và nhận phần lép vế khi đại diện của Nvidia có hiệu năng cực ấn tượng trong khi giá thành tương đương.
Đáng ngạc nhiên là AMD lại không cho HD 6990 ra đời ngay lập tức mà quyết định thai nghén thêm một thời gian nữa. Hành động này đã đẩy bản thân hãng vào một tình thế khá lạ hai GPU Cayman của họ ngoài giá thành tốt thì không thể hiện vượt trội gì so với card đồ họa high-end thế hệ trước là HD 5870, khiến cho series HD 5000 cũ vẫn chiếm giữ phân khúc trên, còn series mới HD 6000 lại tự ghi tên mình vào phần dưới.
Phải sau hơn hai tháng chờ đợi, cuối cùng các fan của đoàn quân đỏ cũng được chiêm ngưỡng vị vua mới… vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ. Như vậy kể từ giờ phút này, HD 5970 chính thức nghỉ hưu để nhường sân khấu lại cho đàn em mạnh mẽ hơn sử dụng thiết kế VLIW4: HD 6990. Được sản xuất trên cùng tiến trình 40nm như HD 5970, không rõ AMD đã làm gì để kẻ kế thừa này có thể vượt trội hơn người tiền nhiệm. Hãy cùng xem!
Nhìn lại về quá khứ, chuyến chinh phạt của HD 5970 có thể nói đã hội đủ cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bằng việc hoàn chỉnh kiến trúc mới và ra mắt trước thế hệ Fermi GTX 400 của đối thủ tận 6 tháng, AMD đã tự tạo thiên thời cho mình. Đứa con sinh khó GF100 của Nvidia gặp vấn đề với hiệu suất dây chuyền sản xuất cùng với diện tích die lớn khiến chi phí cao hơn, lại bị cuốn vào cuộc đấu p/p (performance/price – hiệu năng/giá thành) – sở trường của AMD – đó là địa lợi. Còn nhân hòa, phần lớn người tiêu dùng (trừ các fanboy Nvidia) đều nhận ra rằng với nhiệt độ và điện năng tiêu thụ quá cao cùng với p/p tồi tệ, GF100 thật chẳng đáng mua một chút nào.
Cũng chính bởi các hạn chế kỹ thuật trên mà Nvidia không thể tạo ra quân bài hai nhân để đáp trả. Trong hoàn cảnh đó, với sức mạnh không card đồ họa đơn nhân nào so sánh được, HD 5970 thảnh thơi dạo chơi trên phân khúc thị trường siêu cao cấp, đồng thời ẵm luôn danh hiệu card đồ họa mạnh nhất hành tinh trong thời gian khá dài.
Tình thế giờ đã đổi khác. Kiến trúc Fermi đã được hoàn chỉnh, Nvidia cũng chuẩn bị tung ra chiếc card hai nhân hòng giành lại thể diện. Bởi vậy, duy trì những gì đàn anh HD 5970 đã làm phải nói là một nhiệm vụ cực khó khăn đối với 6990.
HD 6990
Chỉ huy mới của đoàn quân đỏ được trang bị hai GPU Cayman (VLIW4) trên cùng một PCB, có xung nhân mặc định là 830MHz cùng xung bộ nhớ 1250MHz (tương đương 5GHz xung hiệu dụng). Mỗi GPU có bus giao tiếp 256-bit cho 2GB bộ nhớ (giống như HD 6970), đưa tổng dung lượng bộ nhớ GDDR5 của HD 6990 lên tới 4GB!
Trường hợp của 5970, các giới hạn về vật lý và điện năng khiến AMD đã phải cắt giảm “chút ít” đứa con cưng của mình. Kết quả là chiếc card có thông số thấp hơn phiên bản đơn nhân 5870 khá nhiều: xung nhân bị giảm đi 125MHz trong khi xung bộ nhớ cũng thấp hơn tới 200MHz (800MHz hiệu dụng). Với xung nhân thua kém như vậy, sức mạnh của 5970 chỉ tương đương 5850 CrossFire (CF).
Vấn đề tương tự cũng xảy ra đối với HD 6990 nhưng ở mức độ nhỏ hơn. Mức xung nhân mặc định 830MHz của 6990 chỉ kém 50MHz (5,5%) so với 6970, trong khi xung hiệu dụng bộ nhớ lại giảm tới 500MHz (9%). Ngoài ra, mỗi GPU Cayman đều được trang bị đầy đủ 1536 SP và 32 ROP, khiến HD 6990 có thể được coi là phiên bản hai nhân hoàn chỉnh khi nó có khả năng ép xung nhẹ lên mức mặc định 880MHz của HD 6970.
Chế độ quản lý năng lượng mới giúp điện năng tiêu thụ của chiếc card ở chế độ Idle giảm xuống chỉ còn 37W – chỉ ngang (hoặc thậm chí thấp hơn) bất cứ card đồ họa đơn nhân nào. Nhưng khi ở chế độ làm việc Full-load, HD 6990 đòi hỏi phải được cung cấp tới 375W! Đây cũng là giới hạn cấp điện của khe cắm PCIe (75W) và 2 nguồn cấp 8-pin (150W x 2) mà bất cứ card đồ họa nào phải đối mặt. Tuy nhiên, như đã nói ở trên HD 6990 vẫn có khả năng ép xung nhẹ lên 880MHz. Chắc hẳn các kĩ sư của AMD đã tìm ra cách vượt qua giới hạn này.
Không như các dự đoán trước đây, giá bán mà AMD ấn định cho vị vua mới là 699 USD, cao hơn 100 USD so với 5970 vào thời điểm ra mắt. Cũng hơi khó hiểu một chút về chiến lược kinh doanh của gã khổng lồ này khi HD 6970 hiện đang có giá khoảng 320 USD. Tức với số tiền bỏ ra thấp hơn 60 USD, bạn đã có thể sở hữu cặp song kiếm CrossFire với sức mạnh tương đương, thậm chí cao hơn khi tiến hành ép xung.
Như vậy tính đến thời điểm này, sau sự xuất hiện muộn vừa rồi của HD 6990, toàn bộ binh đoàn cao cấp của AMD đều đã ra quân, với tiên phong dẫn đầu là HD 6970, 6950 2GB và 6950 1GB. Khác với cùng kỳ năm ngoái, hiệu suất của tiến trình 40nm đã đi vào ổn định. AMD và Nvidia đều có thể tung ra các đòn đánh quyết liệt nhất về phía đối thủ. Đương nhiên hưởng lợi ở giữa chính là người tiêu dùng.
Giải pháp tản nhiệt mới
Hồi tưởng lại một chút về thiết kế của HD 5970, chúng ta có thể hiểu phần nào lý do khiến chiếc card bị giảm xung nhiều đến vậy so với HD 5870. Tản nhiệt của 5970 hoàn toàn cho phép các GPU hoạt động ở mức xung mặc định của 5870, nhưng tản nhiệt cho mạch nguồn VRM thì không! Đó chính là nút thắt cho khả năng ép xung của chiếc card. Và nếu hoạt động dưới chế độ ép xung trong thời gian dài, chẳng khó để hình dung xem điều gì sẽ xảy ra. Chính hạn chế này khiến HD 5970 không thể chạy ở mức xung chuẩn của 5870.
Lên đến 6990, AMD đã tiến hành chỉnh sửa lại đôi chút. Không những khắc phục được điểm yếu của 5970, thiết kế mới còn cho phép chiếc card có khả năng chịu đựng điện năng tiêu thụ lớn hơn. Những cải tiến cực kì đáng giá!
HD 6990 (trên) và HD 5970 (dưới).
Khác với xu hướng thịnh hành “càng mạnh càng to”, HD 6990 thậm chí còn ngắn hơn một chút so với người cũ 5970. Cả hai chiếc card có cùng chiều dài board mạch PCB 11,5 inch. Cộng thêm lớp vỏ, chiều dài đầy đủ của 6990 là 12 inch – ngắn hơn so với 5970 là 12,16 inch. Cùng được sản xuất trên tiến trình 40nm, nghĩa là HD 6990 không có bất kì lợi thế nào về số lượng bán dẫn cũng như không gian dành cho tản nhiệt so với HD 5970.
Điều thu hút chú ý trước tiên chính là vị trí quạt tản nhiệt. Thực tế thì thiết kế tản nhiệt của 5970 có điểm mạnh và yếu riêng. Khả năng xả thông khí nóng là ưu điểm của việc đặt quạt tản nhiệt về một phía, tuy nhiên chính nó cũng khiến cho GPU và VRM ở đầu kia nhận được ít không khí làm mát hơn. Hiện tượng quá nhiệt ở VRM thậm chí còn xảy ra trước cả GPU.
Nhằm khắc phục điểm yếu này đồng thời cải thiện khả năng tản nhiệt, thiết kế quạt tản nhiệt mới ra đời. Thiết kế này cũng từng được các hãng sản xuất card đồ họa sử dụng trước đây như Asus với sản phẩm ARES 5870x2 nổi tiếng. Không thể chối cãi rằng nó đã khắc phục tình trạng quá nhiệt của VRM, nhưng vấn đề mới lại nảy sinh.
Nếu như tản nhiệt cũ của 5970 tống hết toàn bộ khí nóng ra phía sau thùng máy, thì tản nhiệt mới với thiết kế quạt nằm chính giữa (cùng hai GPU nằm hai phía) lại chia đôi luồng không khí bên trong chiếc card ra làm đôi: một luồng khí nóng đi ra sau thùng máy, và một luồng tống thẳng vào bên trong, ngay vị trí của ổ cứng. Cần phải nhắc rằng thiết bị ổ cứng vốn có khả năng chịu nhiệt khá kém. Ngoài ra nhiệt độ bên trong thùng máy của bạn cũng sẽ tăng cao hơn bình thường.
Song song với việc quạt tản nhiệt được đặt ở vị trí mới, các ống dẫn nhiệt cũng bị thất sủng và biến mất. Thay vào đó là tấm tản nhiệt riêng cho mỗi GPU. Nhìn vào thiết kế mới này, có cảm giác bên dưới lớp vỏ là hai card đồ họa riêng biệt hơn là một card đồ họa đa nhân.
Để không lặp lại sai sót với HD 5970, AMD tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề tản nhiệt đến nỗi… keo dẫn nhiệt cũng được cải tiến. Chất dẫn nhiệt mới có khả năng thay đổi thể lỏng/rắn tùy vào nhiệt độ của GPU, được AMD quảng cáo rằng hiệu quả hơn 8% so với loại keo cũ. Có thể đối với các cao thủ ép xung thì điều này không có gì lạ, nhưng người viết tin rằng một số lượng lớn độc giả thậm chí mới nghe đến cụm từ “keo dẫn nhiệt” lần đầu tiên.
Cải tiến lớn nhất trên bo mạch chính là vị trí của các mạch VRM – giờ được đặt nằm ở chính giữa. Cùng với thiết kế tản nhiệt mới đã nói ở trên, mạch VRM cùng bộ điều khiển đón nhận trực tiếp luồng gió và được làm mát trước tiên. Nhiệt độ được cải thiện cũng đồng nghĩa với khả năng tăng lượng điện cung cấp cho GPU. Đơn giản ra, nó có nghĩa là ép xung!
Như các thông tin được công bố từ trước, các kĩ sư của AMD đã thiết kế lại bo mạch tốt hơn, có khả năng chịu đựng lượng điện-nhiệt năng đến 450W, trên thực tế là gần 500W trong bài review này. Không tồi một chút nào!
Chi tiết kỹ thuật
Bỏ vấn đề tản nhiệt lại phía sau, chúng ta hãy cùng xem xét phần còn lại của chiếc card.
Một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu của các card đồ họa thế hệ mới chính là điện năng tiêu thụ. Được trang bị 2 đầu cấp nguồn phụ 8-pin, có thể đoán rằng điện năng tiêu thụ tối đa của chiếc card là 375W. Như đã nói ở trên, đây là ngưỡng mà card đồ họa nào cũng phải đối mặt (trừ khi thiết kế thêm đầu cấp nguồn phụ thứ ba). Như trong trường hợp của HD 5970, bất kì một đòi hỏi thêm nào về điện năng đều gây thêm áp lực lên khe cắm PCIe. Điều này đòi hỏi bộ nguồn cung cấp phải thật tốt cùng bo mạch chủ ổn định.
Tại mức xung mặc định, điện thế của 6990 giảm đi chút ít so với 6970 xuống còn 1,12v nhằm đáp ứng giới hạn về điện năng. AMD đã phải sàng lọc ra những con chip Cayman tốt nhất để có thể chạy ổn định ở mức xung 830MHz với điện thế nhỏ hơn này.
Trước khi đi sâu hơn, chúng ta hãy thống nhất lại với nhau về khái niệm điện năng tiêu thụ (TDP). Sau đây là định nghĩa: TDP – Thermal Design Power - là lượng nhiệt mà hệ thống làm mát cần phải giải tỏa. Công suất tiêu thụ phải dưới hoặc bằng mức này.
Như vậy, TDP là lượng nhiệt thiết bị tỏa ra trong quá trình hoạt động (đơn vị là W), lượng nhiệt này cũng tương đương với điện năng mà thiết bị tiêu thụ. Vì thế chúng ta thường hiểu TDP theo nghĩa điện năng tiêu thụ. Trong phần còn lại của bài viết, chúng ta cần hiểu chỉ số này theo cả hai nghĩa.
Quay trở lại vấn đề, bằng việc giảm xung và điện thế cho GPU, AMD đã duy trì TDP của chiếc card dừng lại ngưỡng 375W. Tuy nhiên, bằng một mánh khóe nhỏ mà AMD gọi là công nghệ PowerTune, HD 6990 còn có khả năng ép xung nhằm tăng hiệu năng thêm một chút nữa.
PowerTune được chính thức giới thiệu lần đầu trên series 6900 hồi tháng 12/2010, nhưng thực chất công nghệ này đã được AMD thử nghiệm trên HD 5870 trước đây. Chúng ta đã biết TDP là lượng nhiệt tỏa ra trong quá trình chiếc card hoạt động, cụ thể là chơi game, xem film… Độ lớn của nó biến thiên liên tục tùy vào ứng dụng yêu cầu đồ họa nặng hay nhẹ và phụ thuộc chủ yếu vào xung nhân, xung bộ nhớ và GPU-Load (tình trạng hoạt động nặng hay nhẹ của GPU, giá trị từ 0 -> 100%).
Trong những cảnh game nặng yêu cầu xử lý đồ họa cao với nhiều hiệu ứng như cháy nổ, đổ bóng và ánh sáng…, card đồ họa phải làm việc nặng nhọc, GPU-Load tăng cao, đồng nghĩa với tỏa ra nhiều nhiệt. Ngược lại, trong các cảnh game nhẹ, lượng nhiệt tỏa ra ít hơn nhiều. Trong cùng một game, không phải lúc nào card đồ họa cũng bị vắt kiệt.
Dựa trên thực tế đó, cả AMD đều Nvidia đều đưa ra một ý tưởng và ứng dụng chúng vào thực tiễn: đặt ra ngưỡng TDP an toàn cho chiếc card, nếu vượt qua ngưỡng này, trình điều khiển lập tức giảm điện / xung. Bằng cách đó, chúng ta có thể thoải mái ép xung, tận hưởng thêm một chút hiệu năng khi cần thiết. Nếu vượt quá giới hạn, đã có PowerTune xử lý.
Phần khó nhất là tìm ra mức xung cân bằng. Nếu quá tham lam, chiếc card sẽ liên tục bị quá nhiệt dẫn đến giảm xung liên tục về mức bình thường; trong khi đó quá thận trọng nhát tay cũng khiến bạn không được tận hưởng hiệu năng cao nhất có thể.
FurMark là phần mềm được giới đam mê card đồ họa rất ưa chuộng, chuyên được sử dụng để xác định nhiệt độ cao nhất bằng cách vắt kiệt sức card đồ họa trong thời gian dài. Đối với HD 6990, PowerTune đã chơi ăn gian bằng cách tự hạ xung liên tục mỗi khi nhiệt độ tăng quá cao. Chúng ta có thể thấy ứng dụng này đã ép chiếc card phải giảm xung kinh khủng thế nào. Trong khi đó, tại game Metro 2033 cũng xảy ra hiện tượng nhưng mức độ nhẹ hơn.
Với thiết lập PowerTune thông dụng là +/-20%, HD 6990 sẽ có TDP xác định trong khoảng 300 -> 450W.
Sau điện năng tiêu thụ, còn một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm: độ tương thích của ứng dụng đối với công nghệ CrossFire. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một game (hoặc chế độ game) nào đó không hỗ trợ công nghệ này? Lúc đó sẽ chỉ có một GPU làm việc. Kết quả cho ta hiệu năng còn kém hơn giải pháp đơn nhân 6970, bởi mỗi GPU đều đã bị giảm xung chút ít. Hi vọng trong tương lai sẽ có một công nghệ nào đó tương tự Turbo Boost của Intel áp dụng trong những trường hợp như vậy: tự động tăng xung nếu có một GPU nghỉ ngơi. Điều đó sẽ giúp người dùng bớt thiệt thòi hơn khi gặp phải ứng dụng “không chơi với CrossFire” như các windowed mode game, ứng dụng mô hình hóa, GPGPU hay những game không hỗ trợ CrossFire.
Giống như 5970 và 5870 2GB, 6990 cũng được trang bị 16 RAM chip – 8 cho mỗi GPU. Một trong những khác biệt của 6990 so với 6970 là việc xung bộ nhớ chỉ còn 5GHz GDDR5 thay vì 6GHz GDDR5 như phiên bản đơn nhân (bản mẫu sử dụng bộ nhớ Hynix T2C). Lý do lại gói gọn trong 4 chữ: điện năng tiêu thụ. 6GHz RAM yêu cầu điện thế 1,6v trong khi đối với 5GHz RAM chỉ là 1,5v. Từ thực tế này có thể đưa ra phán đoán rằng khả năng ép xung bộ nhớ đối với 6990 là không nhiều.
HD 6990 có tới 5 cổng xuất hình ảnh: 1 cổng DVI và 4 cổng mini-DisplayPort. Thông qua công nghệ Eyefinity cho phép xuất ra tối đa 6 màn hình, người dùng có thể chơi game hoặc làm việc với góc nhìn cực rộng. Do chỉ có 5 cổng xuất nên nếu có nhu cầu ghép 6 màn hình với nhau, chúng ta sẽ phải chi thêm cho bộ chia MST hub sắp ra mắt.
Như đã đề cập, thiết kế tản nhiệt mới cùng TDP lớn khiến ngoài kích cỡ chiếc card và bộ nguồn tốt, còn có thêm một vấn đề khác chúng ta cần phải để mắt đến. Card đồ họa cao cấp có tản nhiệt làm việc không đạt yêu cầu không phải hiếm gặp, nhưng xả thẳng khí nóng vào trong thùng máy như HD 6990 thì quả là chưa thấy bao giờ! Nhiệt lượng thậm chí còn rất lớn: đến 185W+ !
Lúc này, bố trí thêm quạt thông gió là việc làm cần thiết. Ngoài ra, bất kì thứ gì đặt phía sau con quái vật này đều sẽ bị “giết hại” không thương tiếc – trong trường hợp này là ổ cứng.
Để hình dung rõ ràng hơn, chúng ta hãy cùng theo dõi nhiệt độ của cùng một chiếc ổ cứng Seagate 500GB đặt trong các hệ thống sử dụng HD 6990, HD 6970 CrossFire và HD 5970 trong quá trình chạy Crysis. Lưu ý một chút: do kích thước của 5970 và 6990 quá lớn nên có một quạt thông gió 120mm buộc phải bị gỡ bỏ khi thực hiện test với hai “đô vật” này.
Không cần phải bình luận gì nhiều. Đặt ổ cứng ngay phía sau 6990 rõ ràng là một quyết định quá tồi. Cần nhắc thêm là thiết bị ổ cứng có khả năng chịu nhiệt rất kém. Nếu liên tục phải hoạt động trong tình trạng >=40 độ C, tuổi thọ của nó sẽ giảm rất nhanh theo thời gian. Vì vậy nếu bạn đang để mắt đến HD 6990, hãy đặt ổ cứng tại slot càng lệch khe cắm PCIe càng tốt. Trong trường hợp sử dụng nhiều ổ cứng, người viết chỉ có thể nói rằng: chúc bạn may mắn…
Ngoài vấn đề với ổ cứng, có lẽ thay đổi luồng khí đối lưu cũng là điều cần thiết. Nguyên tắc đối lưu thông thường trong thùng máy là “dưới + trước hút vào, trên + sau đẩy ra”, bởi khí nóng nhẹ hơn bay lên và các nguồn phát nhiệt chủ yếu là bộ xử lý và card đồ họa được đặt ở phía sau. Nhưng do HD 6990 không “thông thường” một chút nào, xem ra bố trí quạt đằng trước đẩy ra có vẻ hợp lý hơn.
Khả năng ép xung
Một trong những điều dị thường ở HD 5970 là tuy định mức tiêu thụ 300W, chiếc card lại được thiết kế chịu đựng mức TDP 400W. Nghe có vẻ rất có tiềm năng ép xung, tiếc là vấn đề với VRM không cho phép thực hiện điều này.
Trường hợp của 6990 cũng vậy. Chiếc card được thiết kế để chịu lượng điện-nhiệt 450W và hoàn toàn có thể chạy ở mức xung 880MHz như 6970. Tất cả những gì phải làm là ép xung lên một chút, và đảm bảo giải thoát hợp lý cho nhiệt lượng 225W+. Thực tế, trong suốt quá trình chạy FurMark tại xung nhân 880MHz, chiếc card “hút” đến 500W điện – ngang cả máy sưởi! Xem ra HD 6990 có khả năng “tỏa nhiệt” rất khá.
Trong quá khứ, việc ép xung 5970 được thực hiện bằng cách sử dụng tiện ích ATI Overvolt Tool để chuyển đổi điện thế lên mức mặc định của 5870, sau đó người dùng tiếp tục kéo xung bằng Catalyst Overdrive. Hai phần mềm và hai thao tác cho một lần ép xung – quá rườm rà! Hơn nữa sau mỗi lần boot máy, bạn lại phải thực hiện lại từ đầu… Có vẻ AMD không hề có ý định tích hợp điều chỉnh điện thế trong bản Catalyst Overdrive mới. Lần này họ có cách làm khác hay hơn.
ATI Overvolt Tool.
Giống như các đàn em 6900 đi trước, 6990 cũng được thiết kế một cần gạt chuyển đổi qua lại giữa hai BIOS khác nhau nhằm giúp các game thủ tiện chuyển về mặc định trong trường hợp ép xung không ổn định. Lựa chọn BIOS 2 (không thể chỉnh sửa), chiếc card chạy ở xung nhân 830MHz và điện thế nhân 1,12v mặc định của nhà sản xuất, trong khi BIOS 1 (có thể chỉnh sửa) ép xung nhân lên 880MHz và điện thế nhân 1,175v. Cả hai BIOS đều mặc định xung bộ nhớ là 5GHz. AMD gọi đó là AUSUM – Antilles Unlocking Switch for Uber Mode. Cái tên chẳng có gì quan trọng, điều cần để ý là công tắc này chính là chìa khóa thay đổi điện thế.
Cần gạt BIOS của 6950/6970.
Ngoài việc kéo xung nhân và điện thế nhân, giới hạn của PowerTune cũng được nới rộng ra: 450W +/- 20%, tức trong khoảng 360 -> 540W. Với ngưỡng tiêu thụ điện tối đa 500W, có thể nói ở chế độ BIOS 1 này PowerTune hoàn toàn không hoạt động. Đây có thể là một tin vui cho các cao thủ ép xung, tuy nhiên sẽ không có gì bảo vệ chiếc card của bạn nữa nếu hiện tượng quá nhiệt xảy ra.
Giới hạn của 6990 trong Overdrive.
Đã đề cập về ép xung thì không thể không nhắc đến nguồn điện. Như đã nói, bản thân chiếc card mặc định đã chạm ngưỡng 375W, bất kì đòi hỏi thêm về điện năng đều dồn lên khe cắm PCIe. Bởi vậy game thủ sẽ cần trang bị một bo mạch chủ ổn định và bộ nguồn tốt có khả năng cung cấp dòng 20A mỗi cấp phụ 8-pin.
Trong review này, HD 6990 chỉ được kiểm nghiệm tại hai mức xung 830MHz và 880MHz bởi tại mức 880MHz, nhiệt độ FurMark đã quá cao: 94 độ C.
Giới hạn của khe cắm PCI-Express: Liệu có là vấn đề?
Trong suốt một thời gian dài, có một định luật tất cả mọi người đều chấp nhận: kích thước card đồ họa và điện năng tiêu thụ của nó bị giới hạn bởi khả năng của khe cắm PCI-Express. Cho đến trước thời điểm này, chúng ta đều nhất trí rằng điện năng tiêu thụ của mọi chiếc card không thể vượt qua các con số 75W (không dùng nguồn phụ), 150W (1 nguồn phụ 6-pin), 225W (2 nguồn phụ 6-pin), 300W (1 nguồn phụ 6-pin và 8-pin), 375W (2 nguồn phụ 8-pin).
Nếu như chưa có card đồ họa nào (thử) vượt qua giới hạn vật lý – chiều dài tối đa 12,283 inch cho card đồ họa sử dụng giao tiếp PCI-Express 2.0, thì giới hạn điện năng 75W đã vài lần bị phá vỡ, ví dụ điển hình chính là HD 6990.
Tuy nhiên, ngoài ra còn có một giới hạn chắc chắn không thể vượt qua: đó là băng thông của khe cắm PCIe. Vào thời điểm mới xuất hiện, những gì người ta nói về giao tiếp PCIe 2.0 x16 là “quá thừa thãi”, “chưa cần đến”, “chả để làm gì”… Thế nhưng cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ đồ họa, các thế hệ card đồ họa mới đang dần chạm đến giới hạn này. Với sức mạnh “chẳng cần xem review cũng biết” của HD 6990, chúng ta nhất định phải đặt ra nghi vấn: nghẽn hay không nghẽn!
Cấu hình thử nghiệm
Crysis: Warhead
Khởi đầu là Crysis Warhead - phép thử không thể thiếu trong các review đánh giá đồ họa. Ngay cả 2 năm sau thời điểm ra đời của Crysis bản đầu, câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra cho một card đồ họa mới vẫn là “Đã chạy được Crysis max setting chưa?” Đáng tiếc trong suốt 3,5 năm qua, mặc cho sự mong ngóng của các game thủ, câu trả lời vẫn là “Chưa!”
HD 6990 vinh dự là card đồ họa đầu tiên nhận trả lời “Có!”. Chiếc card có khả năng vượt qua thiết lập cao nhất Enthusiast với khung hình khá mượt mà, tuy chưa đạt đến mức lý tưởng.
Có vẻ công nghệ đa card đồ họa đến từ cả hai người khổng lồ trong lĩnh vực này đang ngày càng hoàn chỉnh hơn: hiệu năng tăng lên tới 75% so với giải pháp đồ họa đơn nhân. Vậy nên sức mạnh này của HD 6990 đã được dự đoán từ trước. Tuy vậy cần phải thừa nhận người viết cũng cảm thấy hơi thất vọng một chút bởi HD 6990 không tạo ra điều gì đột phá so với các phỏng đoán trước đây. Ngay cả tại mức xung 880MHz, HD 6990 OC (OC – OverClocked) vẫn thua kém HD 6970CF và khung hình chỉ tăng lên chút ít không đáng kể so với trước đó.
Nhưng dù sao, có thể đấu được sát thủ Crysis tại độ phân giải 2560x1600 thiết lập Enthuasist với khung hình trung bình 43, coi như HD 6990 cũng đã thành công. Không giống các game khác, hiệu ứng Blur Motion trong Crysis thể hiện khá tốt, đem lại cho người chơi cảm giác mượt mà ngay cả khi khung hình chỉ ở mức 30. Dung lượng bộ nhớ khủng khiếp cũng giúp Antilles bỏ xa HD 5970 tới 30%.
Khung hình tối thiểu – chỉ số quyết định độ mượt của game, là mối quan tâm hàng đầu của các game thủ. Có gì đó không đúng ở đây khi HD 6990 còn thua cả HD 6950CF. Có thể đó là dấu hiệu cho thấy giới hạn băng thông PCIe không đáp ứng đủ cho chiếc card hai nhân. Ngoài ra chúng ta lại thấy lợi thế của nhiều VRAM tại độ phân giải cao: HD 5970 vẫn bị 6990 lấn lướt.
BattleForge
Kế đến là BattleForge – game thể loại RTS online miễn phí của Electronic Arts. Đây cũng là một phép thử DirectX 11 khá khó nhằn.
Giống các anh em khác, trong game này 6990 bị bỏ lại khá xa sau đối thủ GTX 580 SLI – tượng trưng cho sức mạnh của GTX 590 sắp ra mắt tới đây, thua cả GTX 570 SLI và thậm chí bị cả GTX 560 SLI bám đuổi.
Đồng thời kết quả cũng cho thấy vấn đề hiện hữu đối với băng thông bộ nhớ khi 6990 OC hầu như chẳng hơn DF (DF – Default: mặc định) là bao, thậm chí còn kém 6970CF tới 8%. Điều này còn thể hiện rõ hơn khi 6950CF với cùng băng thông cũng cho hiệu năng tương tự.
Metro 2033
Một game “sát” card đồ họa khác đến từ 4A Games. Phải mãi tận tháng 9 vừa rồi bản vá sửa một số lỗi liên quan đến khung hình của game mới được tung ra, giúp tính tham khảo của phép thử này khách quan hơn. Với yêu cầu đồ họa khắt khe, Metro 2033 cũng là một phép thử rất tốt. Không giống bối cảnh nhiệt đới trong Crysis, Metro 2033 tập trung vào di chuyển và chiến đấu trong các đường hầm ngầm dưới mặt đất, với khả năng bóp nghẹt hệ thống của bạn không thua gì anh bạn kia.
Ngoài ra trong bản vá này, một phép benchmark cũng được tích hợp thêm vào game, cho kết quả chính xác hơn việc đo khung hình bằng phần mềm FRAPS trong quá trình chơi.
Vốn nặng về xử lý shader đổ bóng, Metro là một trong những game cho kết quả khả quan đối với HD 6990 nói riêng và series HD 6900 nói chung. Tại độ phân giải 2560x1600, Atilles bám sát GTX 580 SLI với chỉ 2 khung hình kém hơn và ngang ngửa sau khi ép xung.
HAWX
Game hành động không trung năm 2008 của Ubisoft là một trong các phép thử nhẹ nhất của bài review, hoàn toàn không thể làm khó các card đồ họa thế hệ mới của chúng ta. Tuy nhiên trong tình hình các game bắn súng chiếm ưu thế về số lượng trong mọi review, chúng ta cũng nên đưa vào một đại diện bắn máy bay để các thể loại game góp mặt đầy đủ.
Trái với Metro 2033, HAWX không đòi hỏi xử lý shader nặng nề (dĩ nhiên rồi, bối cảnh trên không mà). Xử lý bề mặt texturing và ROP mới là yếu tố cần thiết ở đây. So với đội hình của Nvidia, HD 6990 bị rớt lại khá xa, thậm chí còn bị GTX 560 SLI qua mặt ở độ phân giải 1920x1200.
Civilization V
Phiên bản mới nhất trong series game chiến thuật theo lượt cực hấp dẫn của Firaxis Games. Tuy chưa có thời gian để thử qua phiên bản 5 này, nhưng người viết không thể nào quên cảm giác cuốn hút khi ngồi chơi Civilization IV suốt hàng giờ đồng hồ. Civ 5 sở hữu lối đồ họa cực đặc biệt so với các game RTS khác. Thay vì tập trung vào các hiệu ứng ánh sáng bóng bẩy, game dành tài nguyên để tăng số lượng đa giác, cho các hình ảnh và chuyển động đầy sức sống.
Để làm được điều đó, Firaxis Games hầu như vắt kiệt công nghệ DirectX 11, bao gồm cả tessellation và các phép tính toán đổ bóng để giảm xử lý bề mặt.
Có lẽ sẽ có rất nhiều phản đối khi người viết đưa ra khẳng định rằng thế hệ GTX 400 & 500 của Nvidia hỗ trợ DirectX 11 tốt hơn HD 5000 & 6000 của AMD rất nhiều. Tuy nhiên nhận định đó không phải không có cơ sở, đặc biệt Civ 5 là một ví dụ nhãn tiền. Không chỉ HD 6990 mà toàn bộ dàn sao của AMD đều để thua các đối thủ trực tiếp, thậm chí cả đối thủ dưới cơ từ Nvidia.
Một phép thử khá thú vị khi giữa hai độ phân giải 2560x1600 và 1920x1200, khung hình nhìn chung không chênh lệch nhiều. Ngoài ra, hiệu năng của HD 6990 sau ép xung cũng tăng khoảng 5%, đồng thời bị người tiền nhiệm 5970 bám sát nút.
Battlefield: Bad Company 2
Lại một game nền tảng DX11 nữa trong dãy phép thử của chúng ta. Do game không tích hợp công cụ benchmark, các kết quả dưới đây được đo bằng phần mềm FRAPS tại màn chơi đầu tiên phần rượt đuổi trên xe jeep – rất nhiều cảnh cháy nổ, môi trường rộng lớn và hành động dồn dập – khá phù hợp để đánh giá.
Bad Company 2 là game yêu cầu băng thông bộ nhớ khá lớn. Vì thế một lần nữa 6970CF lại vượt lên trên 6990 khá xa tới 10% khung hình - tương ứng 10% chênh lệch băng thông. Ngoài ra còn một hiện tượng thú vị nữa khi 6950CF cũng bám sát theo 6990, chứng tỏ ngoài băng thông bộ nhớ, hiệu năng còn nghẽn tại đâu đó nữa. HD 6990 vẫn bỏ xa người tiền nhiệm tới 18% trình diễn. Đây cũng là một game “ưa” AMD: HD 6990 chỉ thua cặp GTX 580 SLI 10% trong khi đánh giá tổng quan HD 6970 thua GTX 580 tới 17%.
Chỉ số khung hình nhỏ nhất tại cảnh thác nước một lần nữa cho chúng ta thấy hiện tượng 6970CF bỏ xa cả 6990 OC. Lần này còn tồi tệ hơn khi 6950CF cũng vậy. Băng thông bộ nhớ và băng thông khe cắm PCIe chính là đồng thủ phạm.
STALKER: Call of Pripyat
Phiên bản thứ ba của series STALKER tiếp tục sử dụng GSC Game World X-Ray Engine cộng thêm một chút hiệu ứng và tessellation của DX11. Đây cũng là một game đòi hỏi cấu hình khắt khe lại có công cụ benchmark sẵn, rất tiện khi dùng để đánh giá. Tuy nhiên điểm ấn tượng nhất lại nằm ở khâu hình ảnh… cực xấu. Không thể tưởng tượng ra một game DX11 sát phần cứng lại có thể cho hình ảnh tồi tệ đến vậy, chỉ tương đương đồ họa thời kì DX7! Thôi, dù sao thì nó cũng giúp đánh giá khá chính xác sức mạnh card đồ họa…
Thêm một game nữa đem lại lợi thế cho AMD khi các đại diện của họ thể hiện màn trình diễn khá ấn tượng. Băng thông bộ nhớ lại một lần nữa kéo lùi HD 6990 so với HD 6970CF, tuy nhiên lần này thì 6950CF không thể ăn hôi bám đuôi được nữa. Dung lượng bộ nhớ lớn tiếp tục thể hiện uy lực giúp 6990 bỏ xa 5970 tới 57% tại độ phân giải 2560x1600, đồng thời cũng cho GTX 580 SLI rớt lại phía sau tận 16% khung hình.
DIRT 2
Suốt từ thời điểm ra đời 2009, DIRT 2 luôn xuất hiện trong bất kì review card đồ họa nào. Là tựa game đua xe nền tảng DX11 đầu tiên, “Đường đua cát bụi” khai thác khá tốt khả năng xử lý tessellation của thư viện đồ họa, đồng thời vẫn là trường đua đẹp nhất đến tận thời điểm này.
DIRT 2 lại là một game nữa thể hiện vấn đề với 6990. Khi chạy ở xung mặc định, chiếc card thậm chí còn thua kém cặp 6950CF chút ít. So sánh với 5970, hiệu năng chỉ còn hơn có 13%. Ngoài ra giống như Civilization V, “Đường đua cát bụi” cũng cho khung hình tốt hơn khi sử dụng các card đồ họa đến từ Nvidia.
Mass Effect 2
Game nhập vai bối cảnh không gian của Electronic Arts sử dụng Unreal Engine 3 – engine đồ họa khá đẹp nhưng không hề nặng nề. Do đây là bản port từ Xbox 360 nên chúng ta buộc phải ép khử răng cưa trong trình điều khiển của Nvidia và AMD nhằm đạt được chất lượng hình ảnh cao hơn. Kết quả thu được sử dụng FRAPS:
Vấn đề y hệt như với DIRT 2: HD 6990 OC chỉ ngang ngửa với 6950CF. Nvidia hoàn toàn chiếm ưu thế trong phép thử này khi ngay cả GTX 560 SLI cũng có thể vượt mặt nhân vật chính của chúng ta.
Wolfenstein
Phát hành năm 2009, Wolfenstein là game gần đây nhất sử dụng engine đồ họa id Software Tech 4. Có thể đây không phải một game sát phần cứng cho lắm, nhưng nó được xây dựng trên thư viện OpenGL, giúp chúng ta có cái nhìn toàn cục hơn về khả năng của HD 6990.
Có vẻ như hiện tượng nghẽn cổ chai tại CPU xảy ra ngay cả tại độ phân giải cực cao 2560x1600, khiến hiệu năng SLI/CF không giảm đi chút nào so với độ phân giải 1920x1200. Lần này thì cả 6990 OC, 6950CF và 6970CF đều cho kết quả xêm xêm nhau. Game cũng “tẩy chay” giải pháp đa card đồ họa của AMD khi thua kém hoàn toàn cả GTX 560 SLI, trong khi đơn nhân thì HD 6970 cho kết quả tốt hơn GTX 560 rất nhiều.
Năng lực tính toán
Về mảng này, AMD hoàn toàn không có cơ hội trước Nvidia. Chúng ta đều đã biết kiến trúc Fermi tối ưu năng lực tính toán đến mức nào. Bởi vậy độc giả đừng ngạc nhiên khi HD 6990 thua hoàn toàn các card đồ họa đơn nhân của Nvidia. Hãy hướng sự chú ý đến cuộc đấu nội bộ AMD.
Một trong những ưu điểm trong kiến trúc của Cayman so với Cypress chính là năng lực tính toán. Đáng buồn là không một phép thử nào tận dụng tốt được cấu trúc đa nhân của 6990.
Đầu tiên là một benchmark tích hợp trong Civilization V – sử dụng DirectCompute để giảm gánh nặng xử lý bề mặt.
Hiệu quả của CrossFire thể hiện không đáng kể đối với cả 5870 và 6970. Ngoài ra kiến trúc / trình biên dịch của Cayman cũng không được tận dụng tối ưu khi thua kém rõ rệt Cypress.
Phép thử kế tiếp là SmallLuxGPU dùng để đánh giá năng lực ray tracing của GPU - một phần của engine render mã nguồn mở LuxRender. Người viết xin giải thích qua loa một chút về ray tracing: phép dò tia. Những hình ảnh hàng ngày chúng ta thấy là do các tia sáng mang đến. Vì vậy dùng phép dò tia để render hình ảnh sẽ tạo ra chất lượng y hệt những gì chúng ta nhìn thấy. Đổi lại ray tracing cũng tốn rất nhiều năng lực tính toán, vì mỗi tia sáng khi va chạm và một bề mặt có thể bị hấp thụ, khúc xạ, phản xạ hay tán xạ. Mỗi tia mới ấy lại tiếp tục va chạm đến khi đến được người quan sát.
CrossFire hoàn toàn không phát huy tác dụng trong SmallLuxGPU, khi chỉ có 1 GPU làm việc. Tại mức xung mặc định 6990 thua 6970 chút ít và ngang bằng khi ép xung lên 880MHz. Ngoài ra 5970 cũng bị 5870 bỏ lại phía sau.
Có thể trong game, HD 6990 là một quái vật thực thụ, nhưng về mảng năng lực tính toán – nói cách khác là dùng GPU phục vụ mục đích kiếm tiền, bỏ ra 700 USD là một phi vụ hớ hênh. GTX 560 với giá chỉ 240 USD còn có thể làm tốt hơn thế.
Điện năng tiêu thụ, nhiệt độ & độ ồn
Đây là lĩnh vực mà AMD chiếm ưu thế so với Nvidia, dựa trên lợi thế die nhỏ hơn giúp sản phẩm của họ luôn ít hao điện và mát hơn các đối trọng tương đương từ Nvidia. Ngoài ra, riêng về mặt tiêu thụ điện, một card đồ họa hai nhân chắc chắn sẽ đỡ tốn hơn giải pháp hai card đồ họa chạy CrossFire.
HD 6990 nói riêng và dòng 6900 nói chung bao gồm cả Bart và Cayman đều có điện thế Idle là 0,9V. Như đã nói ở trên, tại mức xung mặc định HD 6990 có điện thế nhân là 1,12v so với 1,175v của 6970. Xem qua thì không có vẻ tác dụng cho lắm, nhưng nhìn vào biểu đồ phía dưới, chúng ta sẽ thấy chênh lệch của 0,055v lớn đến thế nào.
Tại trạng thái Idle, điện năng tiêu thụ của HD 6990 rất sát so với các thành viên còn lại trong gia đình 6900.
TDP đo được của hệ thống trong quá trình chơi Crysis. Hơi lạ một chút khi hệ thống sử dụng 6990 lại tiêu thụ nhiều hơn 21W so với hệ thống hệ thống 6950CF, mặc dù trên lý thuyết 375W < 2 x 200W. Có khả năng CPU phải hoạt động nhiều hơn để bắt kịp với sức mạnh của HD 6990 nhằm xử lý nhiều khung hình hơn.
Trong khi đó, chỉ ép xung nhẹ lên 880MHz, điện năng tiêu thụ toàn hệ thống lập tức vọt lên 544W. Tuy vẫn nhỏ hơn con số 564W của 6970CF, nhưng nên nhớ rằng lúc này lượng điện-nhiệt dồn lên chiếc card là 400W+, hậu quả lâu dài là không thể tránh khỏi.
Sử dụng FurMark, lúc này CPU chịu tải hoạt động như nhau trong các hệ thống. Đáng ngạc nhiên khi 6990 vẫn tiêu thụ nhiều điện hơn 6950CF, lần này thậm chí còn hơn đến 41W.
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy thiếu vắng PowerTune, TDP bị “thả rông” như thế nào. Cùng điện thế và cùng mức xung với 6970CF, 6990 OC vẫn ngốn nhiều hơn đến 83W. Chúng tôi không có khả năng đo TDP riêng của chiếc card, nhưng làm phép trừ đối với các linh kiện khác, con số chắc chắn không thể nhỏ hơn 500W! Chỉ có một quạt tản nhiệt để lưu thông nhiệt lượng này. Hãy xem nó có làm tốt nhiệm vụ khó khăn này hay không.
Nhiệt độ chỉ tăng nhẹ từ 86 lên 88 độ C khi chơi Crysis. Đồng thời HD 6990 cũng mát hơn 6970CF 2 độ C.
Một lần nữa đối với FurMark, HD 6990 OC lại làm nên sự khác biệt. Không có PowerTune can thiệp, nhiệt độ vọt lên tới 94 độ C. Có thể chênh lệch so với xung mặc định chỉ là 5 độ C, nhưng nó đã chạm, thậm chí vượt ngưỡng nhiệt độ an toàn của card đồ họa nói chung. Ép xung cao hơn nữa tiềm ẩn nguy cơ rất lớn.
Không có gì ngạc nhiên khi ở chế độ Idle, HD 6990 tỏ ra ồn ào hơn các card đồ họa khác bởi nó có đến 2 GPU cần làm mát. Tuy nhiên chênh lệch cũng không đáng kể lắm.
Và đây là kết quả cuối cùng. Vị vua đa nhân là kẻ “to mồm” nhất. Công nghệ dù có hiện đại đến đâu cũng không thể vượt qua các quy luật vật lý. Nhiệt lượng khủng khiếp đồng nghĩa với yêu cầu lượng gió lớn hơn để làm mát, cũng đồng nghĩa với tốc độ quạt lớn hơn, tiếng ồn khó chịu hơn. Dù trong bất kì cảnh game nào, người dùng cũng sẽ được thưởng thức hiệu ứng âm thanh mưa rơi miễn phí. Có lẽ giải pháp tản nhiệt nước sẽ rất đáng đồng tiền bát gạo.
Kết luận…
Xét trên một khía cạnh nào đó, rõ ràng HD 6990 đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra: (tạm thời) chiếm danh hiệu card đồ họa mạnh nhất hành tinh. Tuy nhiên, rõ ràng đã xuất hiện vài xiềng xích kiềm chế vị thần sức mạnh mới của chúng ta: đó là nhiệt lượng, băng thông bộ nhớ và băng thông PCIe. Rất có thể các phiên bản non-ref đến từ các đối tác của AMD sẽ cung cấp giải pháp tản nhiệt và băng thông bộ nhớ tốt hơn, nhưng giới hạn về băng thông PCI-Express 2.0 thì chắc chắn không thể khắc phục. Đây là thời điểm hợp lý để giao tiếp PCI-Express 3.0 ra đời.
Gác chuyện hiệu năng “ảo” sang một bên, điều các game thủ cần vẫn là khung hình/giây. Đáng buồn là chiếc card 700 USD lại không thể làm tốt hơn cặp 6950 giá chỉ 520 USD, đồng thời còn nóng hơn, tốn điện hơn và ồn hơn. Không chỉ vậy, nếu muốn tiếp cận 6990, người dùng nhất định phải trang bị thùng máy kích thước full-tower không hề rẻ. Giải pháp HD 6950CF chỉ có một nhược điểm duy nhất là đòi hỏi đến 4 đầu cấp nguồn phụ.
Tuy nhiên sẽ rất thiển cận nếu vội vàng đánh giá HD 6990 là một thất bại, bởi như một quy luật, sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các hãng thứ ba (Asus, MSI…) mới hoàn chỉnh và tốt nhất. Hiện tượng nghẽn băng thông PCIe mới chỉ dừng lại ở giả thiết. Cần phải mất một thời gian nữa để chúng ta kiểm nghiệm và khẳng định điều này.
Nhưng chưa phải kết thúc
Cuộc thi “2011 Next Top Graphic Card” mới chỉ bước vào giai đoạn cao trào. Theo thông tin mới nhất, đối thủ hai nhân của HD 6990 - siêu mẫu GTX 590 sẽ bước ra trình diễn trên sân khấu vào ngày 22/3 tới đây. Chắc chắn GTX 590 cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề như HD 6990 đã gặp. Hãy xem liệu Nvidia có đưa ra được giải pháp khắc phục tốt hơn AMD hay không.
Ngoài ra, sản phẩm tầm trung GTX 550 Ti cũng sẽ ra mắt trong khoảng thời gian 13-15/3. Cuộc chiến tại phân khúc tầm trung hứa hẹn sẽ gay go hơn rất nhiều, bởi đây mới là mảnh đất màu mỡ đem lại doanh thu lớn nhất.
Cuối cùng thì bài viết cũng đã hoàn thành. Việc đầu tiên người viết cần phải làm là… mua một bó hoa và dỗ dành nửa kia dự bị - nổi cáu vì bị bỏ mặc suốt 8/3. Nhân vật này có lẽ còn khó chiều hơn cả “người đẹp” HD 6990. Được cái giá hoa hôm nay đã rẻ hơn rất nhiều. Mong rằng sẽ không có card đồ họa hay bộ xử lý hot nào ra mắt đúng dịp 20/10…