Mười năm qua, Microsoft dường như đã và đang để mất rất nhiều thứ. Windows, sản phẩm chủ lực của hãng mặc dù vẫn nắm giữ vị trí đầu bảng trong cuộc đua với trên 85% thị phần nhưng lại đang có xu hướng giảm dần, và chúng ta đang chứng kiến sự đi lên đều đặn về mặt thị phần của Mac OS X.
Mac OS X tăng trưởng chậm nhưng đều.
Một "con gà đẻ trứng vàng" khác của Microsoft là bộ công cụ văn phòng Office dường như không còn là sự lựa chọn duy nhất của người dùng nữa khi mà Google Docs cùng với sự phát triển của các thiết bị di động chạy Android hoặc iOS khiến người sử dụng dần có thói quen đọc và xử lý những chi tiết nhỏ trong văn bản bằng các phần mềm thay thế.
Internet Explorer vẫn nắm ngôi vua của các trình duyệt web, nhưng hầu như chỉ là vì trình duyệt này đang "ăn bám" vào sự thành công của Windows. Các đối thủ của Internet Explorer như Firefox, Chrome đang dần kéo dãn khoảng cách mà IE khó lòng có thể bắt kịp nếu vẫn giữ nguyên tốc độ cải tiến như hiện tại.
Ở mảng hệ điều hành cho smartphone, cùng với
cái chết của Windows Mobile, người kế nhiệm Windows Phone 7 rất chật vật khi phải đối đầu với những đối thủ "đông và hung hãn" hơn như Android, iOS. Sau gần 2 năm ra mắt, Windows Phone vẫn gần như dậm chân tại chỗ trong khi giá thiết bị tụt thê thảm. Đến thời điểm hiện tại, sự "tham chiến" của Microsoft ở mặt trận máy tính bảng gần như là con số không.
Những nỗ lực để xâm nhập mảng sản xuất phần cứng của Microsoft trong 10 năm trở lại đây gần như không đem lại nhiều hiệu quả, ngoại trừ Xbox còn bán tương đối chạy, Zune không thể tranh giành nổi với iPod, chiếc
điện thoại Kin của Microsoft chỉ sống được có 48 ngày trước khi hãng này tuyên bố "khai tử" vì không thể bán được hàng, máy tính bảng Courier từng được hi vọng sẽ dẫn đầu thị trường tablet (trước cả khi iPad ra mắt) bỗng nhiên "chết yểu" mà không có 1 lời giải thích.
Suốt từ năm 2003 tới giờ, cổ phiếu của Microsoft cứ mãi loanh quanh ở mức 25$ trong khi giá trị cổ phiếu của Apple đã tăng lên gấp hơn 20 lần trong cùng giai đoạn. Từng cười nhạo Apple khi công ty này gặp những rắc rối về quản lý và "suýt chết" trong những năm giữa thập niên 90, nhưng khi Apple vùng dậy vào những năm vừa rồi, Microsoft chỉ còn biết bất lực đứng nhìn Apple vượt qua mình cả về giá trị vốn hóa lẫn lợi nhuận.
Đến khi nhìn lại, bỗng nhiên người ta bàng hoàng nhận ra Microsoft đã "đánh rơi" mất chiếc vương miện của "ông vua công nghệ" từ lúc nào không hay.
Trong loạt bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về những nguyên nhân đã "xô" Microsoft khỏi vị trí số 1. Đây sẽ là 1 câu truyện rất dài và nhiều "dây mơ rễ má", xin bạn đọc hãy kiên nhẫn.
Vấn đề bắt đầu từ chóp bu
Không khó để nhận ra, thoái trào của Microsoft bắt đầu từ thời điểm
Bill Gates rời ghế CEO. Năm 2001, Bill Gates quyết định nhường lại ghế CEO cho Steve Ballmer. Mặc dù vẫn giữ nhiệm vụ kiến trúc sư trưởng của Microsoft cho đến tận 2008, về cơ bản, từ 2001 Bill Gates đã không còn điều hành Microsoft.
Thiếu vắng nhạc trưởng Bill Gates, Microsoft lạc vào một mớ bòng bong những sai lầm trong quản lý dưới sự điều hành của Steve Ballmer.
Nói qua một chút về Steve Ballmer, nếu như bạn đọc nào chưa từng (hoặc chỉ nghe sơ qua) về Steve Ballmer, thì sau đây là những gì mà bạn cần biết: Steve Ballmer là nhân viên lâu năm thứ 2 ở Microsoft, chỉ sau Bill Gates. Với tổng trị giá tài sản 15 tỉ $, Ballmer luôn có mặt trong danh sách 50 người giàu nhất hành tinh.
Tuy nhiên có 1 vấn đề đối với Ballmer, ông này không phải là một người có tầm nhìn của 1 CEO, nhất là khi nói tới việc người tiêu dùng "muốn gì và cần gì". Điều này thể hiện rõ nhất qua các nhận xét của Steve Ballmer khi được hỏi về những sản phẩm mới ra mắt của các đối thủ.
Năm 2007, khi được hỏi về chiếc iPhone khi đó mới được Apple giới thiệu và việc Microsoft cảm thấy như thế nào khi Apple luôn rất được lòng người tiêu dùng với những sản phẩm sáng tạo của họ Steve Ballmer cười và đáp:
"Tôi muốn đánh đổi 96% thị phần lấy 4%? (cười)... iPhone sẽ không thể nào ngóc đầu lên để chiếm lĩnh thị phần được. Không thể!... Nếu nhìn vào 1,3 tỉ chiếc điện thoại hiện có trên thị trường, Microsoft thà có HĐH của mình được cài đặt trên 60-80 % trong số đó còn hơn là bán ra 2-3% do mình sản xuất”
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã biết rất rõ ràng rằng iPhone có "chiếm lĩnh được thị phần" hay không.
Windows dường như là cách Steve Ballmer trả lời cho mọi vấn đề. Smartphone? Windows. Tablet? Windows.
Cuối 2007, khi Android ra mắt, Steve Ballmer cũng trả lời báo chí rất thản nhiên:
"Họ (Google) có 1 thông cáo báo chí mới, tuy nhiên chúng tôi có hàng triệu khách hàng, nhiều phần mềm tuyệt vời và rất nhiều nhà sản xuất hỗ trợ. Họ (Google) luôn được chào đón trên lãnh địa của chúng tôi (Microsoft)". Bên cạnh đó, Ballmer cũng cho rằng Android sẽ sớm thất bại như "mưa bóng mây".
Đứng từ năm 2011 nhìn lại những phát biểu ở 2007 của Steve Ballmer, chúng ta khó có thể tin được rằng 1 CEO của đại gia số 1 thế giới trong lĩnh vực CNTT lại có thể có những phát biểu thiển cận như thế. Thực tế đã chứng minh, Windows Mobile mới là "cơn mưa bóng mây" còn Android hiện tại đang được sử dụng trong hơn 40% số smartphone hiện có trên thị trường.
Những tuyên bố của Steve Ballmer đã cho chúng ta thấy phần nào về tính cách và tầm nhìn của ông. Trong khi tất cả thị trường đang chuyển mình theo smartphone và tablet, Steve Ballmer vẫn tự tin rằng Microsoft có thể cứ bám vào Windows để vượt qua thời điểm khó khăn này. Dường như Steve Ballmer tin rằng cứ ngồi im 1 chỗ, 2 tay ôm đầu là mọi sóng gió sẽ dần tan và rồi khi cơn sốt tablet, smartphone lắng dịu người ta sẽ quay trở lại với Windows và PC.
Báo cáo tài chính gần đây của HP, hãng sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới đã chứng minh Steve Ballmer đang sai. Chỉ giữa 2 tháng 5 và 7, lượng PC mà HP bán ra cho người tiêu dùng cá nhân giảm 17%. Tốc độ tiêu thụ giảm chóng mặt khiến CEO của HP phải cay đắng thốt lên rằng "
Các ảnh hưởng của máy tính bảng là có thật!"
Những ai từng cho rằng máy tính bảng, smartphone và thời kỳ hậu-PC sẽ thay thế kỷ nguyên PC chỉ là lý thuyết nhảm nhí thì giờ đây có những lý do rất thuyết phục để suy nghĩ lại. Steve Ballmer là 1 trong số đó.
Không chỉ có một tầm nhìn hạn hẹp, Steve Ballmer còn rất nổi tiếng với những phát biểu thiếu suy nghĩ.
Trong 1 lần được hỏi rằng ông có sử dụng các sản phẩm của Apple hay không, Steve Ballmer trả lời báo chí: "Tôi không, vợ tôi không và các con của tôi cũng không nốt". Không iPod, không iPhone, không iPad, không Macbook, không Google là những gì mà con cái nhà Ballmer được dạy từ thuở lọt lòng.
Tất nhiên chẳng có cổ đông Microsoft nào muốn CEO của mình đi quảng cáo cho các sản phẩm của đối thủ. Tuy nhiên câu trả lời của Steve Ballmer khiến người ta cảm thấy ông này dường như đang cố bịt tai nhắm mắt, chối bỏ thực tại. Và dù cho Steve Ballmer có "bế quan tỏa cảng" thế nào đi chăng nữa, 1 sự thực không thể thay đổi được là Google Search, Android và iOS vẫn đang đe dọa Microsoft ở mọi mặt và sức ép mỗi ngày 1 lớn hơn. Trong khi đó, Steve Jobs, khi được hỏi về vấn đề tương tự, đã trả lời “Tôi có 1 chiếc Zune, 1 chiếc iPod và cả các loại khác nữa. Tôi có hầu như tất cả các loại máy nghe nhạc. Tôi muốn tự mình xem các đối thủ đang tiến đến đâu, và khách hàng đang có những sự lựa chọn nào....”
Câu trả lời của Steve Jobs rõ ràng là khôn ngoan và thực tế hơn rất nhiều. Và cũng không khó hiểu khi Microsoft trong suốt 10 năm nay không tạo ra được 1 sản phẩm đột phá nào. Lý do có lẽ chính là vì Microsoft đang phải dựa vào những người như Ballmer để đưa ra những quyết định mang tính chủ chốt.
Không phủ nhận rằng, dưới "triều đại" của Ballmer, Microsoft cũng có được 1 vài bước đi hợp lý, điển hình trong số đó là việc hãng này xâm nhập thành công thị trường máy chủ và cái bắt tay với Facebook khi MXH này còn đang non nớt. Nhưng những quyết sách sai lầm của Steve Ballmer đã góp phần vào việc khiến Microsoft "dậm chân tại chỗ" suốt 10 năm qua.
Chưa hết, nếu bạn đọc lên Google đánh vào từ khóa Steve Ballmer, những kết quả trả về từ Youtube sẽ cho bạn thấy 1 Steve Ballmer đang chạy đi chạy lại trên sân khấu, la hét ầm ĩ. Phong cách diễn thuyết của Steve Ballmer gần như đã trở thành 1 thương hiệu của ông, cũng giống như Steve Jobs. Tuy nhiên, nếu như người ta ngưỡng mộ Steve Jobs vì phong thái tự tin và cách thuyết phục người nghe thì ở Ballmer, họ chỉ thấy nực cười vì những trò lố bịch của ông này trên sân khấu.
Microsoft đang nằm dưới quyền quản lý của một người như thế này?
Năm 1991, trong 1 buổi diễn thuyết ở Nhật Bản chuẩn bị cho lễ ra mắt Windows, Steve Ballmer đã suýt bị... đứt dây thanh quản vì hét liên tục "Windows Windows..." quá to và sau đó phải trải qua một cuộc phẫu thuật để khắc phục hậu quả của sự nhiệt tình thái quá.
(Còn tiếp)