Khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam hầu hết vẫn theo dõi từng tình tiết trong bộ phim truyền hình có số tập "khủng long" Cô Dâu 8 Tuổi nhưng ít ai biết đến công việc "sau cánh gà" của nhóm lồng tiếng thật sự ra sao. Mới đây, chúng tôi đã có dịp đặt những câu hỏi phỏng vấn độc quyền với nhóm lồng tiếng "cơn sốt phim ngàn tập" này tại Việt Nam và nhận được nhiều câu trả lời thú vị. Mời bạn cũng xem nhé!
Cảm nghĩ của anh/chị thế nào khi lồng tiếng cho bộ phim dài gần 2000 tập?
Thật sự thì “Cô Dâu 8 Tuổi” là dự án truyền hình dài hơi nhất từ trước đến nay chúng tôi đảm nhận việc lồng tiếng. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ mới thực hiện khâu lồng tiếng cho hơn 500 tập phim và phải nói rằng, xuyên suốt quãng thời gian này chúng tôi chỉ ăn và ngủ cùng phim- đó là một trải nghiệm khá thú vị (Cười).
Điều khiến anh/chị mệt mỏi nhất khi theo đuổi bộ phim dài hơi này là gì?
Như đã nói, việc lồng tiếng cho một tác phẩm truyền hình đã từng rất thành công về mặt doanh thu lẫn ý nghĩa nhân văn như “Cô dâu 8 tuổi” mang đến cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị, dù đôi lúc cũng khá áp lực vì sự thành công quá lớn của phim trước khi đến với Việt Nam. Công việc mà, cũng phải có lúc này lúc kia, nhưng mệt mỏi vì phải lồng tiếng cho phim thì chắc chắn là không có. Lồng tiếng phim không chỉ là lựa chọn công việc mà đó còn là niềm đam mê của tất cả chúng tôi nữa. Các diễn viên họ đam mê diễn xuất, đạo diễn đam mê chỉ đạo diễn xuất thì chúng tôi, lồng tiếng cũng là niềm đam mê và mang đến cho chúng tôi niềm vui nhất định.
Thời gian biểu một ngày làm việc của mọi người như thế nào?
Cũng giống như mọi người thôi. Một ngày 8 tiếng, nhưng có lẽ chúng tôi được bắt đầu công việc muộn hơn các bạn 1 tí (Cười). Một ngày làm việc của chúng tôi sẽ bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc 5h chiều.
Team đã từng làm dự án lồng tiếng nào lớn như “Cô Dâu 8 Tuổi” chưa?
Trước đây chúng tôi cũng có lồng tiếng cho một dự án có độ dài cũng khá… dài. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại thì “Cô Dâu 8 Tuổi” vẫn là dự án truyền hình dài hơi nhất mà chúng tôi có cơ hội làm việc.
Hai câu hỏi vui: Khi lồng tiếng đầu có… lắc lư không?
“Lắc lư” là sao ạh (Cười lớn). Nếu hiểu theo nghĩa “lắc lư” vì mệt thì chắc chắn là không có. Còn nếu hiểu “lắc lư” vì “say” nhân vật, “say” thoại… thì cũng có đôi chút. Thật ra người diễn viên lồng tiếng cũng không khác gì so với công việc của một người diễn viên trên phim trường cả, nếu như người diễn viên ra phim trường cần phải “thấm” tính cách, cuộc đời nhân vật thì người diễn viên lồng tiếng cũng phải “thấm” thoại. Họ cũng cần phải hiểu về nhân vật cũng như các mối quan hệ đan xen, có như vậy, thoại mới có hồn và mới “đâu ra đó” được.
Và một tập có bao nhiêu chữ “ơi thần linh, hỡi thần linh”?
Bà nội là "chuyên gia" phát ngôn câu "Ôi thần linh ơi!"
Không quá 4 lần/tập. Nhưng không phải tập nào cũng có. Thật tâm mà nói, dù chỉ là những người lồng tiếng cho phim thôi, nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy vui khi phim tạo được hiệu ứng truyền thông khá tốt, có những lời thoại các bạn thuộc nằm lòng, đó là điểm đặc biệt mà không phải tác phẩm nghệ thuật thứ 7 nào cũng làm được. Riêng với “Cô dâu 8 tuổi”- một bộ phim đến từ nền văn hóa Ấn-Hằng, thì chắc có lẽ các bạn cũng biết, Ấn Độ là một quốc gia phương Đông sở hữu nhiều nét huyền bí cả về văn hóa, kiến trúc lẫn tôn giáo. Đời sống tâm linh cũng là đặc điểm nổi trội mỗi khi nhắc đến quốc gia này. Với người Ấn Độ, họ có niềm tin rất lớn vào thần linh, đó vừa là đấng tối cao có thể nhìn thấy cũng như thấu hiểu tất cả những tâm tư, nguyện vọng của con người… nên cứ mỗi lần gặp bất trắc, vui vẻ, nói chung là những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời, thì người đầu tiên họ nhớ đến chính là “thần linh”. Đó cũng là lý do để cụm từ “ơi thần linh, hỡi thần linh” thường được nhắc đến trong chiều dài của phim.
Cám ơn sự nhiệt tình của anh/chị nhóm lồng tiếng, xin chúc cho bộ phim và công việc lồng tiếng của nhóm luôn được đón nhật nồng hậu!
Bên cạnh đó, các fan của phim đang háo hức trước tin vui hai diễn viên của bộ phim Avinash Mukherjee - vai Jagdish, chồng của "Cô Dâu 8 Tuổi" và Smita Bansal - vai mẹ của Jagdish sẽ lần đầu tiên đặt chân đến TP. HCM để gặp gỡ, giao lưu với người hâm mộ.
Avinash Mukherjee sinh năm 1997, đảm nhận vai Jagdish - chồng nhí của Anandi trong trong hơn 500 tập phim đầu tiên
Diễn viên gạo cội của Ấn - Smita Bansal thủ vai bà Simutra - mẹ của Jagdish - chồng của Anandi
Bộ phim truyền hình Ấn Độ mang tên Cô Dâu 8 Tuổi (Balika Vadhu) gây một cơn sốt "gián tiếp" đến giới trẻ Việt Nam bởi người người, nhà nhà đều đón xem câu chuyện gia đình xoay quanh những phong tục, lễ nghi của Ấn. Phần lớn đối tượng khán giả xem truyền hình là các vị nội trợ trong gia đình, bộ phim nhận được rất nhiều phản hồi của giới trẻ bởi TV ở nhà thường bị "Cô Dâu" chiếm lĩnh bởi bà, mẹ hoặc dì đang "mê mệt" theo dõi bộ phim. Bộ phim này hiện đang phát sóng đến tập 1954 tại "quê mẹ" Ấn Độ và có nhiều khả năng được khai thác cán mốc con số 2000 tập.