Cư dân mạng phát sốt vì các chiêu "câu giờ" của Cô Dâu 8 Tuổi

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/06/2015 11:54 AM

Trong những ngày vừa qua, cộng đồng mạng đang rất xôn xao về bộ phim dài tới gần 2000 tập - Cô Dâu 8 Tuổi do Ấn Độ sản xuất.

Nếu coi mạng xã hội như một đại dương thì có lẽ mạng xã hội tại Việt Nam xứng đáng với danh hiệu đại dương nhiều sóng và gió nhất. Trong những ngày vừa qua, cộng đồng mạng nước nhà lại được dịp xôn xao khi mà "cơn sóng" mới mang tên Cô Dâu 8 Tuổi bắt đầu nổi lên như một hiện tượng.

Dạo qua một vòng các topic bình luận về bộ phim này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt những câu chuyện hài hước bên lề cực kì khó đỡ với bộ phim dài tới gần... 2000 tập này. Hãy cùng chúng tôi đóng vai làm một "kẻ ngoại đạo" để thâm nhập vào trào lưu mới mang tên Cô Dâu 8 Tuổi này nhé.

Bộ phim dài tới... 2000 tập

Có thể nói là điểm gây chú ý và được bàn tán nhiều nhất về Cô Dâu 8 Tuổi chính là độ dài của phim. Nội dung phim xoay quanh cuộc đời của cô vợ nhí 8 tuổi Anandi tại nhà chồng với những tập tục cổ hủ khiến cuộc sống của cô bé trở nên cực kì khó khăn tại gia đình nhà chồng.

Cốt truyện của phim không quá mới nhưng số tập đã được sản xuất của phim sẽ thực sự khiến bạn phải giật mình. Theo nhà sản xuất tiết lộ thì phim gồn 1927 tập, khởi chiếu ở Ấn Độ từ tháng 7/2008 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Phim sẽ được chia ra thành 3 phần, kể về các quãng thời gian trong cuộc đời của cô dâu nhí Anandi. Tập 1 đến tập 516 sẽ về Anandi lúc nhỏ, tập 516 đến 1214 sẽ về Anandi lúc trưởng thành và gần 700 tập phim cuối cùng sẽ kể về Anandi lúc tuổi trung niên.

Hiện tại ở Việt Nam, phim mới được chiếu đến tập thứ... 200 nên các tín đồ của cô dâu 8 tuổi này hãy cứ yên tâm là bạn mới chỉ xem được một nửa quãng thời thơ ấu đặc biệt của cô bé Anandi mà thôi. Hãy cứ bình tĩnh thưởng thức tiếp hơn 300 tập nữa trước khi tạm biệt với hình ảnh cô bé Anandi thuở nhỏ.

Các cảnh quay "câu giờ"

Ban đầu, chính người viết cùng rất nhiều khán giả khác chưa từng xem Cô Dâu 8 Tuổi cũng đều ngạc nhiên và phải đặt ra câu hỏi về việc làm sao mà đội ngũ đạo diễn, biên kịch của phim này lại có thể có đủ ý tưởng để kéo dài phim tới hàng nghìn tập như vậy.

Câu trả lời đã được giải đáp phần nào khi chúng tôi được xem một vài cảnh phim. Điều dễ nhận thấy nhất chính là sau mỗi cảnh phim, mỗi câu thoại, sẽ đi liền sau đó là một cảnh quay cận mặt các nhân vật để người xem thấy được biểu cảm từng người. Sau đó mỗi nhân vật lại nói một câu thoại và rồi chúng ta lại có được một series các cảnh quay cận mặt từng nhân vật trong gia đình một lần nữa.

Những tình huống câu giờ khó đỡ của phim

Những tình huống câu giờ "khó đỡ" của phim

Nhiều khán giả sau khi xem xong phim còn ví vón một cách khá hài hước, đó là nguyên những cảnh quay "ảnh thờ" (quay cận mặt sát như chụp ảnh bàn thờ) thế này đã chiếm quá nửa phim rồi thì bảo sao phim chẳng kéo dài.

Những tình tiết "khó đỡ"

Nếu bạn đã từng đọc các bộ truyện tranh có độ dài "vô địch" như Thám Từ Lừng Danh Conan thì chắc chắn bạn sẽ hiểu rằng một tác phẩm kéo dài như vậy thường đi kèm với nhiều lỗi logic như kiểu Conan trải qua không biết bao nhiêu mùa hè, bao nhiêu mùa Valentine mà vẫn... chưa lên lớp chẳng hạn. Bộ phim Cô Dâu 8 Tuổi mà chúng ta đang nói đến ở đây cũng không thể tránh khỏi những lỗi logic cực kì "khó đỡ" như vậy.

Với độ dài hàng trăm, hàng nghìn tập như vậy thì việc bạn bắt gặp hai nhân vật có nụ hôn kéo dài tới 2 tập hay thậm chí có nhân vật chửa mà tới cả trăm tập sau vẫn... đang trong tư thế chuẩn bị đẻ. Thậm chí phim còn khiến khán giả bất ngờ trước sự tiến bộ của y học khi bị bắn vào giữa trán mà... chỉ cần đưa đi viện là được cứu sống.

Những tình tiết "khó đỡ" như vậy thực sự khiến người xem cảm thấy khó chịu. Đơn cử như anh bạn ngồi cạnh tôi, sau khi xem xong cảnh này đã phải thốt lên: "Phim kiểu quái gì vậy? Đây mà là trào lưu mới á? Để tao down thêm vài tập nữa xem xem còn cái gì hài hước kiểu này nữa không."

Những người phản đối

Khi "cơn sóng" Cô Dâu 8 Tuổi mới bắt đầu lăn tăn trên mạng xã hội thì đã có không ít người bày tỏ quan điểm phản đối, cho rằng phim khuyến khích vấn đề tảo hôn và thậm chí còn đề cập đến những sự ảnh hưởng tiêu cực khác của phim đối với xã hội

Thế nhưng đa phần những độc giả này đều không biết rằng ngay từ những ngày đầu 2008 khi phim được bắt đầu ra măt, tại ngay chính quê nhà Ấn Độ, phim cũng từng bị cấm chiếu do đả động đến hủ tục tảo hôn. Thế nhưng sau đó, trước sự phản đối của công chúng thì phim đã lại được công chiếu và đến nay đã kéo dài tới hơn 1000 tập.

Có thể nói rằng những người phản đối vì cho rằng phim cổ vũ tục tảo hôn đều là người chưa xem hoặc ít xem bộ phim này bởi phim còn phản ảnh những bất cập, những vấn đề rất đời thường trong hôn nhân gia đinh ở xã hội hiện đại chứ không hề mang tính tiêu cực như họ lầm tưởng.

Thêm vào đó, cái lý lẽ phim về tục tảo hôn là phải cấm cũng thực sự không hợp lý. Bởi nếu như vậy, chúng ta cấm mua bán sử dụng ma túy thì các bộ phim như kiểu Cảnh Sát Hình Sự, đề cập tới vấn đề này cũng sẽ phải bị cấm chiếu hay chăng?

Thế nhưng dù sao thì đây cũng là điều giúp cho phim kéo dài hơn và thu hút được nhiều khán giả hơn nữa bởi đa phần chúng ta ai cũng muốn xem những bộ phim xoay quanh các đề tài gây tranh cãi như thế này

 

"Nhặt sạn" cho các bộ phim cổ trang Hàn