Đánh giá Ant-Man – Bom tấn tháng 07 cho fan phim hành động

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/07/2015 04:08 AM

Ant-Man không phải là sản phẩm xuất sắc nhất mà Marvel đem tới cho người hâm mộ từ trước tới nay, thế nhưng nó vẫn xứng đáng phần nào với cụm từ "bom tấn"

Sau cú hit lớn mang tên Avengers: Age of Ultron vào hồi tháng 05, vào tối qua 21/07, chúng tôi đã có cơ hội thưởng thức suất công chiếu đầu tiên của bộ phim Ant-Man – Người Kiến. Đây là bộ phim thứ hai trong năm 2015 này của Marvel Cinematic Universe, và cũng là sản phẩm điện ảnh đầu tiên đánh dấu sự ra mắt Hollywood của một trong những nhân vật siêu anh hùng được quan tâm nhất xét riêng tới những fan truyện tranh của Marvel.

Trong bài viết đánh giá chi tiết này, bản thân tôi sẽ không tiết lộ bất kỳ nội dung cốt truyện nào của bộ phim, mà sẽ chỉ đưa ra những cảm nhận cá nhân sau khi thưởng thức bộ phim này mà thôi. Có lẽ đây là cách đánh giá một bộ phim một cách hoàn hảo nhất khi phần đông các fan hâm mộ chúng ta vẫn chưa có cơ hội ra rạp để theo dõi một trong những bộ phim đáng thưởng thức nhất dịp hè 2015 này.

Tôi không phải một fan gộc của Marvel, và vì thế trước khi ra rạp, tôi buộc phải tìm đọc mọi thứ mình có thể tìm kiếm về tiến sỹ Hank Pym, cách ông tạo ra thứ vật chất giúp các phân tử có thể co giãn về thể tích, từ đó giúp phóng to thu nhỏ mọi vật, kể cả cơ thể các động vật sống, trong đó có chính bản thân Hank.

Thế nhưng phim không làm theo “sách vở” như vậy. Hank Pym vẫn là “Người Kiến”, nhưng ông đã trút bỏ bộ y phục đặc biệt này và tìm cách… trao nó cho Scott Lang, một tên trộm có những nét tính cách rất giống Robin Hood, thích làm điều nghĩa hiệp nhưng lại đang trầy trật sau khi ra tù và đang cố làm mọi thứ để được gặp lại cô con gái của mình.

Vẫn là một âm mưu đe dọa tới cả nhân loại giống như Age of Ultron, vẫn là kế hoạch ngăn chặn những kẻ phản diện đạt được mục đích của chúng, thế nhưng thay vì là một màn trình diễn mãn nhãn của những cảnh hành động, những pha chiến đấu một cách mãn nhãn và lóa mắt, Ant-Man lại giống một bộ phim “dàn cảnh cướp ngân hàng” như chúng ta từng được chứng kiến trong những bộ phim như Ocean Thirteen hay The Bank Job.

Sau khi sở hữu bộ suit có khả năng thu nhỏ cơ thể, Scott Lang không lao ngay vào những trận chiến dữ dội để giành lấy phần vinh quang như những siêu anh hùng của những bộ phim khác. Anh phải có những bước tiến, chậm và chắc, dưới sự dìu dắt của hai cha con nhà Pym để có thể đạt được mục đích của cả ba. Đây là điểm tôi thích nhất ở Ant-Man. Không còn những bữa tiệc hành động mãn nhãn, thay vào đó là một nhịp độ phim chậm lại một chút nhưng vẫn tràn đầy phong cách của Marvel. Tiếc một chút, điều này vừa hay, nhưng lại vừa dở.

Vì sao lại như vậy? Vì phim có hàng tá, xin nhắc lại, hàng tá những câu thoại theo kiểu “đùa nhạt” để giành lấy tiếng cười từ khán giả. Bản thân những bộ phim của Marvel trước giờ vẫn vậy, thế nhưng có vẻ các nhà biên kịch đã lạm dụng hơi quá đà, khiến cho người xem bị “loạn” trong việc bắt nhịp cảm xúc nhân vật. Ví như cảnh hai cha con Hank Pym sau khi cô con gái hàn gắn tình cảm với ông bố, thì hỡi ôi một câu thoại bông đùa của anh Lang đã khiến cảnh đoàn tụ chẳng còn đọng lại gì trong tâm trí người xem, dĩ nhiên là sau tràng cười gượng gạo trong khán phòng rạp chiếu phim.

Thế nhưng nếu không có những cảnh hài hước như thế này, phim sẽ rất nhạt. Điều may mắn là, những trò đùa mà Marvel nhồi nhét vào Ant-Man có tới 80% tỷ lệ thành công, tạo ra những tràng cười sảng khoái như những gì đã làm được trong Guardians of the Galaxy, và bản thân tôi sau vài tiếng đồng hồ xem phim vẫn nghĩ rằng những đoạn hội thoại của ba anh chàng bạn cùng phòng với Scott Lang vẫn còn nhí nhố gấp vài lần.

Đó là về mặt nội dung phim. Về phần cốt truyện và cách câu chuyện được các biên kịch bóc tách, bản thân tôi thật sự không tìm ra điểm để chê bai, ngoại trừ việc đôi khi một số hình ảnh tưởng chừng không quan trọng lại được lạm dụng hơi quá, khiến cảm giác phấn khích ở “cảnh thứ ba” (third act – phần kết của mọi bộ phim thuộc phong cách “heist”) của một vài người xem khó tính không được như mong muốn.

Tuy nhiên phải dành lời khen ngợi tới đội ngũ viết kịch bản của Ant-Man. Công sức đọc truyện tranh cả tuần lễ của tôi bỗng hóa thành công cốc, vì diễn biến phim khá tương đồng với Iron Man 3, nơi mọi hiểu biết của dân cuồng Marvel đều trở thành vô giá trị. Cách mà cô nàng Wasp đời đầu tiên (Janet Van Dyne, mẹ của Hope, nhân vật được Evangeline Lilly thủ vai) xuất hiện cũng ở chừng mực vừa đủ, tạo ra cơn “thèm” của fan, khi họ muốn biết nhiều hơn, xem nhiều hơn những thứ Hank và Janet đã làm khi còn ở bên nhau.

Cũng có những đoạn, trong khán phòng chỉ lác đác vài tiếng cười vang lên, đó là lúc những câu thoại vui vẻ với nội dung liên quan tới Avengers Age of Ultron hay những bộ phim khác được các nhân vật đưa ra. Thêm một điểm cộng nữa dành cho Ant-Man. Ít nhất thì bộ phim cũng không quá xa rời với những sản phẩm trước đó của Marvel, nhất là khi Ant-Man được cho là một trong số những nhân vật quan trọng nhất trong Captain America: Civil War sẽ ra mắt vào hè 2016 tới.

Suất chiếu premiere mà chúng tôi được thưởng thức vào tối qua là phiên bản 3D. Và phải nói một điều, dù rằng tôi thật sự không mê phim 3D cho lắm vì chứng cận thị, nhưng nếu có cơ hội thưởng thức, đừng ngần ngại lựa chọn phiên bản 3D của bộ phim này. Hiệu ứng hình ảnh vẫn được chăm chút một cách kỹ lưỡng, có cả chiều sâu không gian lẫn cảm giác hình ảnh, tạo ra trải nghiệm phim khá mỹ mãn, nhất là trong những cảnh Scott Lang biến thân trở thành người tý hon. Tuy nhiên cũng giống như Avengers 2, một số cảnh hành động vẫn hơi loạn nhịp và không đem lại ấn tượng mạnh.

Về mặt diễn xuất, vì là một bộ phim giải trí nên thiết nghĩ chúng ta cũng nên dễ tính một chút với các diễn viên. Paul Rudd diễn vai Scott Lang khá tròn vai, bỏ qua những màn chọc nách khán giả như tôi vừa đề cập ở trên thì khó lòng chê bai anh chàng này, vì phần công việc của anh ta thật sự cũng không nhiều nếu so sánh với Evangeline Lilly và Micheal Douglas.

Lilly thật sự chưa thuyết phục tôi. Một mặt, cô hận ông bố đẻ ra mình tới tận xương tủy vì bỏ rơi mình trong lúc khó khăn nhất, những mặt khác, ông lại là hy vọng cuối cùng để cô có thể chặn đứng “anh bạn trai”, vốn cũng là học trò cũ của chính Hank Pym. Cuộc đấu tranh nội tâm của Hope van Dyne chưa đủ “sâu”, nhưng may mắn thay những cảnh hành động, hình ảnh đẹp của bộ phim và những tràng cười sẽ khiến khán giả phần nào quên đi điều đó.

Thế nhưng Micheal Douglas lại là một khía cạnh hoàn toàn khác. Ông vào vai một cách gần như hoàn hảo một khoa học gia, một người cha, một người thầy. Ông có thể liều tất cả, nhưng không thể nào đánh đổi tính mạng đứa con gái duy nhất của mình. Hình ảnh ông già khù khoằm, ban đầu tưởng chừng xấu tính nhưng lại vô cùng nhân hậu dần dần được bóc tách khi diễn tiến phim trôi về hồi kết.

Nhân tiện nhắc tới “anh bạn trai” của Hope, Darren Cross - Yellowjacket, do Corey Stoll thủ vai. Xét về độ “lạnh”, tôi dám chắc chắn anh hợp với vai sát thủ 47 hơn so với Rupert Friend trong bom tấn sắp ra mắt tháng tới. Tương đồng với đó là độ “nhạt”. Vốn là một khoa học gia, giờ đây Cross có hai mục tiêu: Vượt mặt ông thầy giáo cũ, và kiếm thật nhiều tiền từ việc này. Thế nhưng Corey không có nhiều đất diễn, khi người xem mải mê theo dõi từng bước tiến của Scott Lang chứ không phải là âm mưu ma quỷ của anh chàng này.

Tổng kết lại, ở mức 7 trên thang điểm 10, Ant-Man không phải là sản phẩm xuất sắc nhất mà Marvel đem tới cho người hâm mộ từ trước tới nay, thế nhưng nó không phải là một sản phẩm dở tệ, rất phù hợp để các fan của Marvel hay các gia đình đưa con em ra rạp trong kỳ nghỉ hè vẫn đang diễn ra. Lời cuối xin dành riêng cho các fan trung thành của Marvel, hãy nán lại rạp cho tới khi nào đèn bật sáng, lý do vì sao hẳn các bạn cũng đã biết rồi đấy.