"Không gọi con cái là con nghiện game"

Hoàng Hôn  - Theo Thời Đại | 31/10/2016 05:50 PM

Chuyên gia sản xuất game cho rằng các phụ huynh không nên gọi con cái là những "con nghiện game" mà nên dành thời gian để chia sẻ và trao đổi cùng con.

Buổi tọa đàm "Game online – Nên hay không nên chơi” là cơ hội để các chuyên gia, phụ huynh, học sinh chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Từ đó, mọi người sẽ có cách nhìn nhận về game online một cách đúng đắn.


Chương trình có sự tham gia của nhiều khách mời, các chuyên gia uy tín

Chương trình có sự tham gia của nhiều khách mời, các chuyên gia uy tín

“Trò chơi điện tử” đã du nhập vào Việt từ những năm 1980 với chiếc máy xếp gạch chạy pin, game tay cầm 6 nút hay máy playstation.

Cùng với sự phát triển của Internet và khoa học công nghệ, hình thức chơi game trực tuyến (game online) hay game thực tế ảo đã ra đời và sớm trở thành trào lưu của các bạn trẻ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng (Trưởng phòng nghiên cứu phát triển ứng dụng đa phương tiện, giảng viên khoa Công nghệ đa phương tiện, Học viện Bưu chính Viễn thông) cho biết: “Trò chơi này giúp người chơi hóa thân thành nhân vật, được trải nghiệm cảm xúc với những thứ mới mẻ mà thực tế không thể thực hiện được. Game thủ chuyên nghiệp phải tập thể thao để có sức khỏe, phải sắp xếp thời gian chơi hợp lý”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng nêu trường hợp nhiều bạn ham mê quá độ có thể dẫn đến xa rời cuộc sống thực, ảnh hưởng đến sức khỏe như đau vai gáy, suy giảm thể lực, trí tuệ, xa rời các mối quan hệ xã hội, thậm chí là quá nhập tâm vào những game bạo lực có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi.


Theo ông Hoàng, game thủ chuyên nghiệp phải tập thể thao để có sức khỏe, phải chia giờ chơi hợp lý.

Theo ông Hoàng, game thủ chuyên nghiệp phải tập thể thao để có sức khỏe, phải chia giờ chơi hợp lý.

Anh Nguyễn Khánh Duy, Tổng giám đốc điều hành Tofu Games cũng cho biết thêm: “Tâm lý mọi nhà sản xuất game đều muốn game của mình trở nên phổ biến, nhiều người chơi nhất nhưng nhà sản xuất cũng không muốn gây tổn hại đến người chơi. Do đó các em đừng đến bị cuốn theo các trò chơi ảo”.

Anh Khánh Duy cũng vọng rằng ba mẹ không nên gọi các con là những con nghiện game, đó là một điều đáng sợ và nguy hại, các bạn trẻ sẽ rất dễ tâm lý phản ứng. Thay vì thế, phụ huynh hãy ngồi xuống nói chuyện với con.

“Đối thoại với ba mẹ là quan trọng, để các em hiểu ba mẹ và ba mẹ cũng sẽ hiểu thêm về game. Các em hãy chủ động nói chuyện và hiểu ba mẹ mình, và học tập tốt. Đó là cách để thuyết phục bà mẹ cho chơi game, vì cuối cùng game cũng là một cách giải trí, dùng đúng chừng mực và không làm ảnh hưởng đến mọi người sẽ là có lợi”, anh Khánh Duy nói.

Trong khi đó, ông Trần Vũ Quang (Phó hiệu trưởng trường THPT FPT) cho rằng, có nhiều bạn trẻ chơi game mà bỏ bê học hành, xa rời các hoạt động tập thể.

"Thay vì việc chú tâm vào trò chơi này, các bạn học sinh hoàn toàn có thể biến game online thành đam mê và theo đuổi nó một cách tích cực", ông Quang nói.

Thầy Quang cho biết có khá đông học sinh chơi game online, có thể chia làm ba nhóm sau. Nhóm giải trí chơi game để giải trí sau giờ học căng thẳng, điều hướng được mục đích chơi game.

Nhóm hai là các bạn ham thích game, sống với đam mê đó nhưng chưa khống chế được sở thích. Nhóm ba là các bạn lạc lối với sở thích, đam mê đó, tranh thủ quá nhiều thời gian để sống với game.

Thầy Trần Vũ Quang chia sẻ "nhà trường không cấm nhưng không chế thời gian các bạn chơi game”.

Buổi tọa đàm “Game Online – Nên hay không nên chơi” là một phần trong chương trình Công dân số của trường THPT FPT kết hợp với Đại học trực tuyến FUNiX, nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ, kiểm soát hành vi trên Internet.

Theo VTC News