"Ném đá hội đồng" và câu chuyện văn hóa trên internet Việt

Teddy  | 07/11/2011 0:00 AM

Ném "đá", quăng "gạch' hội đồng đang khiến một bộ phận cư dân mạng trở nên xấu xí.

Bên cạnh vấn nạn spam, nói tục, tung tin thất thiệt trên các forum, blog, mạng xã hội… việc a dua, "ném đá hội đồng" đã và đang là một căn bệnh nhức nhối, gióng lên những hồi chuông đáng báo động về văn hóa của người dùng Internet.

Nguồn gốc của trào lưu “ném đá hội đồng” trên mạng

Comment - bình luận ra đời như là một phần tất yếu của Internet, khi sự tương tác giữa người viết và người đọc ngày nay được coi trọng hơn bao giờ hết. Mạng xã hội, forum, blog… là nơi để cư dân mạng tự do bày tỏ quan điểm của bản thân mà không phải chịu những barie ngăn cấm nào cả.


Trên lí thuyết, mỗi cư dân mạng là một tế bào của cộng đồng, phải có văn hóa và ý thức xây dựng cộng đồng chung ngày càng vững mạnh. Nhưng trên thực tế, nhiều thành viên lại thuộc dạng “bát nháo chợ trời”. Ngoài đời thực có gì thì trong thế giới ảo đủ cả. Tốt và xấu như bên nhau song hành trong một thế giới mà không ai biết tới ai. Chỉ bằng việc lập một tài khoản ảo, mỗi người đã có thể trở thành một phần của thế giới mạng, đường hoàng ngồi trước màn hình post comment lên mặt dạy dỗ anh A, chị B nào đó, chửi bới những ai không vừa ý theo tâm lí đám đông.

“Ném đá hội đồng” – lối nói vui chỉ việc cư dân mạng theo tâm lí đám đông phản đối gay gắt góc nhìn của một hoặc một số người, vì trái quan điểm với đa số hay “khó gần”. Sự bắt nạt tập thể một ai đó trên Internet này tuy ảo nhưng lại được tiếp tay bởi vô số thành viên hung hãn, quá khích khác a dua theo.

Ngoài đời, có thể họ là những con người nhã nhặn, lịch sự… Nhưng trong thế giới ảo, bản tính của họ đã thay đổi hoàn toàn, sẵn sàng a dua theo bất cứ hội, nhóm nào gay gắt phản bác những quan điểm không được sự đồng thuận của đa số, bất kể đó là một quan điểm sai hay đúng. Thói “ném đá hội đồng” đã manh nha ra đời và từ đó dần trở thành một “con sâu” trong thế giới Internet muôn hình vạn trạng.

Vào mạng xã hội, forum để… lắng nghe tiếng “gạch đá” rơi

Hải Anh, sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Trước đây mình cũng có tham gia một diễn đàn khá nổi ở Việt Nam và là một thành viên năng nổ ở đó. Thế nhưng, chỉ vì một lần bất đồng quan điểm với một “tay to” (mod) của diễn đàn mà mình bị vô số những thành viên khác vào phản đối, công kích bầy đàn, dù họ chẳng đưa ra được một lí do nào chứng minh ý kiến của mình là sai cả.  Đưa ra những lí lẽ bảo vệ quan điểm thì họ cãi cùn, đuối lí thì lại rêu rao mình chấp nhặt. Cuối cùng, họ còn quay ra tìm info của mình để “dạy cho một bài học”. Sau lần đó, mình chán hẳn việc sinh hoạt ở đây".

Có một thực tế rằng, nhiều cư dân mạng bây giờ chẳng cần biết đầu đuôi tranh luận thế nào, trong cuộc câu chuyện ai sai ai đúng mà….sẵn sàng lao theo số đông phản đối gay gắt quan điểm của số ít. Đôi khi, điều đó chỉ để khẳng định tiếng nói của mình ở diễn đàn hay kiếm thêm vài lượt “Thanks”. Suy cho cùng, chỉ thiệt cho “nạn nhân”, ném đá là ảo nhưng tổn thương lại là thật, bị cô lập, “tẩy chay” giữa cộng đồng.

Thậm chí, bắt nguồn từ một vấn đề nhỏ, nhiều thành viên sẵn sàng “xé ra to”, chuyển cuộc tranh luận gay gắt trên diễn đàn thành một cuộc huyết chiến ngoài đời thực. Tuấn Anh, một thành viên của diễn đàn vOz từng chia sẻ: “Bây giờ, mỗi lần post bài là mình phải chú ý dùng từ ngữ cẩn thận để không “động chạm” đến ai. Tham gia vào các forum bây giờ cũng nguy hiểm chẳng kém gì tham gia giao thông vậy, chỉ cần va chạm nhỏ là cũng có thể xảy ra xô xát”. Nhiều thành viên không phân biệt rạch ròi được ranh giới giữa ảo và thật, nên thường a dua “gạch đá”  để minh chứng được tiếng nói của mình ở diễn đàn. Nhưng họ không ngờ tới việc nhờ vào Google, info chi tiết của mình có thể được tìm ra một cách dễ dàng. Và thế là “gạch đá” trên mạng là ảo, nhưng máu vẫn có thể đổ, sự tổn thương vẫn có thể xảy ra.

Sau sự việc anh chàng có nickname Kẹo Mút Chơi Bời đăng câu status vô cảm về một vụ tai nạn giao thông trên Facebook, cộng đồng mạng đã ráo riết truy tìm tung tích cả người đăng lẫn người click like. Nhiều topic được lập ra với mục tiêu… chuẩn bị quân số thanh toán người thanh niên trên bằng luật rừng. Sự việc cho thấy mọi phát ngôn, hành động trên internet có thể để lại hậu quả khôn lường ngoài đời thực.

Nhà văn Trang Hạ đã từng nói: “Khoảng một năm trở lại đây, các nghiên cứu về truyền thông đã bắt đầu xây dựng khái niệm lưu manh trên mạng (internet holigan) và sử dụng để chỉ những người coi Internet như một vũ khí đả thương đối phương. Nếu đối phương là cá nhân, bọn lưu manh này sẽ dùng nickname nặc danh hoặc blog giả vào blog họ để bình luận, phỉ báng, gửi tràn lan thông tin rác hoặc châm ngòi làm bùng nổ những cuộc chiến lắm khi không có hồi kết trên mạng….Tuy nhiên, hầu hết những holigan hiếu chiến thời đại số này đều nặc danh, ném đá giấu tay, không dám đứng tên thật để chịu trách nhiệm về các phát ngôn của mình”. Điều đó đã phần nào nói lên thực trạng hiện nay về thái độ thiếu văn hóa của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng.

Chỉ mong rằng mỗi cư dân mạng hãy là những người có ý thức, văn hóa khi tham gia vào ngôi nhà chung, để các diễn đàn, mạng xã hội  là nơi giải trí, bồi bổ kiến thức, vun đắp niềm đam mê... Những cư dân mạng chân chính sẽ luôn buồn và tiếc cho những forum tên tuổi và lâu đời mà nay chỉ còn toàn "đá" và "gạch".