14 năm, Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu

PV  | 01/12/2011 10:07 AM

Hôm nay, 1/12, kỷ niệm đúng 14 năm, mạng Internet Việt Nam đã chính thức được nhấn nút, hoà vào mạng Internet toàn cầu. Đó là thời điểm, dấu mốc không thể nào quên được của những người làm Internet Việt Nam.

“Không thể hội nhập quốc tế nếu không có Internet” - đó là lời khẳng định của Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh - một trong những người đã cùng Chính phủ nước ta quyết định đưa Internet vào Việt Nam.
 
Cùng quan điểm đó với Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Tiến sĩ Mai Liêm Trực đã nhận định, Việt Nam tham gia mạng Internet toàn cầu ở một thời điểm rất quan trọng, không muộn và cũng khó mà có thể sớm hơn được nữa.
 

Có thể nói, cho tới thời điểm này, sau đúng 14 năm, hầu như tất cả các lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực Viễn thông, Interrnet Việt Nam đều không thể nào quên trong lịch sử phát triển của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam - ngày Việt Nam đã được hoà vào mạng Internet toàn cầu ngày 1/12/1997.
 
Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nếu như các dịch vụ viễn thông của Việt Nam mở ra chậm hơn thế giới khoảng 40-50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn của thế giới khoảng 15-20 năm thì Internet vào Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới chỉ chừng 7-8 năm. Còn so với một số quốc gia trong khu vực thì chỉ chậm vài ba năm.
 
Phải nói rằng cũng khó mà có thể đưa Internet vào sớm hơn được. Không phải lý do do vấn đề kỹ thuật, công nghệ bởi lẽ đến thời điểm năm 1997, mạng viễn thông của Việt Nam tuy dung lượng còn nhỏ nhưng về công nghệ cũng đã tương đương với những nước trong khu vực, lúc đó, viễn thông Việt Nam đã thực hiện chiến lược số hoá trên toàn mạng.
 
Tiến sĩ Mai Liêm Trực nhớ lại, quá trình thuyết phục là một quá trình khó khăn nhưng cũng có nhiều may mắn. Điều khó nhất lúc đó là làm sao có thể thuyết phục được, trình bày được, giải trình được với các giới lãnh đạo về những lợi ích thiết yếu của Internet cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước hội nhập quốc tế.
 
Đã có nhiều câu hỏi băn khoăn lo lắng về những mặt tiêu cực khi mở Internet của lãnh đạo cấp trên, chẳng hạn như sợ lộ bí mật. Trước đây, một cá nhân khi ra nước ngoài sẽ phải kiểm tra trực tiếp xem họ mang theo những tài liệu gì nhưng khi đã có Internet rồi ai cũng biết làm sao mà quản được nữa. Rồi lo việc lợi dụng Internet nói xấu, xuyên tạc chế độ... Nhưng rồi, tất cả những lo ngại đó đều đã được giải toả.
 

Và hôm nay, Việt Nam kỷ niệm đúng 14 năm hoà mạng Internet toàn cầu. Internet Việt Nam tròn 14 tuổi - với một đời người không phải đã dài, nhưng với quá trình phát triển dịch vụ, nó cũng đã chứng kiến nhiều thăng trầm, thành công, phát triển.
 
Tính đến hết tháng 11/2011, cùng với lĩnh vực Viễn thông, Internet Việt Nam đã đạt con số khá ấn tượng. Số người sử dụng Internet tại thời điểm cuối tháng 11/2011 ước đạt 32,3 triệu người, tăng 20,1%; trong khi số thuê bao Internet băng rộng ước đạt 4,2 triệu thuê bao, tăng 16,3%. Đây là những con số được các tổ chức, chuyên gia nước ngoài đánh giá là rất ấn tượng.
 
Với nhiều chính sách phát triển từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như nỗ lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, Internet đã không chỉ được triển khai, cung cấp tới người dân thành thị mà cả vùng sâu, vùng xa đều được hưởng các tiện ích từ kết nối mạng.
 
Số người có nhu cầu sử dụng Internet ngày càng tăng, mạng Internet đã được mở rộng tới tận cấp huyện, xã, về tới các vùng sâu, vùng xa với giá cước dịch vụ ngày càng rẻ, số lượng người sử dụng Internet ngày càng cao, các nhà cung cấp dịch vụ ngày càng đầu tư thêm nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại và tiên tiến, tạo thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp cho khách hàng.
 
Tuy nhiên, mọi sự phát triển đều có mặt trái của nó. Người ta đã liệt kê ra được nhiều vấn nạn xảy ra có nguyên do từ Internet. Gần đây, ngày càng có nhiều clip sex, bạo lực được tung lên mạng; những nội dung khiêu dâm được truyền bá bởi thanh thiếu niên mới lớn. Tất cả những điều đó cho thấy, cách sử dụng Internet của một bộ phận người Việt, đặc biệt là giới trẻ, đang đi chệch hướng. Internet đáng lý ra phải mang lại những cơ hội học tập cho giới trẻ, nhưng vì những lý do khác nhau, nó đã trở thành một không gian sống ảo độc hại.
 
Dù gì, vẫn không thể phủ nhận được những lợi ích to lớn mà chúng ta có được từ Internet. Chung tay phát huy điểm mạnh, đẩy lùi cái xấu từ Internet không phải là nhiệm vụ của một cá nhân, một tổ chức hay doanh nghiệp, điều đó cần có sự hợp sức của cả cộng đồng.
 
Đó cũng là niềm mong mỏi của các thành viên trong Hiệp hội Internet Việt Nam - Hiệp hội có tuổi đời vừa qua tuổi lên hai. Như bất kỳ một Hiệp hội nào khác, Hiệp hội Internet Việt Nam được thành lập với lợi ích đầu tiên là dành cho các thành viên.
 
Ngày 9/10/2010, những gương mặt đại diện cho bộ máy lãnh đạo của Hiệp hội Internet Việt Nam đã chính thức được tìm ra trong Đại hội thành lập Hiệp hội Internet Việt Nam lần thứ nhất. Tuy nhiên, với Hiệp hội Internet Việt Nam, lợi ích của các thành viên gắn liền với lợi ích của xã hội.
 
Một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của Hiệp hội đó là sẽ thường xuyên có những ý kiến đóng góp tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chủ trương, chính sách phát triển để Internet của Việt Nam đi đúng hướng, phát huy thế mạnh, hạn chế nhược điểm, mặt trái. Đó là những mục tiêu, kỳ vọng hoàn toàn chính đáng. 

Chắc hẳn, đó cũng là điều mà mọi người dùng Internet Việt Nam đều mong muốn, hướng tới.

Theo Vnmedia
Xem thêm:

internet