Hai ngày trở lại đây, cộng đồng Facebook Việt xôn xao trước sự xuất hiện của một loại virus trá hình mới lây lan qua cửa sổ chat trong tài khoản của mình. Dù đây không phải là lần đầu virus dạng này xuất hiện song vẫn không ít Facebooker dính bẫy.
Theo đó, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam gặp hiện tượng bạn bè trên Facebook gửi cho mình hàng loạt tin nhắn với nội dung lặp đi lặp lại, kèm theo một đường link có dạng http://www.melma....../......jpg. Nếu click vào link này, trình duyệt sẽ tự động chuyển hướng họ tới một trang mới tự động download một file ảnh về máy tính của mình. Khi copy đường link trên và paste vào trình duyệt, một bức ảnh khá "nóng bỏng" của kiều nữ mặc bikini sẽ xuất hiện.
Thông thường, nếu là một người tò mò, muốn khám phá bí mật đằng sau bức ảnh này, bạn sẽ dễ dãi chấp thuận lời đề nghị download trên. Tuy nhiên, đây không chỉ là một file ảnh được nén đơn thuần, mà là một file của Windows; khi chạy file, virus sẽ tự động phát tán vào máy tính của người dùng, đánh cắp thông tin cá nhân và tự động phát tán link này theo cách tương tự tới bạn bè, đồng nghiệp....trong friend list của bạn.
Điều đáng nói ở đây là hình thức phát tán mã độc kể trên không quá mới mẻ, thậm chí trước khi xuất hiện trên Facebook, nó còn có một thời gian dài "hoành hành" qua cửa sổ chat của Yahoo Messenger. Tuy nhiên, vẫn bằng chiêu trò quen thuộc là "câu khách" bằng những bức hình "kiều nữ sexy", "nóng bỏng"; không ít dân mạng đã "ngây thơ", dễ dãi tin theo và "dính bẫy" một cách hồn nhiên.
Bức ảnh sexy khiến nhiều dân mạng "dính chưởng".
Nếu bạn còn nhớ, cách đây gần 2 năm, vào tháng 10 năm 2010, một virus có tên "Is this your mom?" (Có phải mẹ của bạn đây không?) "trá hình" dưới dạng một ứng dụng đã lây lan mạnh trên Facebook cũng theo hình thức này. Khi bấm vào link, người dùng sẽ truy cập vào một ứng dụng yêu cầu họ đăng nhập bằng tài khoản Facebook của mình. Nếu đăng nhập, virus sẽ tự động tải về máy tính và tiếp tục gửi thông điệp chat từ tài khoản Facebook của nạn nhân cho bạn bè của họ.
Tháng 11 năm ngoái, cộng đồng Facebook Việt lại chấn động trước trò lừa đảo mang tên "Rihanna", "câu khách" người dùng bằng một đường dẫn có tiêu đề gây tò mò "Tôi ghét Rihanna sau khi xem video này". Nếu dại dột click vào URL này, trang Facebook của người dùng nghiễm nhiên trở thành công cụ phát tán link này lên tường của bạn bè, gây ra những sự phiền phức, hiểu lầm không đáng có.
Thông thường, để chắc chắn rằng một đường link nào đó do bạn bè gửi qua Facebook không phải là virus; bạn cần hỏi lại trực tiếp bạn bè xem có phải họ vừa gửi cho mình đường link nào đó hay không ngay khi nhận được tin. Nếu đã lỡ bấm vào đường link hoặc đăng nhập vào ứng dụng nào đó được mở ra từ đường link và cho phép ứng dụng truy cập các dữ liệu cá nhân, bạn cần tiến hành ngay việc cập nhật phần mềm diệt virus, quét toàn bộ máy tính và có thể cài đặt một số phần mềm chuyên chống mã độc.