Dùng Google để làm bài tập - Vấn nạn trong giới sinh viên?

Truật Xích  | 12/04/2011 0:00 AM

Nguồn Internet đã mang đến cho giới “đầu to mắt cận” một biển trời thông tin quý giá nhưng nó không cung cấp cho họ con thuyền nào cả, vì thế không ai có thể "ngồi mát xơi bát vàng".

Là sinh viên học sinh, ai cũng phải trải qua một chặng đường dài học hỏi và nghiên cứu, đặc biệt là trong giai đoạn làm bài tập về nhà hoặc các bài tiểu luận, đồ án. Đó là lúc mà bạn phải mang toàn bộ kiến thức đã được học ra để ứng dụng vào bài viết của mình. Đến đây lại nảy ra một vấn đề khác. Đó là không phải lúc đề tài quá rộng trong khi kiến thức lại hạn hẹp. Điều này bắt buộc sinh viên, học sinh phải tìm kiếm thêm các tài liệu trên mạng Internet để bù đắp lại cho những khoảng trống mênh mông.
 
Với sự trợ giúp của các công cụ tìm kiếm như Bing, Yahoo Search! hay đặc biệt là Google thì rõ ràng việc tìm kiếm tài liệu với sinh viên, học sinh ngày nay không còn khó khăn như trước. Nếu như cách đây 20 năm, cảnh tượng thường thấy đó là các sinh viên lũ lượt vào thư viện đọc sách thì ngày nay, điều đó đã có sự thay đổi. Nhiều người cũng vào thư viện nhưng chủ yếu là sử dụng mạng internet của trường để truy cập internet. 
 
 Thậm chí truy cập Internet ngay ở sân trường!
 
Tìm kiếm tài liệu trên Internet tất nhiên là cực kỳ hữu dụng, điều đó không phải bàn cãi vì rõ ràng, không một kho thư viện nào trên thế giới có thể chứa được nhiều thông tin như mạng Internet. Chỉ cần thông qua việc tìm kiếm trên Google bằng một vài từ khóa đơn giản, sinh viên, học sinh có thể dễ dàng truy cập vào những bài viết học thuật có giá trị cao và mang tính chính xác tuyệt đối. Đề tài khó đến mấy cũng được giải quyết một cách nhanh gọn nhờ vào lượng thông tin dồi dào mà các công cụ tìm kiếm cung cấp.
 
Nhìn chung, điều này mang nhiều tác dụng tích cực hơn. Thay vì phải lao đầu vào mò từng trang sách thì sinh viên, học sinh chỉ cần tìm những đoạn quan trọng thông qua từ khóa trên Google (những bài viết chính xác cao thường được đẩy lên trên trang đầu tiên). Với những sinh viên đã, đang du học ở nước ngoài thì đây là một trong những kỹ năng được nhà trường và giáo viên khuyến khích. Hải Vũ, du học sinh hiện đang học tại Đại học Monash, Melbourne (Úc) cho biết mỗi lần làm đề án, Google chính là công cụ đắc lực nhất của cậu.
 
 
“Trước khi bắt tay vào làm mỗi đề tài được giao, ở đây giáo viên đều bắt sinh viên phải tự mình nghiên cứu. Nguồn thông tin có được chủ yếu thu thập ở trên Google. Thư viện cũng có nhiều nhưng mình thích tìm trên Google hơn vì nó đa dạng, số liệu cập nhật và tìm rất nhanh”.
 
Để hiểu rõ thêm về vấn đề này thông qua thực trạng của sinh viên, học sinh trong nước, chúng tôi đã may mắn hỏi chuyện được bạn Phạm Minh Thu, bí thư lớp A1 - K46 khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Theo cô nàng bí thư năng động này thì bí quyết để thành công trong việc thu thập tài liệu trên mạng hoàn toàn là do kiến thức thu được từ trong quá trình học: "Nếu một sinh viên không có chút kiến thức nền nào thì chắc chắn, chẳng Google nào cứu cậu ấy khỏi bị đánh trượt được cả".
 
 
Thu cũng bày tỏ: "Khi phải làm những bài tập nhóm (group assignment), có một số bạn luôn copy từ tài liệu trên mạng và không chỉnh sửa gì, thậm chí còn sao chép y nguyên từ wikipedia. Điều này khiến cho các thành viên trong nhóm không khỏi bực mình".
 
"Cách lấy thông tin và xử lý ra sao cũng là một trong những kỹ năng cơ bản nhất của người đang đi học. Bạn tìm thông tin thôi là chưa đủ, cái khó là làm sao để ứng dụng nó vào bài viết. Như mình bây giờ đang phải làm khóa luận để tốt nghiệp, các thầy cô không cấm sử dụng internet để tìm tài liệu, tuy nhiên chỉ được phép đọc hiểu, lấy ý tưởng và viết lại theo cách của mình chứ không phải "sao y bản chính". - Thu cho biết thêm.
 
"Đó gọi là kỹ năng "paraphrase". Kỹ năng này là một trong những yêu cầu tối thiểu của một người “biết sử dụng ngôn ngữ”. Từ những thông tin góp nhặt, hoàn toàn do nhiều người viết nên, sinh viên phải biết chắp nối chúng, sử dụng các liên từ, thông tin liên quan hợp lý và câu chữ, “hồn” bài viết thuộc về tác giả để tạo nên một bài hoàn chỉnh".
 
 
Vì thế, việc xây dựng một bài viết hoàn chỉnh từ nguồn thông tin có sẵn trên mạng Internet không đơn giản. Với những sinh viên ít chịu tìm tòi và học hỏi thì Google không còn là “thư viện khổng lồ” của họ nữa mà đã biến sang một thể xấu hơn, có thể coi như “nguồn để cóp nhặt”. Rất nhiều trường hợp bài làm của sinh viên bị phát hiện giống y như những bài viết học thuật có sẵn trên mạng Internet. Câu truyện bi hài về chàng sinh viên cóp đúng bài viết của giáo sư chấm đề án không còn lạ lẫm trong các đề tài truyện phiếm ngày nay vì thực sự, chúng đã từng xảy ra.
 
Với các trường Đại học tại Việt Nam, việc các giáo viên cũng tự mình kiểm chứng nguồn thông tin trên mạng Internet vẫn chưa phổ biến đến mức họ kiểm soát được hành vi của sinh viên. Vì thế hầu hết các trường Đại học hiện nay đều cố gắng phổ cập tin học cho các giáo viên thuộc thế hệ cũ, những người không có cơ hội tiếp xúc với công nghệ Internet.
 
 Phòng lab của một trường đại học tại Hà Nội.
 
Ở nước ngoài, các trường Đại học hầu hết đều đã thêm vào quy chế cực kỳ nghiêm khắc với các hành động cóp bài từ trên mạng Internet về làm đề án riêng của mình. Lấy ví dụ như các trường Đại học tại Singapore như NTU, NUS, MDIS, SIM... đều có văn bản đính kèm với mỗi đề tài giao cho sinh viên về nhà liên quan đến việc “ăn cắp tài sản trí tuệ trên mạng Internet”. Giáo viên cho phép sinh viên được sử dụng thông tin trên mạng nhưng điều đó không có nghĩa họ được dùng y nguyên từng câu chữ đã được chỉnh sửa hết sức cẩn thận trên đó. Hình phạt cho tội danh này rất nặng, có thể dẫn đến đuổi học.
 
Phải nhấn mạnh rằng trong trường hợp này rõ ràng Internet không hề có tội tình gì cả. Cô Liên, giáo viên tiếng Anh Đại học Sư Phạm 2 cho rằng lỗi thuộc về sinh viên: “Nếu các em ấy cóp lại ý của bài luận, kể cả luận văn tốt nghiệp và viết lại theo ý mình thì cô sẵn sàng cho điểm cao vì điều đó thể hiện trình độ sử dụng ngôn ngữ. Nhưng nếu chỉ hoàn toàn là bài copy thì cô không chấp nhận. Đó là gian trá”.
 
Không có gì phải bàn về tác dụng tích cực của Internet trong việc giáo dục ngày nay nhưng cũng không thể phủ nhận, một phần trong những tác dụng tích cực ấy đang bị chính các sinh viên lười học làm hư hại. Tìm kiếm thông tin trên mạng Internet không hề có mặt trái, đó là do nó bị người ta cố gắng lật ngược lại mà thôi.
 
(Tổng hợp)
Xem thêm:

google

lạ