Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang phát sốt với sự ra mắt của cuốn truyện tranh thành ngữ teen “Sát thủ đầu mưng mủ” bao gồm khoảng 120 bức tranh vui minh họa cho những câu “tục ngữ” đang phổ biến nhất trong giới trẻ như “Oách xà lách”, “Chán như con gián”, “Dở hơi biết bơi”…
Ngay từ khi vừa lên kệ, cuốn sách đã tạo nên một cơn sốt đối với các độc giả trẻ và giới báo chí truyền thông vì tính hài hước, giải trí và sự gần gũi với giới trẻ của nó. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, khen có, chê có xung quanh sự phát hành của cuốn sách táo bạo này, và mới đây thôi, tác giả của cuốn sách, họa sĩ trẻ Thành Phong đã phải đối mặt với khó khăn lớn khi bản scan của cuốn sách được chia sẻ rộng rãi, có thể download một cách tràn lan trên mạng.
“Sát thủ đầu mưng mủ” và những phản ứng trái chiều
Cuốn sách có tựa đề khá sốc này bao gồm những câu nói “độc chiêu quen thuộc” của giới trẻ bên cạnh sự kết hợp với phần tranh minh họa hài hước của họa sĩ Thành Phong- một họa sĩ trẻ tài năng ít nhiều đã được biết đến thông qua những tác phẩm được xuất bản trước đó như “Orange”, “Long thần tướng”, “Nhi và Tũn”… và từng là thành viên nhóm vẽ truyện tranh Phong Dương khá đình đám trong “làng truyện tranh” Việt Nam cách đây vài năm.
Cuốn sách này bao gồm những thành ngữ, tục ngữ vốn không có trong từ điển Tiếng Việt nhưng đã khá quen thuộc với giới trẻ như “Ngất ngây con gà tây”, “Đói như con chó sói”, “Buồn như con chuồn chuồn”…Họa sĩ Thành Phong nói rằng cuốn sách ra đời với mục đích vui là chính. Không phủ nhận rằng sách đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của dư luận về tính vui nhộn và sự hài hước của nó, thể hiện qua các comment trên hàng loạt các diễn đàn mạng.
Tuy nhiên, chính vì tính mới lạ của nó nên giới trẻ, thậm chí cả những người lớn tuổi đã đua nhau tìm đọc, bình luận, bàn tán, từ đó hình thành nên hai luồng dư luận trái chiều, đối lập nhau hết sức gay gắt.
Trên các diên đàn lớn, nhiều topic được lập nên đề bàn luận về nội dung của cuốn sách. Đa số các thành viên tỏ ra thích thú với những hình vẽ minh họa hài hước cho "ranh ngữ" kiểu như "ăn chơi không sợ mưa rơi", "ác như con tê giác". “Xem cũng vui vui, người vẽ tranh có óc sáng tạo và khiếu hài hước đấy chứ”-Thành viên hn_mua chimlamto đánh giá cao về tài sáng tác của tác giả. Hay như thành viên bonnie đã khéo léo nhận thấy “Xem truyện này như Đuổi hình bắt chữ ấy nhỉ. Thành ngữ teen mà, nhí nhố là phải, nhưng mà vui đấy chứ, hay ho nhất là bức ăn chơi ko sợ mưa rơi". Không chỉ gây sốt trên mạng, truyện tranh thành ngữ teen còn tạo "sóng" ngoài đời thực khi giới trẻ đang đua nhau mua, đọc và truyền tay nhau cuốn truyện tranh hài hước và thú vị này.
Tuy nhiên, cũng chính vì sự mới lạ, phá cách của những thành ngữ không thể tìm thấy trong từ điển Việt ấy mà Sát thủ đầu mưng mủ lại trở thành mối lo ngại khi phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt. Không ít câu nói khiến cộng đồng mạng ngỡ ngàng như Bộ đội phải chơi trội, Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ, Không mày đố thầy dạy ai, Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn…vì sự nhố nhăng, nhảm nhí và tính phi giáo dục của nó. Một thành viên có nickname quynhanh1102 nhận xét “Mình thấy nó vớ vẩn vô cùng. Thành ngữ của teen mình có cái dùng được, có cái nên bỏ đi. Ví dụ như câu "bộ đội phải chơi trội" nghe rất phản cảm. Hay bức "ăn chơi không sợ mưa rơi" với hình em bé đứng mưa và bị mẹ quát "há mồm ra" khi cho bé ăn cơm thật gây khó chịu vô cùng. Mình cũng là teen nhưng không chấp nhận được kiểu “chế” ấy".
Mỗi bên một quan điểm, người hâm mộ cuồng thích, người kịch liệt chê, song cả hai làn sóng đối nghịch ấy càng khiến bộ truyện tranh thành ngữ teen này càng trở nên "hot" hơn bao giờ hết đối với cộng đồng mạng. Chỉ vài ngày sau khi ra mắt, khi search cụm từ "truyện tranh thành ngữ teen" hay ‘sát thủ đầu mưng mủ” trên Google, có đến hơn 1 triệu kết quả cho bạn thỏa sức lựa chọn.
Và khi cuốn sách được xuất bản trên …internet!
Cộng đồng mạng còn đang nóng hổi với những ý kiến trái chiều về nội dung cuốn sách thì mới đây thôi, nhiều người - trong đó có cả tác giả Thành Phong - đã phát hiện ra link download bản scan của cuốn sách trên đang được share tràn lan trên các diễn đàn mạng và facebook. Chỉ cần click vào link download đó (chủ yếu là được up lên Mediafire), trong vòng chưa đầy 2 phút, người dùng Internet đã có đầy đủ bản scan khá sắc nét hơn 120 trang của cuốn sách đặc biệt này. Bản scan có dung lượng 16MB, được lưu dưới dạng file PDF và khá lí tưởng cho những ai muốn “sở hữu” một cuốn nếu không muốn bỏ tiền ra mua (giá một cuốn trên thị trường là 45.000 đồng).
Quá bức xúc với sự vi phạm bản quyền trắng trợn đó, họa sĩ trẻ Thành Phong đã cho đăng tải trên blog cá nhân của anh một mẩu truyện tranh ngắn và những lời tâm sự của bản thân dưới cái tên “ Gửi bạn ăn cắp”. Xin được trích dẫn nguyên văn như sau:
Chào bạn,
Tôi là Thành Phong, tác giả cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” vừa phát hành.
Cuốn sách tuy không dài nhưng dù sao cũng là sản phẩm tinh thần mà tôi và ekip sản xuất đã bỏ không ít tâm huyết vào đó. Hôm nay nhìn thấy cuốn sách vừa mới ra sạp chưa đầy một tuần của mình đã được scan và cho xem miễn phí trên trang này, thực sự tôi cảm thấy rất đau lòng. Ai cũng biết làm truyện ở Việt Nam khó mà giàu được, để theo đuổi con đường này, người ta phải đánh đổi rất nhiều trong cuộc sống. Tôi cũng từ bỏ rất nhiều thứ để được theo đuổi đam mê sáng tạo của mình. Nhưng bạn ạ, những tác giả như tôi không chỉ trông đợi vào sự ủng hộ và tình cảm của độc giả mà có thể sống được.
Tôi cũng cần ăn, cần uống và cũng có những nhu cầu như bất cứ ai, để tiếp tục tái đầu tư cho việc sáng tác nữa. Ngành xuất bản và các tác giả ở Việt Nam thực sự còn rất yếu ớt và cần sự ủng hộ về cả tinh thần và vật chất từ phía bạn đọc. Chúng tôi lo đối phó với sách in lậu đã cực kì vất vả, giờ lại phải lo thêm vụ scan này nữa thì thật sự là quá sức.
Tôi có cảm giác như mình là một người làm vườn, cố gắng từng chút một để vun xới cho mảnh vườn nhỏ của mình thật tốt. Thế nhưng tới ngày quả chín thì bị một lũ người nhảy vào xâu xé vặt trộm bằng sạch. Bao nhiêu sức lực, cố gắng, niềm tin của tôi bị rút hết, tôi cảm giác mình đang cố gắng trong vô vọng.
Ở Việt Nam một người làm cho một trăm thằng ăn cắp, người Việt hút máu người Việt, dù cố tình hay vô ý, liệu đó có phải một tội ác không? Bạn thử xem, như thế có công bằng không?
(Nguồn: Blog Thành Phong) |
Sự việc “xấu xí” của người sử dụng Internet ở Việt Nam này một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt khác xung quanh vấn đề “bản quyền” của các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật trên mạng. Nhiều thành viên đã bày tỏ quan điểm đồng thuận với những tâm sự tác giả và bức xúc thay cho anh cũng như lên án căn bệnh “thích miễn phí ” của người Việt Nam.
Thành viên Hieu Tu đánh giá “Tâm lý free và ì ạch nó in sâu vào thế hệ Việt Nam rồi. Chỉ có tồn tại vật chất (ăn, ngủ, ở) là được các cô các bác để ý đến (mua đồ ăn, mua quần áo nhà cửa, xe cộ). Còn những cái tinh thần (sách, truyện, nhạc nhẽo, phim ảnh) thì là những cái liệt vào dạng miễn phí đối với các bác ý” . Hay thành viên Huy PooHoog đã thẳng thắn chỉ trích “Người Việt mình có tâm lý hưởng thụ miễn phí nên không muốn bỏ tiền ra mua. Bỏ tiền ra để đón nhận 1 tác phẩm nghệ thuật mới thấy cái hay, nâng niu, quý trọng nó”.
Thành viên Bach Tran đã đặt ra một câu hỏi lớn còn đang để ngỏ “Ca sĩ ko kiếm tiền từ bán đĩa CD vẫn sống bằng nghề được, nên nghề ca hát vẫn phát triển dù bị vi phạm bản quyền. Nhưng hoạ sĩ truyện tranh không bán được truyện thì sống bằng gì đây? Việc scan và đọc chùa truyện Việt, sẽ bóp chết nền truyện tranh Việt còn đang quá èo uột. Các bạn đang làm nghề gì, đang học nghề gì. Nếu nghề của các bạn bị chính cộng đồng người Việt ko thèm mua sản phẩm mà xài chùa, để ngành nghề phải chết thì các bạn sẽ cảm giác ra sao”?
Mai Huy Van có một cái nhìn tổng quát có liên hệ với việc sử dụng các tài nguyên trên internet “Chúng ta có thể download miễn phí hay xem phim online, nhạc, sách truyện của nước ngoài, thật sự không đúng đắn lắm nhưng cũng là bất khả kháng vì một là ở Việt Nam không có mà mua, hai là ko phải ai cũng có tiền để mua đồ xịn, tuy nhiên đây là 1 sản phẩm của Việt Nam do chính tay người Việt vẽ ra, bán nhan nhản ở khắp nơi với giá thành cũng chẳng phải là cao lắm, vậy mà cũng không bỏ chút tiền ra ủng hộ được hay sao? Tâm lý xem free đọc free, làm cái gì cũng thích free ăn sâu vào máu mấy người rồi”.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ tâm sự của các giả về việc “đứa con tinh thần” của mình đang bị vi phạm bản quyền trắng trợn, cũng không ít thành viên gay gắt “chất vấn” tác giả Thành Phong về bản quyền của những câu “thành ngữ teen” có trong cuốn sách. Thành viên Son Le nói “Mấy câu thành ngữ dùng trong truyện này tác giả xin bản quyền của người đầu tiên phát ngôn ra chưa? Ví dụ như cụm từ Đã xấu lại còn xa, đã sida lại còn xông pha đi hiến máu... mình nhớ đâu phải của tác giả làm nên, hay đâu phải vô chủ, có xin tiền bản quyền chưa mà đưa vào truyện?”. Ngay lập tức một thành viên khác phản bác lại “Đây là những câu đã quá quen thuộc và phổ biến với giới trẻ rồi. Mình đố bạn tìm được người giữ bản quyền để trả tiền đấy?”. Một thành viên khác có nickname Dao Dep Trai còn thẳng thắn chất vấn “Không biết tác giả bộ này có down nhạc, phim từ Internet về không . Vẫn 1 câu cũ thôi: Welcome to Internet”.
Tuy nhiên, nhiều thành viên cũng nhận thấy mặt tích cực của sự việc này. Trên diễn đàn VOZ, thành viên có nickname VuQuyenver2 có đánh giá "Theo chiến thuật Marketing thì bạn đang rất thành công trong bước đầu đó là nhận diện "sản phẩm" + "tác giả". Giờ rất nhiều bạn đã và đang vô hình chung đi PR cho Thành Phong. Trước mắt để mọi người nhận diện "thương hiệu" của bạn đã. Giá trị thu hồi là những bước và tác phẩm sau. Chưa có cuốn sách nào ra đời mà xuất hiện tràn ngập trên mọi diễn đàn và báo chí thế này. Tốt nhất bạn nên xác định lại mục tiêu và hi sinh cuốn sách này để làm bàn đạp. Thiết nghĩ bạn cần 1 chiến lược Marketing rõ ràng".
Thành viên có nickname datbuidoi đã đưa ra dẫn chứng: “Mình vừa lên Nguyễn Xí làm 1 cuốn tặng bạn thân. Vào 10 hàng thì đến 9 hàng báo đã hết sách, hàng thứ 10 thì bán đúng giá bìa, kỳ kèo mãi mới bớt cho một nghìn đồng. Sách hot thật!”. Thậm chí, một thành viên còn muốn tác giả “trả tiền ” vì đã được họ PR “không công” tác phẩm này tới nhiều người khác qua công cụ Internet “Đôi khi nội dung sách bị public lên mạng chưa hẳn xấu, nó có thể làm thiệt hại về doanh thu bán sách, nhưng lợi ích về sự lan truyền quảng cáo cho tác giả thì ai trả tiền cho chúng tôi”?
Qủa thật là nhờ công cụ Internet, cuốn sách của họa sĩ trẻ Thành Phong đã có sự phủ sóng mạnh mẽ tới cộng đồng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, chúng ta không thể vì một lí do quá quen thuộc như trên để bao biện cho điều đáng xấu hổ này. Hiện giờ, cộng đồng mạng ở nhiều diễn đàn vẫn đang tranh luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến đa chiều xung quanh vấn đề trên. Chúng ta hãy cùng đợi xem bên nào thắng thế?
Thay cho lời kết của bài viết này, xin phép được trích dẫn một bình luận khá ý nghĩa trên facebook “Cái này là một lời tâm sự ngắn gọn, một câu hỏi tu từ của tác giả khi thấy thành phẩm của mình bị lấy đi mà ko có gì đáp lại . Giống như trong truyện tranh ngắn kia, có ai trả tiền, cám ơn tác giả ko? Hay chỉ hí hửng với nhau, hoặc chê bai thành quả lao động của người khác?! Ai cũng có quyền lựa chọn. Mọi người làm điều này không có nghĩa là bạn cũng phải làm như thế. Nhân và Quả! Bạn đi sớm trước đèn xanh 3s thì bạn đã cướp 3s của người khác. Và khi bạn đi lúc đèn xanh, sẽ có những người khác cướp 3s của bạn. Hãy nhớ rằng sẽ có người khác làm điều tương tự với điều bạn làm cho người khác! Câu cuối cùng. Mong tác giả sớm khôi phục tinh thần để tiếp tục con đường truyện tranh của mình!”.
(Tổng hợp)