- Theo Thời Đại | 07/12/2016 02:45 PM
Vừa qua, cộng đồng DOTA 2 Việt Nam đã xôn xao trước thông tin về một game thủ do mải chơi quá độ đã phải đến bệnh viện tâm thần để chữa nghiện game. Trước đây, mỗi khi nhắc đến “nghiện game”, người ta thường chỉ nghĩ đến game online. Giờ đây, bệnh lý về thần kinh này đã lan tỏa cả sang eSports, thứ mà nhiều người vẫn hay ví như một bộ môn thể thao mới của tương lai.
Được biết, bệnh nhân là một thanh niên tên D, 23 tuổi, người Hà Nội. D được gia đình đưa đến chữa trị tại bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. “Em vào đây do nghiện game. Em chơi DOTA 2”, thanh niên 23 tuổi trả lời bằng giọng nói yếu ớt khi gặp các phóng viên của VNExpress.
Chia sẻ với phóng viên, bố của bệnh nhân cho biết, sau khi học hết cấp 3, game thủ này thi vào Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội. Trong quãng thời gian này, D bắt đầu tiếp xúc nhiều với máy tính và game. Sau khi tốt nghiệp, vì chưa tìm được việc làm thích hợp, D tiếp tục ở nhà để cày game.
Trong suốt thời gian 5 năm “ủ bệnh”, bộ mẹ cậu đã không để ý nhiều mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Thời gian đầu D cũng chỉ chơi vài tiếng một ngày, sau đó liều lượng tăng dần lên 5,10,15h và thậm chí là thông mấy ngày liền. Cứ thế, D trở thành “con nghiện” lúc nào không hay.
Mô hình một trung tâm cai nghiện game ở Trung Quốc
Trao đổi với VNExpress, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, nơi đây đã tiếp nhận cả chục ca bệnh liên quan đến nghiện game. Đa số các trường hợp đều có dấu hiệu nặng hoặc bệnh nhân đã nghiện lâu năm. Thể trạng và tình thần của họ đều bị ảnh hưởng nặng nề và cần nhiều thời giân đề hồi phục.
Game bản thân nó không xấu, tuy nhiên "nghiện game" lại là một thực trạng nhức nhối gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung. Với các game thủ, hãy luyện cho mình một thói quen chơi game thật văn minh. Khi mà ai cũng là một người chơi game "thông thái", chắc chắn lĩnh vực giải trí này sẽ nhận được một cái nhìn tích cực hơn từ xã hội.