- Theo Trí Thức Trẻ | 01/12/2016 03:44 PM
Đây chính là nội dung của một tác phẩm nằm trong bộ tranh mang tên “Thực tế cuộc sống đầy tàn nhẫn” của họa sĩ người Tây Ban Nha RA. Theo tác giả, những trò chơi điện tử bạo lực đang là một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ bị hủy hoại cả tâm hồn lẫn thể xác.
Sau bức ảnh này được đăng tải, nó đã tạo ra một sự chú ý lớn trong cộng đồng giới trẻ trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, tác phẩm này cũng gây bão dư luận với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Một bạn trẻ yêu thích game búc xúc chia sẻ: "Đây là một cái nhìn quá phiến diện, tiêu cực và vô cùng bất công dành cho game. Nếu nói đến bạo lực, game chỉ là muỗi so với điện ảnh thôi. Ngay này ra rạp chiếu phim, có bộ phim hành động nào mà không đánh đấm, bắn giết, thậm chí thể loại phim kinh dị còn bạo lực và man rợ hơn rất nhiều. Vậy tại sao chỉ lôi mỗi game ra để đổ lỗi và chỉ trích?"
Một bạn khác cũng có cùng ý kiến: "Quá là nhảm nhí. Cái gì xấu nhất, tệ nhất cũng đổ cho game. Ngày xưa chưa có game thì xã hội có tốt hơn không? Hay vẫn đánh giết, cướp giật như thường? Còn đã nói về nghiện thì nghiện cái gì chả xấu. Nghiện ăn, nghiện uống, nghiện chơi, thậm chí cả nghiện làm việc luôn cũng chết chứ đứng nói là nghiện game. Tại sao không blame những thứ đó đi, toàn lấy game ra làm bình phong..."
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có một bộ phận lớn độc giả đồng tình với tác giả. Theo họ, nghiện game cũng rất nguy hiểm. Độ nguy hại của nó ngang với nghiện rượu hay nghiện ma túy.
"Rõ ràng khi nghiện game hay suốt ngày cắm đầu vào máy tính thì cơ thể bạn sẽ bị yếu đí. Không vận động thì rõ ràng là hủy hoại thể chất rồi. Ngày 24 tiếng ngoài ngủ ra thì chơi game 15, 18 tiếng, thế thời gian đâu mà tiếp xúc với xã hội, thời gian đâu để tìm hiểu và quan tâm đến những người xung quanh? Thế chả phải là hủy hoại tâm hồn à. Người ta chỉ phản ánh chính xác thực trạng xã hội thôi mà chưa gì các ông đã nhảy dựng cả lên. Đúng là có tật giật mình", một bạn gái đưa ra lập luận bảo vệ cho ý kiến của tác giả.
Một người khác đưa ra ví dụ cụ thể: "ngày 20 tiếng ngủ 4 tiếng, ngồi lỳ ở bàn máy tính, ăn uống gì cũng ko ra khỏi bàn......... gầy như cò, người thiếu máu, mặt mũi trắng bệch như thằng bệnh.............??? ai đạt đến trình độ đó chưa. Không đáng lên án thì là gì".
Nhìn chung, mọi vẫn đế trong xã hội, cái gì cũng sẽ có hai mặt của nó. Chúng ta không thể quy kết hết những vấn đề tiêu cực của xã hội cho game. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được rằng những hệ lụy của "nghiện game" đang ngày một rõ nét và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn.
Trên thực tế, chính phủ của nhiều quốc gia khác nhau (từ đang phát triển đến phát triển) cũng đã đặt vấn đề này vào tầm ngắm. Đơn cử như tại Hàn Quốc, vào tháng 3 vừa qua, chính phủ nước này đã thông qua một dự thảo về “Chiến lược sức khỏe tinh thần toàn diện” xác định 5 căn bệnh “nghiện” hiện đang là mối nguy hiểm đến sức khỏe của người dân nước này bao gồm: Nghiện game, nghiện rượu, nghiện Internet, nghiện cờ bạc, nghiện dược phẩm (phụ thuộc vào thuốc và chất kích thích). Song song với dự thảo này là một chiến lược toàn diện từ trung ương đến địa phương để kiểm soát và giảm thiểu tỉ lệ "nghiện game" ở thanh thiếu niên.
Như vậy, game bản thân nó không xấu, tuy nhiên "nghiện game" lại là một thực trạng nhức nhối gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung. Với các game thủ, hãy luyện cho mình một thói quen chơi game thật văn minh. Khi mà ai cũng là một người chơi game "thông thái", chắc chắn lĩnh vực giải trí này sẽ nhận được một cái nhìn tích cực hơn từ xã hội.