- Theo Trí Thức Trẻ | 12/07/2020 09:54 AM
Nếu theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông, bạn có thể không lạ lẫm gì với 2 câu chuyện về 2 vụ bê bối của 2 kênh Youtube gia đình cực kỳ nổi tiếng là Myka Stauffer và 8 Passengers trong thời gian gần đây. Đó là 2 ví dụ về thực trạng đáng buồn phía sau những đoạn video tưởng bình dị, gần gũi nhưng chứa đựng sự thật tàn nhẫn không phải ai cũng biết.
FamilyOFive là một trong những kênh gia đình đầu tiên trên YouTube bị cộng đồng mạng "ném đá" và tẩy chay vì các video cho thấy cảnh những đứa trẻ bị chính bố mẹ chơi khăm, khuyến khích đánh nhau và bị lạm dụng bằng lời nói cay độc khiến người xem kinh hoàng. Cặp cha mẹ, Heather và Michael Martin, cuối cùng đã bị buộc tội và kết án vào năm 2017 với mức án 5 năm quản chế vì tội bỏ bê trẻ em.
Cặp cha mẹ, Heather và Michael Martin, cuối cùng đã bị buộc tội và kết án vào năm 2017 với mức án 5 năm quản chế vì tội bỏ bê trẻ em.
Gia đình nhà Stauffer gần đây cũng phải hứng chịu búa rìu dư luận khi bí mật đẩy đứa con nuôi 5 tuổi tên Huxley cho một người khác nuôi với hy vọng không ai biết.
Cụ thể, cặp vợ chồng Myka và James Stauffer đã nhận nuôi một em người Trung Quốc mắc chứng tự kỷ và đặt tên là Huxley Stauffer vào tháng 10/2017. Cậu bé liên tục xuất hiện trên các video của gia đình nhà Stauffer. Có thể nói nhờ sự xuất hiện của Huxley mà gia đình Stauffer trở nên nổi tiếng hơn hẳn, lượng theo dõi 2 kênh Youtube Myka Stauffer và Stauffer Life của gia đình cũng theo đó mà tăng lên vùn vụt. Tuy nhiên, sau 3 năm chăm sóc cho đứa trẻ, vợ chồng nhà Stauffer bí mật giao đứa trẻ cho một người khác nuôi.
Vợ chồng nhà Stauffer phải hứng "búa rìu" của dư luận vì giao đứa con nuôi 2 năm cho một người khác sau khi kiếm bộn tiền nhờ cậu bé.
Vải thưa không che được mắt thánh, cư dân mạng không thấy cậu bé mắc chứng tự kỷ xuất hiện trong các video của gia đình nhà Stauffer nên đã nảy sinh nghi ngờ và yêu cầu cặp vợ chồng phải lên tiếng giải thích. Người ta cũng tỏ ý nghi ngờ về việc cặp vợ chồng này phân biệt đối xử giữa con nuôi và con đẻ của họ và lo cho sự an toàn của cậu bé Huxley tội nghiệp.
Sau khi sự việc gây xôn xao trên mạng xã hội, các nhà chức trách bang Ohio (Mỹ) đã vào cuộc điều tra. Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Delaware cho biết họ đã làm việc với một số cơ quan khác để điều tra làm rõ vụ việc.
Các nhà điều tra cho biết Huxley "không mất tích" vì cha mẹ nuôi của cậu bé tuyên bố họ đã "chuyển giao" Huxley cho một người khác và chỉ tiết lộ một chút về nơi cậu bé hiện đang sống.
Bẵng đi một thời gian, gần đây người ta lại nhận được thông tin rằng Myka Stauffer và chồng cô James sẽ không bị buộc tội.
Và kênh Youtube gia đình vướng phải lùm xùm gần đây nhất là Frankes, còn được gọi là 8 Passengers. Cặp cha mẹ ghi lại cuộc sống hằng ngày của gia đình, con cái và được biết đến với cách nuôi dạy con vô cùng nghiêm ngặt.
Kênh Youtube gia đình vướng phải lùm xùm gần đây nhất là Frankes, còn được gọi là 8 Passengers.
Một trong những người con trai của họ gần đây đã tiết lộ về những gì đang được coi là một hình thức kỷ luật quá mức. Cậu bé Chad, 15 tuổi, đã chọc ghẹo em trai mình bằng cách nói dối rằng cả nhà sẽ đến Disney World và không cho em đi. Cuối cùng, cậu bé đã bị trừng phạt bằng cách bị buộc phải ngủ trên hai chiếc ghế beanbag (không phải trên giường của chính mình) trong suốt 7 tháng.
Hiện tại có một bản kiến nghị trên Change.org yêu cầu các nhà chức trách điều tra cặp vợ chồng Ruby và Kevin Franke về việc bỏ bê và lạm dụng trẻ em. Đến nay bản kiến nghị đã có hơn 12.000 chữ ký và đang tiến đến mốc 15.000.
Mặc dù những sự việc này thực sự gây sốc, nhưng các kênh Youtube gia đình đã xuất hiện từ lâu khi YouTube hoạt động, vì vậy tác giả Gillian Sisley của tờ Medium đã khẳng định rằng suốt hơn một thập kỷ qua, người ta đã làm ngơ trước tình trạng lạm dụng và khai thác trẻ em không được kiểm soát trên Internet. Và cho đến ngày nay nó vẫn chưa được quản lý đúng cách.
Có một thực tế là các kênh Youtube gia đình kiểu này rất phổ biến, có nhiều người đăng ký và nhiều lượt xem đồng nghĩa với việc họ kiếm được rất nhiều tiền.
Khi Myka Stauffer và chồng cô bị chỉ trích vì "chuyển giao" đứa con nuôi mắc chứng tự kỷ của họ cho người khác nuôi, người ta không thể không chú ý đến một số thực tế đáng kinh ngạc.
Kênh Youtube của Myka Stauffer đã tăng vọt về số lượng đăng ký và lượt xem ngay khi cô thông báo nhận nuôi một đứa trẻ từ Trung Quốc. Những con số cho thấy rằng chính sự xuất hiện của Huxley đem lại thành công lớn cho kênh Youtube của gia đình Stauffer. Sau nhiều năm, Huxley mang lại hàng trăm ngàn lượt xem cho cha mẹ nuôi, giúp họ trở thành "thần tượng" trong mắt các ông bố, bà mẹ khác.
Người xem không thể không chú ý rằng nhờ có Huxley mà gia đình Stauffer đã kiếm được rất nhiều tiền trên YouTube. Thậm chí, cặp vợ chồng vẫn kiếm tiền nhờ cậu bé này ngay cả sau khi Huxley bị bỏ rơi lần thứ hai trong đời vì các video vẫn còn đó trên Youtube và chẳng ai cấm cản mọi người xem.
Chỉ sau khi một bản kiến nghị được gửi đi, YouTube mới gỡ các video có mặt Huxley xuống, và một vài video được gia đình nhà Stauffers cài chế độ riêng tư để không ai xem được nữa. Bản kiến nghị hiện đã được đóng lại nhưng lượng chữ ký có được là 155.000 từ khắp nơi trên thế giới.
Tác giả Gillian Sisley cũng không ngại suy đoán rằng Myka và James Stauffer đã cố tình nhận con nuôi, đặc biệt lại là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, để thu hút sự chú ý trên YouTube. Bởi không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện của Huxley mang lại cho gia đình đó danh tiếng và vận may.
Có một hội chứng được gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder - NPD) - một trạng thái không bình thường của nhân cách, có biểu hiện qua ảo tưởng và hành vi tự cao tự đại, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, tham vọng thành công chói sáng trong mọi lĩnh vực và thiếu sự đồng cảm với người khác.
Những phụ huynh này đang cho bạn thấy chính xác những gì họ muốn bạn nhìn thấy - một gia đình hạnh phúc, cha mẹ yêu thương con cái, những đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, biết nghe lời...
Tưởng khó mà lại rất dễ. Họ chỉ cần cắt xén, xóa đi những đoạn cãi vã hoặc thậm chí đánh chửi và chỉ giữ lại những phút giây ngọt ngào, hạnh phúc để trưng ra cho cả thế giới thấy. Và một khi họ đã đạt được một lượng người theo dõi đủ lớn, họ thậm chí có thể coi mình là "không thể chạm tới". Khi đó, dù sai cũng thành đúng cả thôi!
Bên cạnh đó, việc ghi lại cuộc sống của những đứa trẻ để cho những người hoàn toàn xa lạ xem cũng vô tình "dạy" cho bọn trẻ một lối suy nghĩ khá đáng sợ rằng chúng chỉ có giá trị nếu nhận được sự chú ý từ mọi người. Tâm lý đó dẫn đến việc chúng bất chấp làm nhiều việc gây sốc hơn để được chú ý, tăng lượt xem hoặc kiếm tiền.
Đó chắc chắn không phải là cách để sống một tuổi thơ khỏe mạnh và đàng hoàng! Cha mẹ có nhiệm vụ bảo vệ con cái họ khỏi bị bóc lột chứ không phải là lợi dụng chúng để kiếm từng đồng bạc lẻ.
Lời tâm sự của tác giả:
Tôi không tin là công bằng khi chính cha mẹ lại cướp đi tuổi thơ bình thường của những đứa trẻ, lợi dụng sự trưởng thành của chúng để biến chúng thành "cái máy in tiền".
Ngôi nhà có nghĩa là một nơi an toàn mà bất kỳ ai cũng muốn trở về để thư giãn và tận hưởng phút giây hạnh phúc bên những người thân yêu nhất. Nhưng đối với những đứa trẻ bị cha mẹ quay phim để kiếm tiền thì rõ ràng nhà không phải là nơi an toàn đối với chúng!
*Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Gillian Sisley trên tờ Medium đăng ngày 4/7*.
(Nguồn: Medium)