NPH game Việt không sợ game thủ chê "rác"

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 23/01/2013 0:00 AM

Nhất là khi thế hệ webgame 3D mới chuẩn bị cập bến Việt Nam với số lượng lớn.

"Rác" - Danh từ không có gì xa lạ với người Việt Nam, tuy nhiên trong khoảng hơn 1 năm nay thì nó mới được sử dụng liên tục trong cộng đồng game thủ nội địa. Thậm chí hiện tại khi nghe thấy từ "rác" thì hầu hết gamer đều nghĩ ngay đến các webgame chất lượng thấp cập bến nước nhà với số lượng lên đến hàng trăm kể từ 2010 trở lại đây.
 
Tuy nhiên có một sự thật là vì tâm lý số đông mà game thủ Việt đánh đồng khái niệm "webgame" với "game chất lượng thấp", bất chấp việc một webgame có hay đẹp đến đâu chăng nữa thì chỉ cần nghe thấy chữ web sẽ nhanh chóng bị quy là rác thải Trung Quốc. Tình trạng này kéo dài và lan rộng đến mức phổ thông, tuy nhiên các NPH có thực sự sợ quan điểm ấy?
 
"Ngại nhưng không sợ bị chê là Rác"
 
Đó là lời tâm sự của nhiều người đang làm việc tại các NPH lớn tại Việt Nam, đơn giản vì trong năm 2012 thì chính những webgame 2D lại sở hữu lượng CCU rất lớn (đơn cử như Võ Lâm Chi Mộng của VNG với hơn 50.000 CCU, vượt trội hơn hẳn so với các webgame 3D lẫn nhiều game client trước đây).
 
NPH game Việt không sợ game thủ chê "rác" 1
Phần đông gamer Việt vẫn ngày ngày nạp tiền chơi webgame.
 
Dĩ nhiên không có lửa thì sao có khói, gamer Việt kêu ca và có ấn tượng xấu về webgame cũng chỉ vì chính sách hút tiền đến tận gốc của một số NPH không chuyên nghiệp. Họ liên tục mua các sản phẩm na ná nhau về phát hành cốt có lãi là bắt đầu "thả cỏ" rồi lại xoay vòng sang game mới, tuổi thọ game xuống thấp đến báo động cũng vì thế.
 
Có điều, tỷ lệ % những người chịu khó lên diễn đàn hoặc trang tin để kêu than về nạn game "rác" chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng người chơi game nội địa. Vì thế các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua số người phản đối để phục vụ số đông còn lại vốn ít tiếp xúc với thông tin hoặc không có điều kiện để đánh giá đầy đủ chất lượng một tựa game.
 
Như trong bài viết trước về cuộc chiến giữa các NPH Việt, đằng sau việc phát hành 1 game còn hàng trăm thứ ẩn giấu mà gamer không thể biết được, và ngay như khi sử dụng phần mềm quản lý phòng net tại các vùng ngoại thành cũng đã đủ để thu hút lượng lớn người chơi webgame (đơn giản vì họ rất ngây thơ, thấy có game nào hiện lên trên màn hình là chơi chứ không so sánh hơn thua).
 
Nhưng cũng phải chuyển mình
 
"Webgame thông thường năm 2013 này không ăn thua nữa rồi, bây giờ là lúc để phát hành các webgame 3D", một đại diện NPH Việt chia sẻ. Đây cũng là suy nghĩ của hầu hết các đơn vị phát hành game nội địa trong giai đoạn cuối 2012 và đầu 2013, rõ ràng đã đến lúc mà sức chịu đựng của gamer Việt tới hạn và nếu cứ làm theo kiểu cũ thì chắc chắn thất bại.
 
NPH game Việt không sợ game thủ chê "rác" 2
Chuyển dịch sang webgame 3D là xu hướng của 2013.
 
Dĩ nhiên đọc đến đây nhiều người sẽ thắc mắc vì sao không chọn client game mà cứ phải chuyển sang webgame 3D? Câu trả lời rất đơn giản vì ngay việc kiểm nghiệm tại thị trường Trung Quốc cũng cho thấy webgame 3D đang lên ngôi, trong khi client game doanh thu cũng cao nhưng công đoạn triển khai phức tạp và cũng tốn kém hơn.
 
Với các gamer kỳ cựu hoặc khó tính thì việc phải download một bộ cài lên đến 2GB không phải là vấn đề, nhưng với phần đông người chơi phổ thông thì họ quan điểm rất đơn giản: "càng chơi được nhanh càng tốt". Và webgame 3D thỏa mãn nhu cầu đó khi hầu hết chỉ yêu cầu bản cài lên đến hơn 100MB (hoặc bản nhẹ dưới 20MB) là có thể chơi ngay sau 5 phút tải về.
 
Câu hỏi đáng đặt ra ở đây là phải chăng chúng ta đang để cảm tính của mình lấn át sự thật, bởi vì nếu theo dõi tin tức thế giới thì ai ai cũng thấy chất lượng webgame 3D ngày nay không thua kém gì một client game thông thường (dĩ nhiên không thể so sánh được với các client game lớn như CACK, VLTK 3 nhưng cũng không còn kém chất lượng như webgame 2D cũ).
 
Webgame 3D Trung Quốc đã tiến đến đâu?
 
Nếu như có dịp sang tận Trung Quốc để chiêm ngưỡng các webgame 3D mới ra mắt thì chắc hẳn phần đông game thủ Việt khó tin vào mắt mình vì chúng quá đẹp và đồ họa 3D không khác gì client game. Đây là thành quả của nhiều năm thử nghiệm và phát triển của các NSX xứ Gấu trúc, đồng thời cũng cho thấy nền công nghiệp game tại quốc gia này tiến cực kỳ nhanh.
 
NPH game Việt không sợ game thủ chê "rác" 3
Unity 3D - Kim chỉ nam của webgame 3D thế giới lẫn Trung Quốc.
 
Hầu hết các webgame 3D của Trung Quốc gần đây được dựng trên Unity Engine - engine do hãng Unity Technologies phát triển và ra mắt từ cách đây không dưới 5 năm. Ban đầu engine này chỉ hướng tới giới phát triển game không chuyên hoặc muốn tạo ra những tựa game nhẹ, nhanh, không yêu cầu nhiều vốn và nhân lực. Tuy nhiên bước ngoặt bắt đầu từ khoảng năm 2010 khi Unity có khả năng dựng các game 3D chạy trên nền Flash và trình duyệt thông thường.
 
Lúc bấy giờ, các hãng game thế giới bắt đầu để ý đến nền tảng này (ngoài ra còn có engine ShiVa cũng khá nổi nhưng bắt đầu chìm trong vài năm gần đây). Tuy nhiên phải tới khoảng năm 2011 thì họ mới áp dụng Unity để làm webgame 3D, nhất là khi nó chạy trên browser mà có hiệu ứng cấp cao như HDR, LOD... trong khi vẫn hỗ trợ khả năng phát triển cực nhanh.
 
 
Đồ họa tuyệt vời trong webgame 3D Tiên Kiếm Kỳ Hiệp (PAL Online).
 
Trên thực tế thì các webgame 3D về Việt Nam trong giai đoạn cuối 2012 như Độc Cô Cầu Bại, Bá Đao 3D, Thần Chiến... chỉ là thế hệ đầu của webgame 3D Trung Quốc. Đó là các sản phẩm để thử nghiệm khả năng làm game online của Unity là chính, nay khi nền tảng ấy đã vững thì thế hệ thứ 2 mới ra đời với chất lượng ấn tượng hơn hẳn (đơn cử như Tiên Kiếm Kỳ Hiệp hay Tân Tiên Kiếm...).
 
Và theo thông tin đáng tin cậy thì gần như toàn bộ các NPH Việt có số má đã đàm phán hoặc nắm trong tay 1 đến 2 webgame 3D thế hệ thứ 2 nói trên. Vấn đề bây giờ chỉ là gamer Việt có thực sự cầu tiến hay vẫn cố giữ con mắt cực đoan của mình về game trên trình duyệt mà thôi. Ở đây phải nói thêm rằng doanh nghiệp không mua webgame 3D vì rẻ, vì chúng đều bị ra giá trên 200.000 USD ngang bằng với một client game tầm khá trước đây.
 
NPH game Việt không sợ game thủ chê "rác" 4

NPH game Việt không sợ game thủ chê "rác" 5
Khó ai tưởng tượng được đây lại là một webgame 3D.
 
Nói chung, nếu không có gì thay đổi thì thị trường game Việt năm 2013 sẽ là cuộc chiến giữa webgame 3D với nhau, bất chấp việc giới trẻ có phê phán hay chê bai nó đến đâu. Vậy thì sao chúng ta không "refresh" lại suy nghĩ và sẵn sàng cho một thời kỳ mới?