Game online Việt năm qua mang về bao nhiêu tiền?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 19/01/2013 0:00 AM

Những con số tổng quan cũng như tình hình làng game nội địa năm 2012.

Mặc dù năm 2013 đã trôi qua được hơn nửa tháng, nhưng gamer Việt vẫn chưa thể có cái nhìn tổng quát về thị trường trò chơi trực tuyến nội địa năm 2012. Chúng ta hãy cùng tổng kết một số con số nổi bật của 360 ngày trước, những số liệu này chỉ mang tính tổng quan nhưng phần nào cũng thể hiện được chặng đường mà game Việt đi qua năm ngoái.
 
VNG vẫn là NPH đạt doanh thu lớn nhất
 
Theo thống kê sơ bộ, doanh thu của toàn ngành game Việt vào khoảng 5.000 tỷ VNĐ, trong số đó thì riêng VNG đã chiếm khoảng 2.300 ~ 2.600 tỷ VNĐ. Các NPH còn lại tranh nhau trong khoảng còn lại, như vậy có thể thấy rõ VNG hiện vẫn đang là đơn vị làm game lớn nhất nội địa năm 2012 (mà thực tế là nhiều năm nay).
 
Game online Việt năm qua mang về bao nhiêu tiền? 1
 
Doanh thu khủng của VNG chủ yếu đến từ việc hãng sở hữu cộng đồng quá lớn, chưa kể đến sự tiếp sức từ mạng xã hội Zing. Trên thực tế thì khi đia mua game về nước, VNG cũng là NPH có thể mua game với giá khá "rẻ" vì đối tác phía Trung Quốc luôn muốn làm việc với hãng này. Trong khi đó các NPH nhỏ lẻ gặp khá nhiều khó khăn trong việc thương lượng giá cả. Tuy nhiên VNG hiện vẫn chưa thể đụng đến "lãnh địa" Casual mà VTC Game nắm giữ, ngoại trừ Gunny Online.
 
Trong số 5.000 tỷ trên, doanh thu từ game online mobile (gMO) chỉ chiếm khoảng 300 tỷ VNĐ - con số khá khiêm tốn nhưng vẫn cho thấy tiềm năng của thị trường này khi mà chủ yếu các gMO về nước chỉ dành cho feature phone (cuối năm mới có các gMO cho iPhone, Android). Trung bình một gMO có thu nhập chừng 500 triệu VNĐ đến 1 tỷ VNĐ trên 1 tháng.
 
Game online Việt năm qua mang về bao nhiêu tiền? 2
 
Theo ghi nhận năm 2013 sẽ là lúc mà gMO đông đảo hơn, nhất là khi một loạt NPH lớn trong nhóm tứ trụ rục rịch triển khai dự án (mà mới nhất là VNG với Đông Phương Hiệp).
 
Webgame giá ngày càng cao, lượng CCU lớn
 
Nếu như năm 2011, theo khảo sát sơ bộ thì gần như không webgame nào được ký kết với giá dưới 50.000 USD, đa phần là từ 60~80.000 USD cho 1 game. Cho đến năm 2012 thì giá để nhập 1 tựa webgame về thị trường Việt Nam thấp nhất cũng là 70.000 USD và cao nhất có thể lên đến hơn 200.000 USD (~ 4 tỷ VNĐ).
 
Các webgame RPG 3D được mua về nước thời gian gần đây chủ yếu có giá ~ 200.000 USD, tức là ngang bằng với một MMORPG client thông thường (dĩ nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ giá rẻ hơn). Như vậy rõ ràng chỉ sau 2 năm mà giá webgame đã bị Trung Quốc đẩy lên gấp hơn 2 lần, mức chênh lệch quá lớn so với tốc độ mất giá của đồng tiền.
 
Game online Việt năm qua mang về bao nhiêu tiền? 3
 
Tuy nhiên, điều này cũng phần nào cho thấy ranh giới ngăn cách giữa webgame với MMO client đang bị xóa nhòa. Thậm chí nhiều webgame bây giờ có đồ họa 3D cùng với chuyển động nhân vật uyển chuyển hoàn hảo (lấy ví dụ PAL Online). Dự đoán năm 2013 thị trường game Việt sẽ là sân chơi của hàng loạt webgame 3D, dĩ nhiên lượng client game cũng nhiều hơn nhưng vẫn khá khiêm tốn.
 
Đó là về giá mua, còn về lượng CCU của các webgame trong năm 2012 thì có sự chênh lệch rất lớn giữa các sản phẩm thuộc NPH khác nhau. Hàng top có thể kể đến Võ Lâm Chi Mộng với hơn 50.000 CCU, Ngọa Long khoảng 20.000 CCU.... cho đến mức trung bình là khoảng 5.000 ~ 10.000 CCU. Cá biệt các webgame thất bại nhiều khi mới ra mắt đã chi có khoảng ~ 800 đến 1.000 CCU.
 
Game online Việt năm qua mang về bao nhiêu tiền? 4
 
Như vậy, kinh doanh webgame cũng không phải không có rủi ro. Thống kê sơ bộ cho thấy một số tựa game được dành ngân sách quảng bá từ 3 ~ 5 tỷ VNĐ và chạy hàng 20 tỉnh thành nhưng vẫn thất bại (đó là chưa kể chi phí mua game, chi phí máy chủ tính tổng cộng lên đến hàng chục tỷ). Còn xét trung bình, NPH cũng phải bỏ ra hơn 1 tỷ VNĐ để truyền thông quảng bá.
 
Trên đây là những con số tổng quan nhất về làng game Việt trong năm 2012, chúng ta hãy cùng chờ xem năm 2013 sắp tới sẽ có thay đổi gì hay không.