Game thủ 8x: "Thời tôi đi học cũng trốn tiết nhưng không trẻ trâu như 9x, 10x bây giờ"

Kemag  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/11/2015 03:04 PM

Đó là tâm sự của không ít game thủ Việt lứa tuổi 8x trở về trước, họ cho rằng càng ngày tầng lớp "trẻ trâu" chơi game càng nhiều hơn.

Mới đây, một phóng sự được truyền hình thực hiện với chủ đề "Đau lòng... game online" đang gây bão trong cộng đồng game thủ nước nhà. Phần đông đều cho rằng phóng sự trên phản ánh quá nặng nề về tiêu cực của trò chơi trực tuyến, số khác lại cho rằng sự buông lỏng quản lý của các bậc phụ huynh đã khiến nhiều em nhỏ không ý thức được khi chơi game online, dĩ nhiên cũng có những cá nhân cho rằng cảnh báo trước tác hại là điều nên làm.

Trong hàng trăm bình luận trên mạng xã hội, đáng chú ý là rất nhiều game thủ tuổi đời 8x khẳng định rằng thời đi học mình cũng từng trốn tiết, cũng từng trốn đi chơi game nhưng họ vẫn ý thức tốt chuyện học tập, chứ không như lứa tuổi 9x, 10x bây giờ.


Tâm sự của một game thủ 8x.

Tâm sự của một game thủ 8x.

"Tôi 88, năm lớp 8 có CS, lớp 10 có MU, 11 có Võ Lâm. Trốn học thì nhiều, nhưng có 1 điều thế hệ của bọn tôi trốn học nhưng vẫn rất có ý thức về việc học, lớp tôi cũng chẳng có ai trượt tốt nghiệp, vào ĐH 50%. Và đặc biệt 1 cái, đấy là rất ít những thành phần như bây giờ gọi là trẻ trâu"

"Tôi 86, lớp 9 vẫn tụ tập ăn chơi, vậy mà vào cấp 3 trường N.D, vẫn học lớp chuyên, lớp 12 vẫn trốn học, vẫn tốt nghiệp, đậu Cao Đẳng rồi học liên thông ĐH, vẫn có việc làm, ở nhà riêng... và vẫn chơi game đều đều mà không làm gì có hại cho xã hội", đó chỉ là 2 trong số rất nhiều tâm sự của các game thủ 8x và nhận được sự đồng tình từ phía người xem rằng game không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc bỏ bê học hành.

Vậy thì tại sao càng ngày lớp trẻ (đặc biệt là 9x, 10x) lại càng bị phản ánh chơi game tiêu cực đến vậy? Nhiều người cho rằng đó là vì sự quản lý của cha mẹ cũng như nhà trường còn nhiều lỗ hổng.


Sự quản lý của cha mẹ là cực kỳ quan trọng với con trẻ khi chơi game.

Sự quản lý của cha mẹ là cực kỳ quan trọng với con trẻ khi chơi game.

"Ra quán nhìn bọn nhóc con 14, 15 tuổi ngồi như xếp, mở mồm ra là văng tục chửi bậy. Không biết bố mẹ nó thế nào chứ bản thân mình nhìn thấy đã không thể chấp nhận đc rồi. Từ thú 2 đến chủ nhật chả ngày nào là không có cả, ngay cả trong giờ đi học nghe chúng nó nói chuyện thì mới biết là chốn tiết đi chơi. Bố mẹ ở nhà vẫn tưởng con đi học ngoan lắm nhưng đâu ai ngờ", một game thủ báo động trước việc phụ huynh không hề biết con mình có đi học hay không.

Nhiều cá nhân lập luận rằng giờ đây "liệu có bao nhiêu gia đình dắt con mình đi công viên, đưa con mình đi chơi những thứ lành mạnh, lắng nghe con nói hay thiết thực nhất là quan tâm đến con mình hôm nay thế nào, hay là bận kiếm tiền suốt ngày, không có ai để ngăn cấm, dạy bảo" thì dĩ nhiên sẽ dẫn đến tính xấu của con trẻ. Việc cha mẹ ngày càng có xu hướng cho con trẻ tiều tiêu vặt quá nhiều cũng dễ khiến sa đà vào chơi game mà quên cả việc học.

Phương án được đưa ra là phụ huynh cần quản lý chặt hơn con em mình hàng ngày, tránh trường hợp bỏ đi chơi mà không biết. Ngoài ra một số game thủ giờ đã là cha mẹ cũng chia sẻ rằng nên có một thời khóa biểu cụ thể về giờ học, giờ chơi cho con mình, khi đã học thì thật nghiêm túc còn khi đã giải trí thì không quá cấm đoán.


Game có cả mặt lợi và hại, điều quan trọng là làm sao để mặt lợi phát triển và triệt tiêu mặt hại.

Game có cả mặt lợi và hại, điều quan trọng là làm sao để mặt lợi phát triển và triệt tiêu mặt hại.

Nói chung, game là một loại hình giải trí có cả mặt lợi và hại, tùy vào cách xử sự của mỗi cá nhân mà mặt lợi hoặc hại sẽ lấn át phần còn lại vì thế sự quản lý và quan tâm của gia đình là điều cực kỳ quan trọng. Hy vọng rằng với sự phát triển của game online tại Việt Nam thì mỗi gia đình cũng sẽ ngày một ý thức hơn về vấn đề này.