Trong vài ngày qua, một câu chuyện rất nóng trong cộng đồng những người kinh doanh phòng máy chơi game tại Việt Nam chính là việc một ông chủ quán game đã "phá giá giờ chơi" của quán mình xuống còn 2.000 Đồng một tiếng để... cạnh tranh với những quán net ở khu vực của mình.
Như chúng tôi đã phân tích, thì như rất nhiều ông chủ phòng máy chơi game khác đã chỉ ra, cách này không khác gì tự sát. Nếu như chủ quán game nêu trên đưa ra ý kiến, từ nay đến tháng 09, nghĩa là gần 2 tháng nữa, với tốc độ giảm giá như vậy để hút khách, chắc chắn rằng ông chủ nọ sẽ phải chịu khoản lỗ nặng nề, thậm chí đủ sức đóng cửa phòng máy chơi game.
Cách này không chỉ làm hại cho chính bản thân mình, mà nó còn gây ảnh hưởng tới chính những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của quán net nọ. Một mưu kế "ngọc đá cùng tan" không hề tỉnh táo và khôn ngoan một chút nào. Ban đầu khách sẽ đến chơi đông, vì chỉ cần bỏ ra 20 nghìn Đồng là có thể ngồi thỏa thuê cả chục tiếng đồng hồ, nhưng về lâu dài, với những chi phí tiền điện, tiền thuê mặt bằng, kẻ chịu thiệt không ai khác chính là ông chủ quán game nọ.
Tuy nhiên mới đây, chúng tôi đã nhận được một bức thư gửi về cho BBT, qua đó nêu rõ ý kiến của mình, một người kinh doanh phòng máy chơi game với chi phí thấp, không cao cấp như những phòng máy sang trọng mà chúng tôi giới thiệu tới cho các bạn trong thời gian gần đây. Mời các bạn cùng theo dõi:
"Tôi vừa qua có đọc bài viết về phá giá game net 2.000 Đồng một tiếng. Bài viết có thể nói mang đến cho người đọc rất nhiều ý kiến, nhưng chưa thể biết được cái nhìn cụ thể vào vấn đề. Đó là ý kiến của tôi. Vì sao? Hãy bắt đầu với việc phân tích về giá net.
Nếu 1 quán net làm ăn tốt, máy tính ngon, khách đông ổn định thì tội gì phải đưa ra cái giá chỉ 2.000 Đồng như vậy? Nguyên nhân thật sự là như thế này. Chúng tôi luôn phân biệt là 2 dang nét trong ngành. Một là nét cỏ, 2 là cyber. Những quán net cỏ của chúng tôi chi phí vốn đầu tư không cao, đáp ứng 1 game chạy ổn định trên 1 pc.
Trong khi đó cyber là chi phí vốn đầu tư cao, đáp ứng chạy nhiều tab trên ổn định trên 1 pc. Thị trường nét cỏ chọn lựa thường ở khu vực xa với trung tâm, lân cận các mục tiêu như khu trọ sinh viên. Còn thị trường cyber , khu trung tâm, nơi đông đúc, dân có tiền thường xuyên qua lại.
Tiền nào thì của nấy, hiện nay net cỏ ghế ngồi nhựa hoặc cao lắm là ghế giả da êm êm chút. Nói chung, khoản đầu tư tính trên 1 đơn vị ngồi bao gồm thuế, ghế, bàn, mặt bằng, máy tính,... tầm khoảng 9 triệu/máy tính phục vụ cho game thủ nếu xét về một quán net cỏ.
Còn cyber thì cũng với đầu tư tương tự tính luôn cả máy lạnh, vì nét có thì chỉ xài quạt nên chi phí không cao. tổng chi phí đầu tư cho tất cả thì chạy ra tầm 16 triêu/máy tính.
Không phải quán game nào cũng có điều kiện phát triển như thế này
Chúng tôi, những người kinh doanh nét cỏ với mọi cách kinh doanh. Chỉ mong lấy vốn ích làm lời. Khoản tiền dao động 200 - 300 triệu Đồng, giá nét chỉ tầm 3 đến 4 nghìn Đồng mỗi tiếng. Net cyber vốn đầu từ lại luôn trong khoảng 600 triệu Đồng trở lên, gấp đôi vốn đầu tư nét cỏ vậy giá là bao nhiêu, cũng là 4 - 5 nghìn Đồng để ép chết các nét cỏ xung quanh trước. Nhưng thực chất tính luôn các khuyến mãi thường xuyên, tính ra luôn máy lạnh, máy tính ngon mà giá giờ chơi đôi khi chỉ rơi vào 3 đến 4 nghìn mỗi tiếng, chẳng khác gì so với chúng tôi.
Vậy hỏi lại ai mới là người phá giá?
Người treo bảng 2k trên giờ mong kiếm chén cơm, bị nói là phá giá. hay người không treo bảng đang phá giá thị trường ép chết thị trường net cỏ chúng tôi.
Cũng có nhiều vấn đề khác xung quanh tui biết, ví dụ : chủ đầu tư cyber không rành về ngành nét, ra các cửa hàng thi công game, bị rót vào tai các lời nói ngon, đầu tư max cấu hình, max dịch vụ. lợi nhuận cao, thị trường tốt , mau hồi vốn... Điều này khiến các cyber gần đây mọc như nấm lân cận các net cỏ."
Quả thật, ở những khu vực nơi điều kiện không mấy "chiều chuộng" các ông chủ phòng máy chơi game, kể cả những phòng máy cyber chuyên nghiệp lẫn những quán game "cỏ" mà ông chủ phòng máy trên đây tự nhận, việc cạnh tranh diễn ra khốc liệt, căng thẳng và mạnh hơn bao giờ hết. Ấy mới biết, cái nghề mà nhiều người cho rằng "ngồi mát ăn bát vàng", thật ra phải đánh đổi với biết bao mồ hôi nước mắt, những toan tính thiệt hơn và cả những khó khăn không chỉ đến từ chính những đối thủ cạnh tranh...