- Theo Helino | 20/03/2018 0:00 AM
Gần đây nhất, chúng ta có câu chuyện của anh chàng game thủ PUBG trẻ tuổi mà các bạn đã được theo dõi vào chiều ngày hôm qua. Trong đó game thủ của chúng ta khoe chiến tích sử dụng M249, một trong số những món vũ khí có độ giật cao nhất trong PUBG, nhưng đi kèm với ống ngắm 8X. Nhưng thay vì đạn bay tứ tung, crosshair trong game được game thủ này kiểm soát rất tốt, tốt đến mức, hầu hết mọi người đều nghĩ anh chàng này sử dụng phần mềm macro.
Và, một bộ phận game thủ Việt, với thói quen cũ chưa biết sự tình đã gõ phím thì đưa ra những bình luận vô cùng gay gắt dành cho game thủ trẻ tuổi này. Những câu nói không mấy nhẹ nhàng, đôi khi còn khá thiếu văn minh chỉ khiến họ hả hê trong phút chốc vì trước đây đã từng bị những người sử dụng macro hạ gục một cách thiếu công bằng.
Đến đây, chúng ta cũng nắm được phần nào chủ đề bài viết này: Drama. Kể từ thuở hồng hoang của làng game Việt, những drama liên quan đến 2, 3 hoặc nhiều bên đã xảy ra với tần suất hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày hàng giờ. Vậy rốt cuộc khi nào drama bùng phát? Câu trả lời rất đơn giản, khi lợi ích của bản thân hay đơn giản hơn là nhu cầu thể hiện trình độ game của bản thân hoặc khi bị chê bai trong game, drama sẽ xuất hiện. Và với sự phát triển của mạng xã hội như ngày hôm nay, những tranh cãi của game thủ rất dễ dàng bị nâng thành... drama.
Lấy ví dụ đơn giản, hai game thủ tranh cãi nhau trong game. Hết trận đấu chụp ảnh màn hình đem lên group quy tụ những người chơi và hâm mộ tựa game đó, cùng với những lời lẽ thiếu tôn trọng lẫn nhau. Cộng với hiệu ứng đám đông, thứ vô cùng nguy hiểm, tác dụng phụ của một cộng đồng game thủ đông đảo và mạnh mẽ trong nước, những tranh cãi này nhanh chóng biến thành drama và để lại hậu quả hết sức xấu cho bản thân cộng đồng game thủ. Và mọi chuyện, suy cho cùng, cũng đều do bản tính thèm sự chú ý của những người khác trên mạng xã hội.
Lạc đề một chút. Kể từ khi những mạng xã hội bắt đầu làm mưa làm gió giữa những năm 2000, một thế hệ những người trẻ tuổi "sống ảo" đã bắt đầu tồn tại, lấy like làm lẽ sống, lấy follower làm mục tiêu phấn đấu, thay vì những giá trị thật trong cuộc sống như công việc, tiền bạc hay thành tích cá nhân. Không phải ngoa ngôn mà cụm từ "sống ảo" bất ngờ trở thành một điều gì đó quá quen thuộc trong thời đại Facebook và Instagram hay các MXH khác lên ngôi như thời điểm hiện tại. Người ta coi lượt like và số lượng subscribers của một kênh YouTube hay Facebook là thước đo của sự nổi tiếng. Cũng không sai, nhưng đôi khi con số này bị tiêu cực hóa đến mức không thể tin nổi.
Tương tự như vậy đối với cộng đồng game thủ. Không phải tự nhiên mà bên cạnh showbiz, nhiều phóng viên game ở nước ta hay gọi vui một khái niệm mới toanh là gamebiz. Điều đáng chú ý là ngày nay các vụ Drama Online này đang trở thành 'nguồn sống' cho các group game thủ tại Việt Nam và rất rất đông mọi người chỉ vào facebook để 'hít hà' mua vui - Đọc cũng như 'thả' comment vào hóng các tình tiết phát triển thêm hay nhiệt tình hơn thì tranh luận hay thậm chí là chửi nhau với ai đó chỉ để giải trí hàng ngày.
ất nhiên, có cung thì cũng có cầu, các vụ Drama này xuất hiện ngày một nhiều trên các group game thủ với đủ mọi thứ chuyện, từ chơi game thân rồi cho nhau vay tiền xong mất hút, cho đến chơi thua game mắng chửi nhau trong đó rồi lôi luôn ra ngoài mạng xã hội, hay chúng ta có thể chứng kiến vụ cãi nhau như mổ bò về việc dùng macro trong PUBG có phải là hack hay không...
Rõ ràng các vụ Drama quá căng thẳng, chửi nhau nhiệt tình là không tốt và sẽ gây mất hoà khí trong cộng đồng game thủ, tuy nhiên nhiều vụ việc đơn giản chỉ là để bày tỏ quan điểm mà thôi chứ chẳng gây hại gì đến cuộc sống thực cũng như là việc chiến game cả. Tuy nhiên nhìn theo khía cạnh khác thì chính những topic như vậy lại khiến cho group - cũng chính là cả cộng đồng trở nên 'xôm' hơn rất nhiều bởi đơn giản là cứ có cãi nhau thì thêm nhiều người 'hóng', mà càng đông thì càng vui rồi!
Thế nhưng, theo nhiều game thủ có cái nhìn nghiêm túc hơn thì thực tế các vụ Drama đang dần dà trở thành "Ung Nhọt" trong các group về game khi nhiều lúc kéo cả trang cũng chẳng có vụ việc gì mới mẻ mà chỉ toàn tranh cãi vô bổ không có hồi kết! Dù có muốn tìm kiếm thêm một số các chia sẻ hay kiến thức mới về thế giới ảo cũng không thể.
Lỗi một phần ở chính những người thích hóng drama chứ không phải ai khác. Nếu không có "cầu" thì chẳng bao giờ có "cung", như đã phân tích trên đây. Nếu không một ai thèm quan tâm tới những câu chuyện ai chơi giỏi hơn ai, cãi nhau xem ai thắng, lừa đảo block Facebook lẫn nhau, chung quy là những drama chỉ liên quan đến một số rất ít cá nhân trong một diễn đàn nhưng cả nghìn người cùng xuất hiện và "góp gió", thì chắc chắn drama không thể có sức tồn tại được như ngày hôm nay.
Không có những kẻ ăn ngủ cùng Facebook, với "lẽ sống" gần như duy nhất là "hóng biến" như một bộ phận cư dân mạng tự nhận, chắc hẳn mạng xã hội của chúng ta sẽ trở thành một môi trường vô cùng lành mạnh với những người có nhu cầu và khả năng chia sẻ kiến thức, không chỉ riêng về game mà còn về gần như tất cả mọi thứ. Nhưng không, giờ "gamebiz" đâu khác gì một cái chợ vỡ không quản lý nổi, đơn giản vì cứ có tài khoản là có thể đăng bài viết.
Bạn có thể tranh luận lại rằng, nếu giải quyết được trong kín kẽ thì đã không phải tạo drama đăng lên Facebook. Đúng như vậy. Nếu mỗi người cùng có chút ý thức, chút lịch sự để nói chuyện, tranh luận một cách công bằng ở tâm thế tôn trọng ý kiến của nhau, thì chẳng bao giờ tồn tại cái gọi là drama. Tiếc thay, điều này, đối với một bộ phận không nhỏ game thủ Việt, là thứ rất khó để đạt được.
Từ ý thức người trong cuộc cho tới người ngoài cuộc, giờ đây luôn là thứ ai cũng thở dài ngao ngán, nhưng nhắm mắt làm ngơ cho qua vì coi nó là "luật bất thành văn", cộng đồng game thủ Việt trên mạng xã hội giờ đây đang đứng giữa trăm mối tơ vò, nhưng câu chuyện được đăng tải hàng ngày hàng giờ nhưng tuyệt đại đa số không ảnh hưởng gì đến họ, nhưng vẫn chọn cách tham gia theo cách không ai mong muốn: "Hóng".