Nói về phong trào “độ” vỏ các model màn hình đen trắng của Nokia thì không thể không kể tới việc lắp thêm đèn LED nhấp nháy, một trong những tùy chỉnh khiến cho điện thoại của bạn thay đổi toàn tập về cả vẻ bề ngoài lẫn cấu trúc bên trong.
Rộ lên vào những tháng cuối năm 2010, trào lưu lắp thêm đèn LED nhấp nháy được người dùng điện thoại (đặc biệt là giới trẻ) hưởng ứng rất nhiệt tình. Ban đầu mới chỉ xuất hiện ở dạng những đèn led nhỏ nhiều màu được mắc xung quanh thân máy, sau đó để tăng thêm tính độc đáo, những người chuyên “độ” đã lắp thêm cả đèn bàn phím, đèn pin nhiều màu sắc nhằm thay đổi hoàn toàn vẻ đơn điệu của những chiếc 1200, 1202 quen thuộc. Cho tới nay, sau gần một năm xuất hiện trên thị trường, phong trào lắp thêm đèn LED phát sáng vào điện thoại vẫn khá “hot” và đã phát triển thêm vô số sự lựa chọn thú vị.
Để sở hữu một chiếc “nồi đồng cối đá” màn hình đen trắng và nháy sáng liên tục vào ban đêm như vậy, người chơi phải thay đổi cả vẻ bề ngoài và can thiệp vào bảng mạch chính. Trước hết, kỹ thuật viên sẽ gỡ bỏ thân máy cũ và thay vào đó bộ vỏ trong suốt . Sau đó, dàn đèn LED sẽ được đấu nối vào bảng mạch chính của máy. Trong công đoạn này, khách hàng có thể tùy ý số lượng đèn LED gắn thêm, vị trí của đèn và cân nhắc việc có gắn thêm IC nháy hoặc mạch đèn báo sóng hay không. "Vì hai linh kiện này sẽ giúp đèn LED nhấp nháy theo quy luật, nên thường thì người dùng đã quyết định “độ” sẽ không bao giờ bỏ qua chi tiết này" - anh Hưng, người chuyên nhận "độ" đèn LED cho điện thoại tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội cho biết.
Do tính đa dạng về vị trí, số lượng, màu sắc đèn LED và các chủng loại IC rất cao nên việc sở hữu một chiếc điện thoại độc nhất so với những model đèn nháy khác trên thị trường là hoàn toàn có thể. Chỉ riêng tiêu chí về đèn, chỉ cần sắp xếp vị trí linh hoạt, “phối màu” cho phù hợp với ý thích của mình, đã có thể sáng tạo hàng loạt kiểu cách. Hoặc dùng những IC khác nhau sẽ tạo ra vô vố kiểu phát sáng như nháy vòng tròn, nháy đèn song song theo thân máy, nháy theo nhạc khi có cuộc gọi tới hay “lắc tay” để đổi kiểu nháy.
Thành viên Trinhquocnam6886 trên diễn đàn gsmforum.vn có chia sẻ trên một topic bàn về cách độ đèn LED cho 1202: “Tất cả những cách lắp đèn và màu đèn thường thấy em đều thử qua rồi, kể cả những con IC sáng theo kiểu tua chậm, tua nhanh dần dần em cũng đã nghịch hết. Duy nhất trong số đấy chỉ ấn tượng được với cái IC 6 kiểu nháy mà lắc nhẹ hoặc gõ vào thân máy sẽ đổi kiểu chạy. Các bác cũng nên lắp vào dùng thử xem, hoạt động chẳng khác gì những chiếc smartphone đời cao, cũng ‘lắc tay đổi màu đèn’ như ai”.
Theo tìm hiểu, để sở hữu một chiếc điện thoại đèn LED nhấp nháy như vậy, chi phí người dùng phải bỏ ra cũng không hề rẻ. Giá của một bộ vỏ trong suốt là 20.000 – 30.000 đồng, một đèn LED sẽ có giá giao động từ 10.000 đồng – 50.000 đồng. Tuy nhiên, sẽ rất ít có nơi đòi tới 50.000 đồng/1 LED, vì người dùng thường lắp 6 – 18 đèn trên một chiếc điện thoại. IC có giá từ 120.000 đồng tới 250.000 đồng tùy vào chủng loại. Khách hàng không am hiểu lắm về công nghệ có thể sử dụng dịch vụ “độ” full (sẽ có người tự làm tất cả các công đoạn), giá cả của loại hình này sẽ vào khoảng 400.000 đồng – 550.000 đồng tùy vào yêu cầu của khách hàng. Thông thường, người dùng khi sử dụng dịch vụ lắp trọn gói sẽ được hưởng chế độ bảo hành trong một tháng.
Tất nhiên, thay đổi bất cứ chi tiết gì khác với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất đều sẽ khiến sản phẩm mất đi sự cân bằng vốn có và xuất hiện nhiều nhược điểm. Khi “độ” đèn LED nhấp nháy, người dùng phải chấp nhận việc điện thoại sẽ hao pin hơn do đèn hoạt động nhờ vào nguồn điện của pin. Đèn có thể sẽ hoạt động không ổn định, chập chờn lúc có lúc không (còn tùy thuộc vào chất lượng IC và tay nghề lắp ráp của kỹ thuật viên).
(Tổng hợp)