SIM rác, SIM số đẹp giá khủng đã... hết thời!

Bella  | 25/05/2012 0:00 AM

Dân buôn SIM đang luống cuống trước "giờ G".

Việc quản lý thuê bao trả trước ở nước ta diễn ra khá lỏng lẻo và còn gây lãng phí kho số vì đang có một số lượng lớn những số điện thoại đã được kích hoạt nhưng chỉ sử dụng 1 lần. Cách đây vài năm, bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành quy định buộc các thuê bao di động phải đăng ký thông tin (CMND, ngày tháng năm sinh, số thuê bao) khi kích hoạt số điện thoại để tiện cho việc quản lý. Trước "hạn" 01.01.2008, người người nhà nhà "nô nức" đến các điểm đăng ký để khai báo thông tin, tránh tình trạng mất SIM đang dùng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân đánh giá quy định quản lý thuê bao trả trước của Bộ chỉ là... làm cho có. 

 
Người dùng khó chịu với nhiều bất cập từ việc đầu tư hệ thống tổng đài, việc đăng ký qua Internet, đại lý thu phí khi khách hàng đăng ký... Vì thế, các đại lý bán lẻ đã đứng ra đăng ký hộ khách hàng và bán các SIM trả trước tràn lan trên thị trường. Thanh tra của bộ TT&TT từng xử lý nhiều trường hợp đại lý tự ý kích hoạt SIM điện thoại trả trước, nhưng so với hàng trăm nghìn điểm bán SIM nhỏ lẻ trên toàn quốc thì hành động trên chỉ như... "muối bỏ bể". Thực tế, bộ TT&TT từng phát hiện có 1 CMND đứng tên 3000 thuê bao (mạng Mobifone) hoặc 1 CMND đứng tên 340 thuê bao (mạng Viettel).

Theo thông tư mới nhất của bộ TT&TT, từ ngày 01.06.2012, việc mua bán và lưu thông trên thị trường những SIM trả trước được kích hoạt sẵn khi chưa đăng kí thông tin thuê bao theo quy định phải được chấm dứt. Theo đó, cơ quan quản lý cấm các đại lý đăng ký hộ thông tin cá nhân và kích hoạt bộ kích bằng SIM đa năng, giới hạn số lượng SIM sở hữu, người được chuyển quyền sở hữu phải đi đăng ký trong vòng 10 ngày, đến trực tiếp trung tâm giao dịch của nhà mạng để đối chiếu/khai báo lại thông tin thuê bao... 


Các thuê bao di động trả trước không đăng ký thông tin theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động sau 3 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao. Những điểm đăng ký không đáp ứng được các điều kiện cần và đủ phải ngừng hoạt động tiếp nhận và đăng ký thuê bao trả trước sau 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực. Thông tư 04 chính là động thái tích cực giúp đỡ các nhà mạng trong trong việc hỗ trợ người tiêu dùng giảm thiểu đa tối sự quấy nhiễu bởi các tin nhắn quảng cáo, lừa đảo từ các SIM rác trả trước. 

Thông tư này cũng đã tác động rất lớn đến thị trường SIM số đẹp. Theo các con buôn, thông tư mới cộng với những chính sách siết chặt về thu hồi SIM của nhà mạng đã khiến họ "lao đao". Mỗi đại lý chỉ được đăng ký giữ tối đa 100 SIM/mạng trong 1 thời điểm và mỗi cá nhân chỉ được phép giữ/đăng ký tối đa 3 SIM/mạng. Điều này khiến họ không thể "găm" hàng, và có nguy cơ mất trắng những SIM số đẹp giá vài trăm triệu đến cả tỷ. Chủ một cửa hàng SIM số trên đường CMT8 cho biết: "Tôi đã huy động cả gia đình đi đăng ký thông tin cho những SIM mà tôi nghĩ là đẹp. Anh bạn tôi còn đến các cửa hiệu cầm đồ mua lại CMND bị cầm cố để đăng ký. Biết là phạm luật nhưng đành phải làm vậy, không thì mất sạch à!".

 
Hiện, thị trường SIM số đẹp đã bão hòa. Không có nhiều khách quan tâm đến các số VIP và hàng tồn ở các đại lý đang rất nhiều. Để bảo tồn số hàng của mình, anh Thành (Quận 3) đã áp dụng các hình thức giảm giá để "đẩy" hàng đi. "Giá giảm 20-30, thậm chí 40% mà khách hỏi mua cũng chỉ lèo tèo. Một ngày cao lắm cũng chỉ đi được 3-4 SIM thôi", anh cho biết. Hiện, SIM tam hoa 6 và 8, tứ quý 3 và 5 có giá khoảng 3 - 6 triệu; SIM tứ quý 6, 7, 8, 9 khoảng từ 40 - 50 triệu đồng... nhưng ế vẫn hoàn ế.

Còn 1 tuần nữa là đến giờ G, người tiêu dùng hy vọng thị trường SIM đẹp sẽ tiếp tục hạ giá, đưa giá trị về sát với thực tế. Đây là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra vì các con buôn cần xả hàng, cắt lỗ trước khi hoàn toàn mất trắng kho SIM đẹp mà mình đang giữ. Đại diện một nhà mạng cho biết: "Sau khi tình trạng số VIP được xóa bỏ, người tiêu dùng có thể mua SIM với giá gốc, công bằng hơn, doanh nghiệp viễn thông cũng thuận tiện trong khâu quản lý".  Quy định về thuê bao trả trước đã có từ lâu, nhưng đến bây giờ mới được thực hiện quyết liệt. Nếu đẩy mạnh việc quản lý về mặt kỹ thuật, việc các đại lý gom SIM rác, găm số đẹp để đẩy giá cao sẽ được ngăn chặn hiệu quả.