Vụ kiện Apple và Samsung đã bước sang tuần làm việc thứ 2 tại tòa án. Sau khi Apple cáo buộc Samsung sử dụng trái phép bằng sáng chế số 381 của nhà táo về tính năng “nảy lại khi cuộn hết ảnh”. Samsung đã bác bỏ vấn đề này và cho rằng bằng chứng trên không nên được xem xét một cách hợp lệ.
Một nhân chứng đã được triệu tập để làm sáng tỏ về ứng dụng Tablecloth (được phát triển dựa trên bằng sáng chế 381). Tiến sĩ Andries van Dam, một giảng viên tại Đại học Brown từ năm 1965, đã đưa ra ý kiến nhận định đồng tình với Samsung: “Bằng sáng chế 381 đã được dùng để phát triển các ứng dụng độc lập, do đó, tính hợp lệ của bằng sáng chế này tại tòa là không đủ sức thuyết phục”.
Ứng dụng Tablecloth chạy trên DiamondTouch Tablet, cho phép người dùng cuộn một hình ảnh, khi đến cuối sẽ xuất hiện một khoảng trống màu trắng thể hiện ảnh đã cuộn hết, thả ngón tay ra thì ảnh sẽ nảy ngược trở lại. Hiệu ứng này giống với những gì ta thấy trên iOS. Tablecloth xuất hiện từ 2005, trong khi bằng sáng chế về nảy khi cuộn được Apple đăng ký vào tháng 12/2007.
Ngoài ra, tiến sĩ van Dam đã chứng minh giao diện người dùng LaunchTile tuy không có nhiều điểm giống với bằng sáng chế 381, nhưng lại có một chi tiết tương tự rất thú vị. Đó là khi người dùng thao tác trên một ô Tile, thì mặc dù ô bên cạnh chưa được chọn nhưng nó vẫn sẽ hiển thị thông tin chứa trong Tile đó nhằm giúp người dùng dễ dàng nhận biết.
Giao diện người dùng LaunchTile.
Tiến sĩ van Dam khẳng định rằng Cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ chưa từng xem xét về 2 ứng dụng Tablecloth và LaunchTile trước khi cấp bằng sáng chế cho Apple. van Dam quả quyết: "Tôi đã kiểm tra lại lịch sử quá trình truy tố, và không có tài liệu nào đề cập đến hai phần mềm có thể áp dụng luật prior art này".
Apple không có phản ứng quá gay gắt về những bằng chứng mà tiến sĩ van Dam đã đưa ra. Đại diện Apple cho biết ứng dụng Tablecloth đưa nội dung trở về điểm cuối cùng trước khi xuất hiện hiệu ứng nảy, chứ không phải trở về vị trí cạnh ngoài của nội dung. van Dam phản bác: “Bằng sáng chế đã không mô tả rõ ràng về vị trí quay về của nội dung sau khi được nảy ngược lại”.
Tiếp theo, Apple cho rằng cần phải xem xét lại DiamondTouch Tablet có thật sự là một thiết bị cảm ứng hay không theo quy định tại bằng sáng chế. DiamondTouch bao gồm một máy chiếu, có nhiệm vụ chiếu hình ảnh xuống một màn hình cảm ứng điện dung, thay vì có phần màn hình hiển thị và cảm ứng kết hợp như trên iPhone và iPad. Luật sư của Apple cố gắng trình bày thiết kế của một màn hình cảm ứng thật sự là như thế nào.
Nhưng tiến sĩ van Dam lại có lỹ lẽ tiêng: "Bằng sáng chế không nói rõ cách thức hiển thị của một màn hình cảm ứng, nó chỉ mô tả cách thức hoạt động của giao diện người dùng". Theo cách lập luận của mình, tiến sĩ chắc chắn DiamondTouch thật sự là một màn hình cảm ứng. Như vậy, cả 2 bên đều đã đưa ra những lập luận rất sắc bén, và tòa án sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về trường hợp bằng sáng chế 381 của Apple.
Tham khảo: TheVerge