Android đại loạn, vì đâu nên nỗi?

Minh Lết  | 16/04/2011 0:00 AM

Những thành công rực rỡ của Android cũng không thể che được yếu điểm "chết người" của nó: Sự phân hóa. Hãy cùng GenK.vn đi tìm hiểu về "tử huyệt" này của Android.

Android, một trong những "hiện tượng" lớn của ngành công nghiệp phần mềm trong mười năm trở lại đây. Sự lớn mạnh của Android đánh dấu cho giai đoạn trưởng thành của hệ điều hành trên các thiết bị di động.


Thế nhưng "cây to chịu gió cả". Có một quy luật luôn đúng với bất kỳ sản phẩm nào: càng phát triển mạnh thì lại càng hứng chịu nhiều cạnh tranh từ phía các đối thủ . Đó là quy luật đồng thời cũng là sự điều tiết tự nhiên của thị trường. Android cũng không ngoại lệ.
 

Android đại chiến iOS.


Có thể ngay trong lúc này, Android đang tỏ ra mình là "bất khả chiến bại" với tăng trưởng trên 800% năm 2010. Thế nhưng tiềm ẩn ngay trong những con số tăng trưởng mà bất kỳ một sản phẩm nào cũng phải mơ ước, Android vẫn tồn tại những điểm yếu chết người. Mà nếu như Google không đưa ra được những động thái thích hợp để sửa chữa và ra tay thật quyết liệt, thì rất có thể trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ chứng kiến thêm cú ngã của một người khổng lồ nữa. Người khổng lồ Android. GenK.vn sẽ giúp bạn có được một cái nhìn "trong cuộc" hơn về câu chuyện của Android.


Trước hết, có lẽ cũng nên nhắc lại đôi chút về lịch sử ra đời của Android. Câu chuyện này bắt đầu từ khi đối thủ chính của Android: iOS ra đời vào năm 2007. Thời kỳ đó, hệ điều hành cho các thiết bị di động còn là một thị trường tương đối bình yên. Symbian nắm vị trí thống trị, WinMo vững vàng ở phân khúc smartphone màn hình cảm ứng, BlackBerry OS quanh quẩn trên "sân nhà". Nhưng "đời không êm trôi", sự nổi lên của iOS đã đảo lộn trật tự đó và nạn nhân đầu tiên của iOS là WinMo. 


Có thể Microsoft đã đánh bại Apple trên mặt trận PC, nhưng trên chiến trường smartphone, iOS lại dễ dàng hạ gục WinMo. Sự ra đời của iOS gây ra thiệt hại cho tất cả các bên, nhưng WinMo là thua đau nhất. Có lẽ lý do chủ yếu là vì WinMo quá "đen đủi" khi chọn "địa bàn" hoạt động chính trên phân khúc smartphone màn hình cảm ứng, vô tình đã lọt vào "tầm ngắm" iPhone. Chỉ sau hơn 1 năm trời ra mắt, iOS đã thẳng tiến đến thị phần 2 con số, một kết quả quá ấn tượng, nếu bạn tính đến việc chỉ có duy nhất 1 sản phẩm chạy iOS ở thời kỳ đó: iPhone đời đầu.
 

Apple phục thù thất bại trên mặt trận HĐH PC bằng iOS.

Nếu như mọi chuyện chỉ dừng ở đó thì có lẽ sẽ chẳng ai thắc mắc gì. Tất cả đều hài lòng với sự thất bại của WinMo, nói cho cùng WinMo là một sản phẩm đã quá lỗi thời, xứng đáng bị gạt bỏ vì sự tiến bộ của xã hội. Thế nhưng tốc độ phát triển của iPhone đã khiến tất cả các bên có liên quan, trừ Apple, tỏ ra lo lắng. iPhone của Apple là một sản phẩm tuyệt vời, lợi nhuận mà nó đem về cho Apple thực sự khổng lồ. 


Thế nhưng vấn đề là ở chỗ, iPhone là một nền tảng đóng mà mục đích duy nhất của nó đó là thu lợi về cho Apple. Các bên thứ 3 lấy về được vô cùng ít lợi nhuận từ sự ra đời của iPhone. Tất cả các nguồn thu chính của iPhone như iOS, AppStore, quảng cáo trên iPhone, lợi nhuận bán máy, tất cả đều chảy vào túi Apple. Có thể bạn sẽ thắc mắc: chẳng lẽ iPhone lại có thể đem lại lợi nhuận cho các hãng khác ngoài Apple? Sự thực đúng là như vậy, và cũng đúng với tất cả nền tảng di động khác. WinMo, Symbian... tất cả đều đảm bảo một môi trường "cộng sinh" nơi mọi người đều được hưởng lợi. Ai cũng có thể phát triển smartphone chạy Symbian hay WinMo, miễn là họ chịu trả tiền cho Microsoft hay Nokia. Điều này dẫn đến ai ai cũng có thể kiếm tiền trên 2 nền tảng này. 


Nhưng iOS thì là sản phẩm độc quyền của Apple, nếu iOS thống trị, thì không một bên thứ 3 nào khác được lợi, ngoài Apple và những đồng sự của Apple. Như AT&T chẳng hạn.

 

Ai cũng sợ rằng nếu như quyền kiểm soát và thao túng thị trường được trao vào tay một trong những nhà lãnh đạo độc đoán và cứng đầu nhất thế giới: Steve Jobs, thì tất cả sẽ chịu những tổn thất nặng nề. 


Không chịu khoanh tay ngồi chờ một tương lai đen tối đang lù lù tiến đến, Google tập hợp lại cùng 33 nhà sản xuất phần cứng, phần mềm và chất bán dẫn trên toàn thế giới để thành lập một liên minh mang tên Open Handset Alliance (Liên minh thiết bị cầm tay mở-OHA). OHA ra đời với mục tiêu là làm một điều gì đó để ngăn chặn Apple, ngăn chặn iPhone tiến xa hơn.


Để thực hiện mục tiêu đó, họ quyết định phát triển một hệ điều hành để làm đối trọng với iOS. Và Android, hệ điều hành cho các thiết bị di động được Google mua lại trước đó, đã được chọn để trở thành hạt nhân của dự án.


Và Android đã ra đời như thế, và tất các thành viên của OHA đều nhất trí một điểm rằng, mục tiêu chính của Android sẽ là cạnh tranh, chặn đứng, và nếu có thể thì là tiêu diệt hoàn toàn iOS. Với mục tiêu ban đầu như thế, Android sẽ phải đi ngược lại những gì iOS đang làm.


iOS độc quyền của Apple? Android sẽ là một nền tảng mở, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. iOS đóng kín AppStore, giới hạn việc cài phần mềm từ bên thứ 3 phải qua thông Apple để Apple được "chấm mút"? Android sẽ "mở" hoàn toàn việc cài ứng dụng, người dùng sẽ được thoải mái cài bất kỳ phần mềm gì họ muốn, bất kỳ lúc nào họ cần. Thậm chí cả những tính năng khiếm khuyết của iOS như không hỗ trợ đa nhiệm, thiếu Flash, Android cũng bổ sung đầy đủ, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trước iOS.
 
Và với nhiệm vụ được giao phó, Android đã hoàn thành xuất sắc phần việc của mình: Tốc độ phát triển của iOS bị ảnh hưởng nặng nề vì Android.
 

Từ khi ra đời, Android liên tục "pháo kích" vào thành trì Apple bằng vô khối sản phẩm "bom tấn".


Khi đã "qua mặt" iOS, Google đứng từ trên đỉnh cao chiến thắng, nhìn lại đứa con của mình và thảng thốt nhận ra rằng Android giờ đây đang đại loạn. Tất cả là hậu quả của việc Google đã bỏ qua quá nhiều nguyên tắc, bất chấp tất cả để hạ gục Apple. Đứng đầu thị trường về doanh số nhưng sự phân hóa, thiếu qui chuẩn của các thiết bị chạy Android đang bộc lộ những yếu điểm không thể chối cãi.


Và bước đi đầu tiên đến với thảm họa của Android bắt nguồn từ câu chuyện phần mềm.


Manh nha nguy cơ
 
Thử tưởng tượng, trong mấy smartphone vừa ra đời, số lượng sử dụng phiên bản 2.3 chiếm đa số: Incredible S, Xperia Play, Galaxy S Plus... Thế nhưng các thiết bị cũ hơn như Desire Z, Desire HD, Galaxy S vẫn đang chờ bản cập nhật lên Android 2.3, dù hệ điều hành này ra đời đã được gần nửa năm. So sánh với Apple, một khi iOS được cập nhật, hầu như lập tức các thiết bị đều được nhận 1 bản cập nhật thông qua iTunes. 
 

Sự phân hóa về phiên bản khiến thị trường Android trở nên rắc rối.


Sự chậm trễ trong việc cập nhật phần mềm của các nhà sản xuất có nhiều lý do, nhưng tự chung lại nguyên nhân chính chỉ là do Google cập nhật Android quá nhanh, 1 năm có đến 2 bản cập nhật lớn khiến nhà sản xuất thiết bị "không kịp thở". Và các giao diện của nhà sản xuất phải được hiệu chỉnh lại để phù hợp với phiên bản mới. HTC Sense 2.0 có thể làm việc rất tốt trên Android 2.2, nhưng khi lên Android 2.3, nếu muốn Sense hoạt động, HTC phải bỏ thời gian ra chỉnh sửa nó. Điều này cũng diễn ra tương tự ở các nhà sản xuất khác, Motorola, Samsung, LG đều có một giao diện riêng cho sản phẩm của mình. Và trong cuộc chạy đua phần cứng, việc cập nhật cho 1 sản phẩm cũ còn đắt hơn chi phí thiết kế một sản phẩm mới. Vì thế người ta chẳng buồn cập nhật, mà chỉ đơn giản là làm luôn ra 1 sản phẩm khác và đem tiếp thị, mặc người sử dụng mắc kẹt với những phiên bản phần mềm cũ kỹ.


Điều này cộng với khi phát triển phần mềm, người lập trình luôn hướng tới số đông . Vì thế ngay cả khi Android đã lên 2.3, thì phần lớn số lượng ứng dụng mới đưa lên Android Market vẫn được viết để tương thích với phiên bản 2.2. Chính điều này khiến cho người sử dụng điện thoại chịu nhiều thiệt thòi, mua thiết bị mới nhất, nhưng đại đa số các phần mềm lại hoạt động không ổn định, thiếu cập nhật, vì chúng còn phải phục vụ những thiết bị mang phiên bản cũ hơn, chiếm số đông. 

Có thể bạn sẽ thấy rằng chuyện này cũng chẳng có gì to tát, 2.2 hay 2.3 thì cũng có quan trọng gì? Nhưng việc trên cùng 1 nền tảng tồn tại quá nhiều phiên bản cùng hoạt động sẽ gây lãng phí rất nhiều đến công sức của các nhà phát triển phần mềm. Thay vì bỏ công sức tập trung viết cho nền tảng mới nhất, thì họ lại phải loanh quanh đi tìm cách sửa lỗi để phần mềm của mình hoạt động ổn định trên tất cả các phiên bản. Và hãy nhìn bức tranh tổng thể để thấy được tính nghiêm trọng của sự việc: Nếu đến tận khi Android ra phiên bản 2.5 2.6 mà bạn vẫn bị "kẹt" ở phiên bản 2.2, đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận một chiếc smartphone chậm chạp, thiếu tính năng.
 
Hãy thử nhìn xem, từ Android 2.1 lên 2.2, hiệu năng của Nexus One được cải thiện đến 450%. Hãy nhìn vào con số đó và nói cho tôi biết, liệu bạn còn muốn giữ phiên bản Android cũ trong máy của mình nữa hay không?


Phần cứng ly tán


Phân hóa trong phần mềm đã tồi tệ, phân hóa trong phần cứng còn khó chịu hơn. Vì Android là HĐH mở nên ai cũng có thể sản xuất 1 smartphone chạy Android. Có nghĩa là bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn về phần cứng, chip 600Mhz hay 1Ghz, thậm chí là lõi kép, RAM 512Mb hay 1Gb, bàn phím cứng hay không đều không thành vấn đề. 


Có lẽ nguyên nhân của vấn đề bắt nguồn từ bản chất của OHA. Liên minh Android được thành lập bởi hàng loạt các công ty sản xuất chip điện tử cũng như phần cứng, một vài cái tên đáng chú ý có thể kể đến như HTC, Motorola, Samsung, Intel, Qualcomm, Nvidia.... Tất cả các thành viên đó chắc chắn đều muốn rằng Android có thể chạy ổn định trên phần cứng của mình, dẫn đến tính "dễ dãi" của Android là không thể tránh khỏi. Nhìn chung, đó là một điểm mạnh của Android, nhưng cũng vì thế mà phần cứng của Android rải rác khắp thượng vàng hạ cám. Riêng GPU đã có 4,5 kiến trúc xử lý. Andreno của Qualcomm, PowerVR của Samsung, GeForce ULV của Nvidia... 
 

Sự khác biệt quá lớn về phần cứng giữa các model chạy Android đã trở thành rào cản đối với các nhà phát triển.


Điều này lại dẫn tới 1 hệ quả khác, đó là 1 phần mềm (game chẳng hạn) có thể chạy rất tốt trên 1 thiết bị, nhưng sang 1 thiết bị khác, có sức mạnh phần cứng tương đương (thậm chí là mạnh hơn), thì lại không thể hoạt động được. Lý do là vì kiến trúc xử lý không hỗ trợ. Vì thế khi viết 1 game cho Android, nhà phát hành game sẽ phải viết game cho 4,5 hệ thống xử lý khác nhau, dẫn tới chi phí và thời gian phát triển tăng vọt. 


Điều này giải thích vì sao rất nhiều game hay trên iOS không được hoặc được chuyển về Android một cách nhỏ giọt. Nếu bạn đã từng thấy ghen tị khi nhìn bạn bè mình chơi game trên iPhone 4 mà chiếc siêu smartphone chạy Android của bạn lại không có trò chơi đó, thì bây giờ bạn đã biết đổ lỗi cho ai rồi đấy.


Và điều nguy hiểm hơn nữa, là những vấn đề kể trên sẽ không tự khắc phục mà chúng chỉ có xu hướng càng ngày càng trở nên trầm trọng. Tính phức tạp và phân hóa của thị trường Android sẽ tăng cùng với số lượng model Android được tung ra thị trường.


Sự tăng tiến này dẫn đến một hiệu ứng dây chuyền: Android phát triển càng nhanh, các sản phẩm được tung ra càng nhiều thì sự phân hóa càng sâu sắc và rõ rệt, kết quả là các nhà sản xuất sẽ càng cảm thấy "thối chí" khi việc phát triển phần mềm cho Android quá phức tạp. Và bên chịu thiệt nhất tất nhiên vẫn là người sử dụng.


Để tạo ưu thế cạnh tranh của Android trước iOS, Google tỏ ra dễ dãi trong việc quản lý mã nguồn của Android. Sự dễ dãi này khiến việc sản xuất 1 smartphone chạy Android trở nên dễ dàng và cực rẻ nhưng đồng thời nó cũng làm cho sự phát triển của Android càng lúc càng...lung tung. Ở một thị trường không trọng điểm như Việt Nam, điều này thể hiện không rõ rệt lắm, nhưng thử nhìn như ở Mỹ, ngoài Android Market còn có đến 3,4 "chợ ứng dụng" khác song song hoạt động. Mới đây nhất Amazon cũng cho ra đời "chợ ứng dụng" của mình. Sự phân mảng trong cơ cấu phân phối ứng dụng khiến cho người sử dụng gặp nhiều khó khăn. Thay vì tìm mua tất cả những ứng dụng bạn cần ở 1 nơi như cách mà người sử dụng iOS có thể làm. Người sử dụng Android có thể sẽ mất rất nhiều công tìm kiếm ứng dụng mà mình cần.


Đó là còn chưa kể đến việc Google thả nổi Android đến mức những nhà sản xuất thiết bị chạy Android có thể thoải mái "mổ xẻ" thêm thắt Android tùy ý thích.  Và các nhà sản xuất không bỏ lỡ cơ hội này để phủ lên Android những giao diện của hãng mình. HTC có Sense, Samsung có TouchWiz, Motorola có Blur.... 


Thực ra đây cũng là một điều tốt, vì khách hàng có thêm sự lựa chọn và các trải nghiệm thú vị hơn nếu có các giao diện này, nhưng vấn đề nằm ở chỗ không phải hãng nào cũng làm tốt phần việc tùy biến này. HTC Sense thực sự rất đẹp và tiện dụng, nhưng Blur của Motorola lại quá xấu và thiếu ổn định. Thậm chí ngay cả trong 1 hãng, chất lượng phần mềm của các máy chạy Android cũng không ổn định, một ví dụ điển hình là LG Optimus 2X, phiên bản cho thị trường châu Âu, do một số lỗi trong giao diện tùy biến của LG, liên tục gặp lỗi force quit khi dùng trình duyệt, trong khi phiên bản cho thị trường Mỹ sử dụng giao diện chuẩn của Android thì hoạt động cực ổn. 
 


Người sử dụng thì không cần biết lý do vì sao smartphone đó không ổn định, họ chỉ cần biết rằng nó chạy Android và nó đơ mỗi phút 2 lần. Những sự cố đáng tiếc như thế ảnh hưởng rất lớn đến hình tượng cũng như chất lượng của Android, một vấn đề mà Google không thể không lưu tâm.


Lời kết


Android đang phải đối mặt với những nguy cơ rất sát sườn. Đây không phải là chuyện viển vông, lo trời sập mà đã trở thành những lo ngại trước mắt của Google. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để, một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy Android bị các nhà sản xuất can thiệp sâu vào mã nguồn đến mức mỗi nhà sản xuất có một phiên bản Android cho riêng mình, và rất có khả năng các phiên bản đó sẽ không tương thích với nhau, và như thế, thay vì có 1 hệ điều hành Android, chúng ta sẽ có hàng chục hệ điều hành của HTC, Motorola, Samsung.... Và với 1 thị trường bị phân hóa sâu sắc như thế việc duy trì một kho ứng dụng chung sẽ là điều không thể.
 
Người ta sẽ phải viết ứng dụng riêng cho từng hãng. Và kết quả là Android sẽ bị thay thế bởi 1 hệ điều hành khác mang tính "chuẩn hóa" cao hơn. Đó sẽ là cái kết của Android. Câu chuyện này đã từng xảy ra với các hệ điều hành trước thời MSDos, và nó cũng chính là lý do mà Dos có thể ra đời. Và không có gì bảo đảm nó sẽ không tái diễn với Android.


Tuy nhiên, nói rằng Android sẽ vấp ngã từ đây là còn quá sớm, nguy cơ là có thật, nhưng giải pháp cũng không thiếu. Bản thân tôi cũng không nghĩ Google sẽ chịu "buông xuôi" trước thử thách này. Việc Google sẽ ứng xử ra sao với "loạn Android" cũng là một câu chuyện không kém phần thú vị, nhưng lại không nằm trong khuôn khổ của bài viết này. Với tư cách là một người sử dụng Android, tôi chỉ biết hi vọng Google có thể tìm được 1 giải pháp có lợi cho người sử dụng cũng như nhà phát triển. Nếu Android có thể vượt qua thử thách này, nó sẽ thực sự trở thành một HĐH "bất khả chiến bại".

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức"  - chúng ta hãy cùng chờ xem sao.

Xem thêm:

android