Khi tôi nói: "Tôi cô đơn vì… công nghệ", có lẽ ai đó sẽ phì cười, nhìn tôi kỳ lạ. Nhưng dù bị phản ứng hơn thế, tôi vẫn nói rằng công nghệ lấy đi của tôi những niềm vui giản dị, chân thật.
"Tôi thấy cô đơn trong chính thế giới người ta vẫn tôn sùng, ngưỡng vọng - thế giới số" - Ảnh minh họa từ Internet.
Tôi thấy cô đơn trong chính thế giới nhiều người vẫn đang tôn sùng, ngưỡng vọng - thế giới số. Tôi là một cô gái trẻ, hơn thế lại là một cô gái mê công nghệ. Như bao con người hiện đại khác, tôi say mê những “siêu phẩm” như smartphone, iPad… Những sản phẩm nào mới ra tôi đều cập nhật tin tức, ngắm nhìn với đầy khao khát chiếm lĩnh và trải nghiệm.
Tôi, bạn bè xung quanh và cả người tôi yêu cũng vậy, chúng tôi đều cho rằng cuộc sống sẽ kém đi ý nghĩa biết bao nếu thiếu Internet, thiếu sóng wifi, thiếu mạng xã hội... Tôi nhìn chiếc iPad nhỏ gọn trong tay, mang cả thế giới đến quanh mình mà thầm sung sướng. Tôi cảm thấy được sinh ra trong xã hội tiên tiến này đã là một điều hạnh phúc trong rất nhiều điều khiến ta hạnh phúc khi được sống.
Nhưng đến một ngày, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình cười kém tươi, cư xử kém nồng nhiệt khi gặp lại cô bạn cũ. Cứ tưởng hai đứa sẽ ôm chầm lấy nhau, sẽ trò chuyện đến quên ngày tháng để thỏa lòng mong nhớ. Nhưng không! Tất cả đã không diễn ra như tôi nghĩ, sau những lời thăm hỏi qua loa, điều tôi quan tâm chính là: “Địa chỉ Facebook của cậu là gì?”. Bạn tôi ngớ người một hồi rồi cũng cho tôi địa chỉ.
Tôi thoáng sượng sùng vì đã hỏi bạn câu ấy. Sao tôi không hỏi địa chỉ nhà của cô ấy để thỉnh thoảng ghé thăm mà lại muốn ghé đến một địa chỉ ảo trên mạng? Cô ấy đâu có sống ở đó. Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi cứ luôn bị đeo bám bởi câu hỏi: “Có phải mình đang bị chi phối quá nhiều bởi cuộc sống ảo?”.
Dần dần tôi muốn sống khép kín, lười vận động, ngại gặp gỡ… thậm chí là gặp gỡ người yêu. Cuối tuần tôi với người yêu hẹn nhau đến một quán cà phê quen, chúng tôi ngồi lặng im nhìn nhau như thể không còn điều gì để nói với nhau hoặc dành điều đó để nói ở một nơi lãng mạn nào khác, đó là đâu? Yahoo, Facebook hay SMS? Chúng tôi ngại ngần biểu lộ cảm xúc thật của mình, dù đó là với người mình yêu.
Những buổi tối online thâu đêm, nhìn thấy nick anh sáng, lạnh lùng lướt qua những cái nick khác của bạn bè, mường tượng ra những điều sẽ nói, những dòng chữ vô hồn chạy trên khung chat, một dòng “status” than vãn của ai đó, tôi ngán ngẩm nhấn “sign out” (thoát). Tôi thấy mình lạc lõng giữa trập trùng wifi.
Tôi kết nối tài khoản Facebook với cấp trên. Thời đại này, có thể không có mối tình nào vắt vai nhưng không thể không có tài khoản Facebook, nên chuyện một ông lão gần 50 tuổi chơi Facebook cũng rất bình thường. Tôi vào trang cá nhân của ông và sững sờ khi thấy trên trang cá nhân ấy không có gì ngoại trừ… hình. Nhưng đó không phải là hình của ông mà là hình của một cô gái trẻ - đó là con gái ông. Những tấm ảnh đó ghi lại từng khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời cô ấy từ lúc chập chững cho đến lúc lấy chồng, sinh con… Dưới mỗi bức ảnh là dòng chú thích: “Bố yêu con!”.
Tôi sang trang cá nhân của cô con gái ông, tôi lại càng ngạc nhiên hơn, dưới mỗi tấm ảnh mà cô đăng lên tường (wall) đều có những dòng bình luận của ông, đôi khi là hỏi thăm, đôi khi là khen ngợi, đôi khi động viên cô ấy vượt qua khó khăn.
Người đàn ông ấy cứ miệt mài dõi theo những bước cô ấy đi, những nơi cô ấy đến cho dù những sự yêu thương ấy chưa một lần được cô con gái hồi đáp trên những dòng bình luận. Mãi đến sau này, tôi mới nghe một đồng nghiệp kể ông ấy đã ly hôn với vợ từ mấy chục năm trước và cô con gái theo mẹ sang nước ngoài sống, từ ấy họ không gặp nhau nữa.
Tôi thấy lòng mình thắt lại. Sự yêu thương, tình phụ tử, người cha tội nghiệp chỉ còn biết cách thể hiện tình yêu với con gái mình qua mạng xã hội… Tất cả như quấn lấy tôi, siết chặt tôi trong suy nghĩ.
Con người hóa ra lại cô đơn vậy sao, tội nghiệp đến thế sao? Tôi sợ rằng sẽ đến lúc nào đó tôi cũng phải yêu - thương - online như thế!
Theo Tuổi Trẻ