- Theo Helino | 02/11/2018 11:41 PM
The Legend of Zelda: A Link Between Worlds
Ý tưởng ban đầu về "The Legend of Zelda: A Link Between Worlds" được đề xuất bởi Shikata Hiromasa sau khi "The Legend of Zelda: Spirit Tracks" đã hoàn tất quá trình phát triển. Nhà thiết kế game huyền thoại Miyamoto Shigeru rất thích ý tưởng Link có thể nhập vào những bức tường và đã ngay lập tức cho phép đội ngũ làm game triển khai nó. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần thực hiện, đa số nhân lực bị chuyển sang một dự án khác cần chạy gấp để theo kịp ngày ra mắt của hệ máy console mới Wii U. Phải đến một năm rưỡi sau đó, nhà sản xuất Aonuma Eiji mới quay trở lại và tiếp tục phát triển nó thành một tựa game hoàn chỉnh.
X-COM: UFO Defense
"X-COM: UFO Defense" là cái tên tiên phong trong việc phổ biến dòng game chiến thuật theo lượt, kéo theo cả một series "X-COM" thành công sau đó. Nhà phát hành MicroProse ban đầu rất hào hứng về tựa game này, nhưng sự nhiệt tình đó không duy trì được bao lâu. Những khó khăn về tài chính khiến nhà phát triển suýt phá sản, trong khi đó Spectrum HoloByte đã mua lại đa số cổ phần của MicroProse. Họ lại không có mấy ấn tượng về ý tưởng của "X-COM" và yêu cầu hủy bỏ dự án. Tuy nhiên, các "sếp" tại MicroProse đã "ngó lơ" luôn yêu cầu đó, không đề cập gì với các nhà phát triển để họ an tâm hoàn thành game.
The Last Guardian
Mặc dù đây là một trong những tựa game được mong đợi nhất từ trước đến giờ, nhưng so với những người tiền nhiệm như "Ico" hay "Shadow of the Colossus", quá trình phát triển của "The Last Guardian" không hề "êm ả" chút nào. Dự án chính thức bắt đầu vào năm 2007 với mục tiêu phát hành game trên PlayStation 3 sau vài năm. Tuy nhiên, vô số vấn đề nảy sinh khiến cho game bị trì hoãn liên tục. Nhiều người còn lo sợ rằng Sony sẽ hủy bỏ dự án sau khi một vài cột mốc quan trọng bị chậm tiến độ. Cuối cùng, phải đến tháng 12 năm 2016, tựa game mới được ra mắt trên … PlayStation 4.
Pokémon Red and Blue
Những tựa game "Pokémon" đầu tiên được sản xuất bởi một đội ngũ nhỏ trong khoảng thời gian khá dài – chính xác là 6 năm phát triển. Thời gian kéo dài cũng đồng nghĩa với việc dự án phải đối mặt với vô số vấn đề trước khi nó được hoàn thành. Nguy hiểm nhất là các máy tính liên tục quá tải nhiệt và bị "treo", đẩy cả quá trình phát triển vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Rất may là các kỹ thuật viên đã xử lý kịp thời và đưa chúng về trạng thái ban đầu, vậy nên không có quá nhiều thiệt hại xảy ra. Nếu không, chắc chắn "Pokémon Red and Blue" có lẽ sẽ không bao giờ được ra đời!
GoldenEye 007
Toàn bộ quá trình phát triển của "GoldenEye 007" – một trong những video game nổi tiếng và quan trọng nhất trong lịch sử ngành game, là một dự án trì hoãn kéo dài và vấp phải vô số vấn đề nan giải. Trong tổng số 10 thành viên của dự án, chỉ có 8 người từng phát triển game trước đó, nhân lực đã ít, lại không có nhiều kinh nghiệm nên quả thực rất khó khăn. Dự án kéo dài 32 tháng đồng nghĩa với việc nó được phát hành 2 năm sau khi bộ phim gốc ra rạp. Tuy nhiên điều phi thường nhất chính là tính năng nhiều người chơi được thực hiện gần như toàn bộ bởi chỉ một người. Nó được giữ bí mật tới cuối cùng và bổ sung vào game như một phương án dự phòng.