Theo Trí Thức Trẻ | 22/10/2018 12:24 PM
Trong tác phẩm "Tây Du Ký", có thể nói cao thủ đếm cả ngày không hết. Bàn về "Tây Du Ký", người ta thường bàn đến việc thần tiên đánh nhau với yêu quái, xem ai mạnh hơn ai, bảo bối nào mạnh hơn bảo bối nào…
Thế nhưng, người xưa có câu: "Cao thủ trước giờ không rút dao". Trong "Tây Du Ký", có một nhân vật cao thủ "tàng hình", dù chỉ là một người bình thường nhưng đủ để khiến thần tiên hay ma quỷ đều phải kính nể. Người đó chính là vua Đường – Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Long Vương tại sao lại tìm đến Đường Thái Tông cầu cứu?
Trong hồi thứ chín của "Tây Du Ký", Kính Hà Long Vương vì vi phạm ý chỉ của Ngọc Đế, thay đổi thời gian mưa nên bị đánh dấu vào sổ chết.
Để bảo toàn mạng sống, dưới sự hướng dẫn của thần cơ diệu toán Viên Thủ Thành, Long Vương đêm năm mơ gặp được Đường Thái Tông, liền quỳ xuống thỉnh cầu nhà vua cứu mình.
Long Vương nói: "Bệ hạ là chân long, thần là nghiệp long. Thần vì phạm phải quy định của thiên đình, sẽ bị hiền thần của bệ hạ là Tào Quan Ngụy Trưng xử trảm, vì thế, thần đã đến đây bái cầu, mong bệ hạ cứu thần!"
Long Vương phạm tội, vi phạm ý chỉ của Ngọc Đế, lẽ thường phải do Ngọc Đế xử phạt, muốn xin tha tội, ông ta phải gặp Ngọc Đế, hà cớ gì lại đi gặp Đường Thái Tông? Đường Thái Tông có khả năng gì có thể đảm bảo giúp được Long Vương?
Chân dung Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Cổ nhân cho rằng, mọi sự vận động trong thế gian đều dựa vào long mạch, mà người có khả năng chi phối long mạch chính là người đang vận hành giang sơn xã tắc, hay nói cách khác, đó là bậc đế vương trong thiên hạ.
Bởi lẽ đó, dưới thời Trung Quốc cổ đại, người ta vẫn gọi hoàng đế là "Chân long thiên tử" hay "chân mệnh thiên tử" là vì thế.
Giang sơn xã tắc của mỗi một triều đại đều do ông vua của triều đại đó thống lĩnh. Kính Hà nằm trên bản đồ của nhà Đường, Kính Hà Long Vương lẽ dĩ nhiên phải tìm đến Đường Thái Tông cầu cứu.
Đường Thái Tông muốn mở ra cho Kính Hà Long Vương một con đường sống nên đã cố tình vời Ngụy Trưng vào cung chơi cờ, mục đích là để ông ta không làm hại đến Long Vương.
Thế nhưng không may là, Long Vương chỉ quan tâm đến việc cầu cứu Đường Thái Tông mà quên không nói với ông thời gian chính xác mình bị trảm. Thời gian vừa đến, Ngụy Trưng đã đứng trước mặt Đường Thái Tông, mơ màng buồn ngủ, xử trảm Long Vương trong mộng.
Vong hồn Long Vương không siêu thoát, ám quanh Đường Thái Tông, nhất định phải bắt ông, lôi xuống địa ngục.
Sau khi đến địa ngục, Đường Thái Tông được Thập Đại Diêm Vương cung kính nghênh đón, không ai dám thất lễ. Chi tiết này cho thấy, Đường Thái Tông địa vị rất cao, đến cả Thần cũng không ngạo mạn trước mặt ông.
Ảnh minh họa.
Đường Thái Tông có thể làm được việc mà Thập Đại Diêm Vương không thể làm
Sau khi đến địa ngục, Diêm Vương sai người đi lấy sổ sống – chết ra để kiểm tra tuổi thọ của Đường Thái Tông.
Lúc này, viên phán quan Âm ty là Thôi Khuê Thôi phát hiện Đường Thái Tông chỉ còn sống thêm được 13 năm nữa, liền vội vàng cầm bút, sửa lại con số thành 23 rồi trình báo Diêm Vương.
Diêm Vương thấy vua Đường còn sống được hơn 20 năm nữa, liền an ủi ông và đưa ông trở lại dương gian.
Một viên phán quan nhỏ bé vì sao lại dám tùy tiện sửa đổi sách sinh tử như vậy? Cần phải biết thêm rằng, năm xưa Tôn Ngộ Không đại náo Âm tào Địa phủ, tự ý xóa giờ tử của mình, Diêm Vương đã vô cùng phẫn nộ, lập tức lên thiên đình bẩm báo Ngọc Đế.
Vậy thì tại sao Thôi phán quan tự ý tăng tuổi thọ cho Đường Thái Tông lên hơn 20 năm mà Diêm Vương lại có thể lờ đi như vậy?
Nguyên nhân là bởi vì Đường Thái Tông là Chân Long Thiên Tử của nhà Đường, dưới sự lãnh đạo của ông, muôn dân trăm họ được nhờ, dân chúng được hưởng thái bình. Chỉ cần có ông là có thể giải quyết được vô số oan hồn ở địa phủ.
Trước khi trở về dương gian, Đường Thái Tông còn đi một vòng 18 tầng địa ngục. Đi qua Uổng Tử Thành, ông đã chứng kiến vô số oan hồn vô chủ. Về sau, Đường Thái Tông đã lấy hẳn một kho vàng bạc, bố thí và làm lễ siêu độ cho những oan hồn đó.
Hay nói cách khác, Đường Thái Tông đã gánh nợ giúp những vong hồn vô chủ, giúp họ siêu thoát.
Đường Thái Tông đã làm được điều mà Thập Đại Diêm Vương không làm được. Điều này khiến Thập Đại Diêm Vương phải kính nể ông, Quan Âm Bồ Tát phù hộ ông.